Cả họ kinh sợ vì cọp bắt người

Phóng sự - Khám pháThứ Tư, 13/02/2013 06:24:00 +07:00

(VTC News) - Sau khi bị cọp ăn thịt hai người, dòng họ Huỳnh ở làng Thới Bình xưa (nay là huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đã đổi sang họ Phan.

(VTC News) - Sau khi bị cọp ăn thịt hai người, dòng họ Huỳnh ở làng Thới Bình xưa (nay là huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đã đổi sang họ Phan.

Kỳ 2: Đổi họ vì sợ cọp

Phần lớn người dân huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau đến bây giờ vẫn còn nhớ rõ câu chuyện dòng họ Huỳnh có hai người bị cọp moi tim.

Chị The, bán cà phê ở trước đình thần kim miếu ông cọp thị trấn Thới Bình chỉ ngoài 40 tuổi nhưng vẫn biết rõ câu chuyện trên. Chị nói: “Tui nghe ông nội tui kể lại. Hai người đó là ông cố và ông sơ của tui. Họ bị cọp moi tim ngay tại đầu kinh số 1, chỗ cái miếu ông cọp phía sau đình thần này”.

Người biết rõ câu chuyện này nhất có lẽ là bác Chín Bộ, ở ấp 3, xã Thới Bình, huyện Thới Bình. Nay Bác đã 91 tuổi, nhưng còn rất khỏe và trí nhớ tốt, nhất là đối với những chuyện quá khứ.

Bác Chín Bộ tỏ ra mừng rỡ khi nghe tôi hỏi về chuyện cọp. Bác bảo: “Mỗi khi tết đến, thấy mình gần với tổ tiên hơn. Cứ mong có ai đó đến nghe mình kể chuyện đời xưa, để lưu thêm chút gì đó lại cho đời về dấu vết tiền nhân.

Miếu thờ ông cả cọp ở Thới Bình ngày nay 
Ngày nay, xóm làng sung túc, đông vui như thế này là cũng nhờ các cụ tổ chúng tui nhiều lắm”.

Họ thật của bác Chín Bộ là họ Huỳnh, tức Huỳnh Văn Bộ, nhưng vì sự cố bị cọp ăn thịt năm xưa nên cha ông đã đổi toàn bộ họ Huỳnh thành họ Phan, bác Chín Bộ cũng vì thế có cái tên Phan Văn Bộ.

Bác Chín sinh ra và lớn lên tại vùng đất Thới Bình, lại có cái tính ham học lịch sử nên rất rành chuyện hình thành và phát triển của Thới Bình.

“Xưa, thời tui sinh ra và lớn lên, vùng đất này người ta gọi là làng Thới Bình. Cái làng này, ngày xưa nổi tiếng bởi chuyện cọp 3 chân” – bác Chín khề khà kể chuyện.

Lưu truyền rằng, vào cuối thế kỷ 19, ở Miệt Thứ - thuộc khu vực rừng tràm U Minh Hạ giáp với U Minh Thượng, nay là 2 huyện Thới Bình (Cà Mau) và huyện An Minh (Kiên Giang) - xuất hiện một con cọp 3 chân.

Người ta đồn, con cọp này bị vướng bẫy heo rừng của mấy ông thợ săn, và để thoát thân nó đã cắn bỏ một cái chân.

Bác Chín bảo con cọp đó rất táo bạo, dám mò vào tận làng rình rập. Bác kể: “Cha tui lúc đó khoảng 7, 8 tuổi, ông bà nội tui hay bỏ cha ở nhà đi cấy lúa. Con cọp đợi ông bà nội tui đi làm ruộng, mò vào nhà rình bắt cha tui. Nhưng nó đâu có vào nhà được, vì nhà có hàng rào chống cọp.

Nó thò cái đuôi vào dụ cha tui nắm rồi kéo cha tui ra. Nhưng nhờ cái hàng rào cản lại nên cha tui không bị nó bắt”.

Bà nội của Bác Chín sau khi nghe con kể về một “con mèo rất to”, đã bỏ việc cấy cày để ở nhà giữ con. Và bà đã thấy con cọp 3 chân đó.
Bác Chín Bộ kể về cọp và sự cố bị cọp bắt dòng họ Huỳnh 
Cọp ba chân rình rập khiến dân làng Thới Bình ngày càng lo sợ, khó sống yên ổn. Mọi người tăng cường phòng bị bằng cách dựng thêm các lớp hàng rào quanh nhà, làm thêm mỏ tre, giáo mác để đối phó khi bị cọp tấn công. Thế nhưng, chuyện tang thương đã không tránh khỏi trước sự trả thù của cọp 3 chân.

Vào một buổi chiều tối, cả làng Thới Bình nhốn nháo, rối ren khi ngày càng tối mà ông Huỳnh Văn Sỹ vẫn chưa về. Ông Sỹ là người mà dân làng từ lâu xem như chỗ dựa tinh thần trong cuộc sống chung với ông cọp 3 chân.

Ông Sỹ rất giỏi võ, từng giáp mặt với ông cọp 3 chân nhiều lần nhưng vẫn giữ toàn tính mạnh. Trong làng, hễ có việc gì cần vào rừng sâu là dân làng lại mời ông Sỹ đi theo với ngụ ý dọa cọp.

Trời tối mịt, ông Sỹ vẫn biệt tăm, dân làng không thể ngồi yên được nữa. Cánh đàn ông trong làng tập trung hết lại, đốt đuốc đi tìm ông Sỹ.

Khi mọi người đi đến đầu kinh số 1 thì tá hỏa. Một hình ảnh mà bác Chín Bộ khi kể lại còn phải nhăn mặt vì ớn. Bác nói: “Trên cái rẻo đất bầy nhầy bùn đất, xác ông cố Sỹ tui đầy máu me. Còn ông cọp thì lúc này đang ngấu nghiến trái tim của ông cố Sỹ ngay bên cạnh!

Khi còn sống, cha tui hay kể câu chuyện này để răn chúng tui phải biết né cọp”.

Xem lại hiện trường cuộc chiến giữa ông Sỹ và ông cọp 3 chân, các bô lão, những người có kinh nghiệm trong làng Thới Bình khẳng định ông Sỹ đã bị tấn công bất ngờ nên mới bại trận.

“Cha tui nói, hôm đó, ông cố Sỹ của tui đi rừng về, vừa đói, vừa khát. Khi qua bên đây bờ sông Tràm Trẹm, tức là sông Trèm Trẹm bây giờ, cứ tưởng không còn cọp. Ông cố tui bẻ lá rừng, quấn làm kèn để hút nước ngọt trong bập dừa nước mà uống. Lúc đang lom khum uống nước bị ông cọp tấn công nên không kịp trở tay” – bác Chín kể thêm.

Gần một năm sau, một người con trai của ông Huỳnh Văn Sỹ lại bị chính con cọp này vồ bắt và ăn thịt.

Từ đó, dân làng Thới Bình có lời đồn về việc ông cọp 3 chân đang cố tình săn bắt dòng họ Huỳnh, nên dòng họ Huỳnh tại làng Thới Bình thời điểm này phải thay họ Phan.

Tại sao lại phải thay họ? Và tại sao lại là họ Phan? Bác Chín lý giải: “Thời đó, người ta rất tin cọp có tánh linh, đã ăn gánh nào là bám theo gánh đó mà ăn tới. Còn đổi sang họ Phan là vì lúc còn sống, ông cố Sỹ tui hay kể về người bạn mà ông nể phục nhứt, ông Phan Thanh Giản, quan triều đình thời Tự Đức”.

Sau hai sự cố đó, dân làng đã lập miếu thờ ông cọp, hằng năm làm heo cống nạp, cầu được bình an.

“Nghe nói, sau khi lập miếu và cúng, kiến hằng năm, ông cọp 3 chân đã không còn sát hại ai trong làng.

Về sau này, khi thời tui lớn lên, nghe đồn ông cọp đó đã về Thất Sơn. Mà nói thiệt, tui chỉ toàn nghe kể, chứ thời tui, vùng này hết cọp rồi.

Hồi đó, chỉ nghe ở miệt làng Tân Ân, huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển ngày nay còn một con cọp” – bác Chín chậm rãi nói.

Trần Vũ

Bình luận
vtcnews.vn