Cả năm không đi du lịch, Tết đòi đi để làm gì?

Thời sựThứ Sáu, 13/01/2017 06:47:00 +07:00

Nhiều người làm trong các cơ quan, doanh nghiệp, khi được đơn vị tổ chức cho đi du lịch miễn phí vẫn tìm mọi cách từ chối nhưng cuối năm lại xách vali lên đường đi du lịch mà không về quê với cha mẹ, ông bà, tổ tiên.

Trong bài viết "Ngày Tết mà bỏ quên cha mẹ, kéo nhau đi du lịch là bất hiếu", nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng: "Chơi tết là… đi chơi. Thay cho việc về quê, người ta đi du lịch. Du lịch trong nước, rồi du lịch cả ở nước ngoài. Cái Tết đang bị biến thái (...). Con cháu quây quần là đoàn tụ đại gia đình. Đoàn tụ cả với tổ tiên. Cho nên, không ngoa khi nói rằng, Tết - thay vì về nhà sum họp - lại bỏ quên cha mẹ, kéo nhau đi du lịch là bất hiếu".

4

Tết là dịp để con cháu quây quần với ông bà, cha mẹ. Ảnh minh họa

Nhiều ý kiến đồng quan điểm với nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ, việc đóng kín cửa để đi chơi 3 ngày Tết mà không thắp hương khói hay thờ cúng tổ tiên gì thì rất đáng trách vì đã đánh mất truyền thống, lúc ông bà tổ tiên đang "sum họp" sao con cháu lại nỡ bỏ nhà mà vi vu nơi khác.

Độc giả Nguyễn Hường cho rằng: "Hằng năm, chúng ta đã có rất nhiều ngày lễ để đi du lịch như dịp dỗ tổ Hùng Vương, 30/4, dịp du lịch hè của các công ty, 12 ngày nghỉ phép, ngày quốc khánh 2/9 và dịp Tết Dương lịch. Do vậy, Tết Nguyên Đán nên về với bố mẹ và hương khói cho ông bà tổ tiên, là dịp sum họp mọi người trong gia đình và là nghĩa vụ làm tròn chữ hiếu với cha mẹ".

Cùng quan điểm với Lê Hường, bạn đọc Thanh Huân chia sẻ: "Thậm chí, có nhiều người làm trong các cơ quan, doanh nghiệp, khi được đơn vị tổ chức cho đi du lịch miễn phí vẫn tìm mọi cách từ chối nhưng cuối năm lại xách vali lên đường đi du lịch mà không về quê với cha mẹ, ông bà, tổ tiên. Cả năm biết bao kì nghỉ không đi du lịch, Tết còn đi để làm gì?".

Tuy ủng hộ quan điểm của nhà thơ Trần Đăng Khoa nhưng bạn Lan Anh lại có suy nghĩ cởi mở hơn: "Mọi người có thể đi du lịch sau khi dành những ngày Tết đặc biệt như 30 và mùng 1 Tết cho gia đình và người thân, tổ tiên. Đó là những ngày không nên bỏ lỡ, khi mà chúng ta đã bỏ lỡ cả năm rồi. Sẽ rất đáng trách nếu bạn đã xa nhà biền biệt cả năm và dịp Tết cũng bỏ mặc bố mẹ để đi du xuân một mình".

"Người trẻ tuổi giờ thiếu quan tâm đến người khác, họ nghĩ năm tháng còn dài, tuổi trẻ không chơi già hối hận, nhưng khi có con họ sẽ hiểu nỗi khổ của những người làm cha mẹ. Khi về già họ sẽ hiểu ba mẹ mình cần gì, khi Tết đến họ sẽ biết thế nào là mùa xuân lạnh lẽo", bạn Trần Thăng bình luận.

Đó chỉ là một vài ý kiến trong hàng trăm nghìn bình luận khác nhau về quan điểm của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Tuy nhiên, bỏ qua những tranh cãi chưa có hồi kết về việc Tết có nên đi du lịch hay không, chúng ta phải chắc chắn một điều rằng, về mặt tín ngưỡng và văn hóa, Tết là ngày gia đình đoàn tụ, là dịp nhớ tới ông bà tổ tiên và cùng cầu chúc cho một năm mới an lành hạnh phúc.

Về mặt tự nhiên, Tết là đại diện cho mùa xuân, khai hoa nở nụ, tiếp thêm những sinh lực mới trong đó có cả sự góp mặt của tự nhiên và không khí đoàn kết sum tụ của gia đình, họ tộc. Có thể nói, ngày Tết rất quan trọng và mang ý nghĩa ấm áp, sum họp... Đó cũng là cái nôi của sự phát triển bền vững của từng cá thể và xã hội,

Nhà Nho Phan Kế Bính trong cuốn “Việt Nam phong tục” có viết: “Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là một việc nghĩa vụ của người. Nhưng cũng nên biết rằng sự cúng cấp là để tỏ lòng thành kính, chớ không phải để mà phụng dưỡng tổ tiên, thì dùng cách nào cho ngụ được cái lòng ấy cũng đủ”.

Ngẫm lại, nếu như Tết mà chỉ có ở nhà bia rượu, cờ bạc thâu đêm suốt sáng thì cũng chẳng khác gì… có mặt mà cũng như không. Để Tết không phải là niềm vui của người trẻ và nỗi buồn của người già thì mỗi người cần ứng xử sao cho khéo léo để đẹp lòng đôi bên.

Xét cho cùng, Tết cũng là những ngày người ta cần cảm thấy vui vẻ, được nghỉ ngơi và quên đi những lo toan của cuộc sống, chứ không nên trở thành gánh nặng cho bất cứ ai.

Video: Quất bonsai hình gà gây sốt Tết Đinh Dậu

Kim Thược
Bình luận
vtcnews.vn