Cả họ làm quan: Quy trình không sai nhưng lại ‘gọt chân cho vừa giày’

Thời sựThứ Hai, 05/06/2017 11:48:00 +07:00

Đại biểu Quốc hội đã chỉ ra thực tế quy trình bổ nhiệm cán bộ không sai nhưng những người thực hiện đã cố tình “gọt chân cho vừa giày” khiến dư luận bức xúc.

Trao đổi với phóng viên bên hành lang Quốc hội, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội đã lên tiếng về hàng loạt tình trạng bổ nhiệm người nhà xôn xao dư luận thời gian qua.

le thanh van

 Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội. (Ảnh: Phạm Thịnh)

- Quy trình bổ nhiệm cán bộ hiện nay phải chăng có kẽ hở khiến những người có chức vụ có thể lợi dụng để bổ nhiệm người nhà, thưa ông?

Tôi cho rằng chưa hẳn đã vì kẽ hở. Quy trình cán bộ hiện nay phải tổng kết mới biết được kẽ hở ở đâu. Nhưng cứ cho rằng quy trình đúng đi.

Ví dụ về nguyên lý dây chuyền sản xuất gạch chỉ có thể đầu vào là đất sét và ra là gạch chất lượng cao nhưng vì cho bùn cho rác thải vào thì không còn là gạch nữa.

Tương tự như vậy, quy trình cán bộ có thể đúng nhưng đầu vào là nhân sự không đủ tiêu chuẩn nhưng vì qua quy trình ấy họ có thể uốn nắn để hợp thức hoá nó. Ví dụ hạ tiêu chuẩn.

Ví dụ: Ở một tỉnh nọ có ông muốn đưa cháu ông ấy vào bệnh viện nhi, tiêu chuẩn phải  là đại học chính quy, cao cấp lý luận chính trị nhưng trong thẩm quyền của vị lãnh đạo này đã chỉ đạo các cơ quan là trong giai đoạn này hiện nay chúng ta cần cấp bách để bổ nhiệm nhân sự, hạ tiêu chuẩn xuống. Bổ nhiệm cho cháu ông xong rồi thì lại sửa như cũ.

Rõ ràng quy trình của chúng ta là không sai. Còn tiêu chuẩn thì cấp uỷ đặt ra, họ sửa lại.

Video: "Nngười đứng đầu mà tâm không sáng, trí tối tăm thì luôn hướng lợi ích đến trước hết là bản thân" (Phạm Thịnh)

- Quy trình không sai nhưng người thực hiện đang biến hoá theo kiểu “gọt chân cho vừa giày”?

le thanh van 2

 

Quy trình chung là không sai nhưng lại “Gọt chân cho vừa giày”.

Đại biểu Lê Thanh Vân

Quy trình chung là không sai nhưng lại “Gọt chân cho vừa giày”. Tức là thay vì công tâm khách quan trong tiêu chuẩn về nhân sự nói chung thì họ điều chỉnh để hướng tới nhân sự mà họ mong muốn.

Cho nên, vấn đề đặt ra một là phải có một bộ khung về tiêu chuẩn cho tất cả các chức danh trong bộ  máy hành chính nhà nước về cấp nào thì ràng buộc tiêu chuẩn chức danh ấy để làm sao những ai thấy rằng mình tài hẹn đức mọn không dám mơ đến, bén mảng đến, nhìn thấy mà sợ.

Muốn như vậy tiêu chuẩn liền với trách nhiệm. Tiêu chuẩn của anh ở cấp nào gắn với trách nhiệm ở cấp đấy.

- Qua câu chuyện “nhà dột từ nóc” thì vai trò của chi bộ quá yếu nên để người đứng đầu thao túng trong bổ nhiệm?

Vấn đề bổ nhiệm nhân sự mà thao túng là tuỳ nơi, tuỳ người đứng đầu. Người đứng đầu mà trí minh tâm sáng thì dẫn cả tập thể theo đúng đường lối.

Nhưng người đứng đầu mà tâm không sáng, trí tối tăm thì luôn hướng lợi ích đến trước hết là bản thân, cho lợi ích nhóm, cho gia đình, dòng tộc.

Đấy là cái mà bản thân các tổ chức Đảng phải bảo đảm tính chiến đấu. Đó là duy trì được dân chủ, kỷ cương trong Đảng.

Video: Đại biểu Lê Thanh Vân nói về cách dùng người (Phạm Thịnh)

- Nhìn vào thực tế thì câu chuyện một người làm quan cả họ được nhờ đang tồn tại khá phổ biến, thưa ông?

Cái đấy là tệ nạn, hậu quả rất lớn trong chế độ phong kiến. Từ khi nắm chính quyền đến nay không hiểu vì lý do gì mà gần đây sống lại một tệ nạn mà cách mạng đã dẹp bỏ.

Đây là cảnh báo lớn đến mức Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI trong những vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng coi đây là một trong những vấn đề vô cùng bức xúc. Gần đây, Nghị quyết trung ương 4 khoá XII tiếp tục nhắc lại ở một tần suất cao hơn, nghiêm trọng hơn. Rõ ràng là cảnh báo lớn.

- Phải cụ thể tiêu chí thế nào để tránh bị lợi dụng trong việc bổ nhiệm, thưa ông?

Thực ra bằng cấp là một yếu tố xác định có tính chất định lượng ở chỗ nó là căn cứ xác định chỉ giới về mặt học thuật, trình độ của anh đạt ngưỡng nào. Nhưng điều đó theo tôi không quan trọng.

Quan trọng là tri thức thẩm thấu vào đầu anh như thế nào. Một người có kết quả học tập tốt thì cũng có thể người đấy có nỗ lực cao trong học tập nhưng trong hoàn cảnh tiêu cực thì rất có thể đấy là hiện tượng mua bằng mua cấp. Để kiểm tra thì chỉ có thể “test” thôi.

bo nhiem 1 3

Quy trình chung là không sai nhưng lại “Gọt chân cho vừa giày”.

- Cách nào để chọn được người phù hợp với công việc, thưa ông?

Ví dụ một người học chuyên ngành sâu vậy thì tổ chức một hội đồng thi có chuyên ngành sâu để sát hạch. Sát hạch không chỉ  bằng giấy với những công cụ hỗ trợ như máy tính điện thoại mà trực tiếp bằng vấn đáp.

Cảm nhận về chọn người của người xưa bài bản, thông qua giao tiếp trực diện để nhận định. Tất nhiên, vị vua anh minh mới chọn được người anh minh.

Còn người đi vấn đáp mà tâm không sáng, đút tiêu cực dưới gầm bàn thì đương nhiên cho qua ngay. Cái này khó lắm. Trong lúc tiêu cực khá phổ biến thì do cái tâm người đứng đầu.

Đánh giá thực sự khách quan thì tuyển dụng cán bộ không khó. Vấn đề là người tuyển dụng có khách quan công tâm hay không thôi. Còn phương thức thi tuyển anh ra đề như nào, anh vấn đáp như nào?

Ví dụ thi tuyển vào vị trí việc làm này thì phải đặt ra vấn đề nội dung thi xoay quanh cái đấy. Trong khi đó mình thi về bộ máy này nhưng lại hỏi những vấn đề chung chung về nhà nước pháp luật, chức năng nhiệm vụ chung chung, báo trước cho thí sinh chủ đề xoay quanh cái đó.Trong khi đó, lẽ ra vấn đề cơ quan đơn vị đang phải đối mặt là gì, thì anh phải lấy ra anh hỏi…

Video: Phát hiện nhiều sai phạm trong bổ nhiệm "hot girl" Trần Vũ Quỳnh Anh

- Đối với những vị trí khác nhau, chắc hẳn phải có cách dùng người cho phù hợp, thưa ông?

Ví dụ như bộ trưởng là phải có tầm nhìn chiến lược, nắm bắt thời thế, có phương pháp lãnh đạo, biết cầm đạo, dẫn đường, khởi xướng chính sách, biết cầm tướng (dùng người). Nếu như dùng người sai thì người đó sẽ bị mang tiếng, hổ danh anh bất tài nên chọn kẻ bất tài.

Lãnh đạo phải nắm được tâm lý cán bộ, đạo đức của cán bộ để thuyết phục vận động họ phụng sự Tổ quốc; Biết được xu hướng phát triển, vận động của ngành, lĩnh vực mình phụ trách và anh phải là người dẫn dắt bộ máy chứ anh không phải là người sửa vài câu chữ, dấu chấm dấu phẩy.

Cán bộ chính trị là phải có tầm nhìn xa trông rộng, khơi xướng chính sách, nhìn thấu đạt quy luật vận động và thời thế, dẫn dắt bộ máy.

Nhưng nếu như người này mà đưa sang điều hành thì chưa hẳn là đã tốt.

Cán bộ phong trào có thể tạo ra cảm hứng để lôi cuốn phong trào nhưng chưa hẳn có tư duy chiến lược, tầm nhìn chính sách.

Trong khi đó, cán bộ quản lý phải nắm chắc đường lối chủ trương pháp luật như là một công thức để vận hành bộ máy. Đấy là những người chấp pháp. Nếu như đưa họ lên tư duy tầm lãnh đạo chưa hẳn tốt.

- Bất cập phải chăng chính trong cách dùng người của chúng ta, thưa ông?

Hiện nay chúng ta đang bất cập chính ở chỗ đó.

Người làm việc chuyên môn tốt, thấy có thành tích thì chuyển sang làm lãnh đạo quản lý, có khi ở tầm cao hơn là hoạch định chính sách, vượt quá năng lực của họ. Họ có thể soi chiếu ở vấn đề cụ thể rất tốt nhưng tầm nhìn ở diện rộng hơn họ bị hạn chế.

Hay như một cán bộ có năng lực dẫn dắt phong trào bằng những sinh hoạt cộng đồng rất vui vẻ, họ có thể có năng lực của một MC chứ không thể trở thành một chính trị gia, một nhà quản lý giỏi. Chúng ta đang nhầm lẫn như vậy. Cái gọi là xây dựng bộ tiêu chí cho một chức danh là rất quan trọng.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn