Búp bê Trung Quốc có thể gây vô sinh ở trẻ

Kinh tếChủ Nhật, 30/06/2013 06:31:00 +07:00

(VTC News) – Tương ớt có chứa chất gây ung thư, hay viêm da vì sử dụng vòng chống muỗi là những thông tin tiêu dùng được chú ý nhất tuần qua.

(VTC News) – Tương ớt có chứa chất gây ung thư, búp bê Trung Quốc khiến trẻ vô sinh, hay viêm da vì sử dụng vòng chống muỗi là những thông tin tiêu dùng được chú ý nhất tuần qua.

Tương ớt có chất gây ung thư vẫn bày bán tràn lan

Đại diện Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tiếp tục khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không nên sử dụng các loại tương ớt bày bán trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn; chỉ nên sử dụng các sản phẩm tương ớt có nhãn hiệu rõ ràng.

tương ớt
Một cơ sở sản xuất tương ớt gây có chất gây ung thư 
Gần đây, các cơ quan chức năng liên tiếp phát hiện các mẫu tương ớt không rõ nguồn gốc bày bán tại các chợ của Hà Nội.

Theo Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Hà Nội) qua các vụ bắt giữ tương ớt bẩn, các chủ lò sản xuất tương ớt cho biết, để sản xuất tương ớt với giá thành rẻ, họ thường trộn lẫn phẩm màu công nghiệp, bột màu nghệ, bột màu đỏ, chất tạo độ sệt và chất bảo quản là tạo được tương ớt.

Qua xét nghiệm, trong thành phần loại tương ớt này có sử dụng chất Rhodamine B - một thành phần của phẩm màu công nghiệp là chất cấm sử dụng trong thực phẩm có thể gây ung thư, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người ăn.

Rhodamine B gây độc cấp và mạn tính. Tương ớt có chất này sẽ gây dị ứng, mẩn ngứa da, gây ho, ngứa cổ, khó thở, đau ngực, có hại cho gan và thận, tích tụ dần trong cơ thể có thể gây ung thư.

Búp bê Trung Quốc khiến trẻ vô sinh

Ngày 24/6, Bộ Y tế Cộng hòa Séc vừa đưa ra lời cảnh báo loại búp bê có tên là “Lovely girl” được sản xuất ở Trung Quốc có chứa chất độc phthalates, có thể ảnh hưởng xấu đến cơ quan sinh sản của bé.

búp bê Trung Quốc
Chơi búp bê Trung Quốc, trẻ có thể bị vô sinh 
Theo Bộ Y tế Séc, búp bê Lovely Girl có nguồn gốc từ Trung Quốc, được làm từ chất liệu có thể gây nguy hại đến sức khỏe với một hàm lượng vượt quá quy định. Theo các thanh tra y tế, khi chơi búp bê này, các chất độc dạng ftalát có khả năng ngấm vào cơ thể của trẻ qua đường da hoặc tiêu hóa, ảnh hưởng không tốt đến cơ quan sinh sản.


“Sản phẩm chứa chất di-(2-ethylexyl)ftalát với hàm lượng 13,8%, không phù hợp với mức 0,1% được EU quy định”, Cục trưởng dịch tễ Séc, ông Vladimír Valenta cho biết.

Theo ông, búp bê này dài khoảng 27 cm, có tóc dài màu sáng được buộc cao, mặc áo váy màu hồng có ánh kim và buộc sau cổ, đi giày hồng, bọc trong hộp giấy có nhựa trong suốt màu hồng. Trên bao bì búp bê có ghi tên tiếng Anh (Style, Lovely Girl, Happy every day set), đằng sau là tiếng Séc ghi tên nhầm.

Đây không phải là lần đầu tiên cơ quan chức năng Séc đưa ra lời cảnh báo về đồ chơi Trung Quốc. Hồi tháng 4, Bộ Y tế Séc cũng đã lưu ý loại búp bê bằng nhựa, cạo 15cm với tóc màu xanh-tím và váy vàng ren trắng có nguồn gốc từ Trung Quốc được bộ y tế Séc cảnh báo có chứa chất độc nguy hiểm.

Hạt trân châu có chất bảo quản vượt mức quy định

Theo Cục An toàn thực phẩm đến thời điểm hiện tại vẫn chưa phát hiện hạt trân châu có chứa Acid maleic. Tuy nhiên kết quả kiểm nghiệm vẫn phát hiện trong hạt trân châu có hàm lượng các chất bảo quản, chất tạo ngọt vượt mức giới hạn quy định.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội đã kiểm tra và tiến hành lấy 11 mẫu hạt trân châu tại một số cơ sở kinh doanh tại quận Hai Bà Trưng, quận Hoàng Mai và 5 quầy hàng thuộc chợ Đồng Xuân- Hà Nội để kiểm soát một số chỉ tiêu đảm bảo an toàn thực phẩm: Acid maleic, chất tạo ngọt (Aspartam, Acesulfam K, Sacarin, Natri Cyclamat), chất bảo quản (Natri benzoat,Kali sorbat).

Theo đó,  11/11 mẫu hạt trân châu không phát hiện có chất tạo ngọt Aspartam. 04/11 mẫu hạt trân châu có hàm lượng Kali sorbat (290-581 mg/kg sản phẩm) dưới mức giới hạn, 04/11 mẫu có hàm lượng Kali sorbat (từ 1410-2430 mg/kg sản phẩm) cao hơn mức giới hạn quy định (1000 mg/kg sản phẩm).

Như vậy, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa phát hiện hạt trân châu có chứa Acid maleic. Tuy nhiên kết quả kiểm nghiệm vẫn phát hiện trong hạt trân châu có hàm lượng các chất bảo quản, chất tạo ngọt vượt mức giới hạn quy định.

Cục An toàn thực phẩm đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm thành phố Hà Nội và các đơn vị chức năng tiếp tục mở rộng giám sát, kiểm tra các cơ sở sản xuất và kinh doanh hạt trân châu trên địa bàn Hà Nội, xử lý nghiêm các tổ chức cá nhân vi phạm qui định pháp luật về an toàn thực phẩm.

Viêm da vì sử dụng vòng chống muỗi

Những chiếc vòng "chống muỗi" màu sắc lòe loẹt có xuất xứ "hàng ngoại" được quảng cáo là có tác dụng chống muỗi bán trên thị trường và trên các trang mua- bán online đang thu hút được sự chú ý của nhiều bà mẹ. Nhưng theo các chuyên gia y tế,sử dụng những sản phẩm này có thể gây bệnh...

vòng chống muỗi
Các loại vòng chống muỗi nhiều màu sắc 
Theo các bác sĩ Bệnh viện da liễu Trung Ương, với đặc trưng không thấm nước, bề rộng khoảng 1cm thì khi đeo vào tay cho trẻ có thể khiến phần da tiếp xúc với vòng sẽ bị ứ mồ hôi tăng nguy cơ viêm da, rôm sảy.


Trên diễn đàn webtretho và diễn đàn lamchame, một số bà mẹ đã mua sản phẩm này cũng đưa phản hồi: “Bé không chịu đeo vì bí bách”.

Loại miếng dán chống muỗi rộng bằng lòng bàn tay, được hướng dẫn là có tác dụng theo chiều cao, khoảng 50cm, dán vào quần áo, khuỷu chân, tay. Như vậy với những trẻ em từ 2-4 tuổi trở lên, có chiều cao hơn 1m sẽ tốn vài miếng dán mỗi lần và 5-6 miếng để chống muỗi cả ngày, “ngốn” mất vài trăm ngàn.

Mặt khác, miếng dán dính lên da trong khoảng thời gian lâu sẽ khiến vùng da không tiếp xúc với ánh sáng, bí mồ hôi gây ra yếm khí dễ viêm nhiễm. Về công dụng đuổi muỗi thì chưa ai kiểm chứng được
Những sản phẩm "hàng ngoại" này đều là hàng chưa được qua kiểm nghiệm
Những sản phẩm "hàng ngoại" này đều là hàng chưa được qua kiểm nghiệm

TS.Nguyễn Phương Thảo, BV Da liễu Trung ương cảnh báo, hiện nay, chưa có bất kì công trình nghiên cứu khoa học nào đánh giá việc sử dụng vòng đeo tay, chân có chứa hoạt chất chiết xuất từ sả hay cây bạch đàn có khả năng chống muỗi hay không. Và hiện các sản phẩm vòng đeo tay chống muỗi bày bán trên thị trường chưa được kiểm nghiệm của ngành y tế.

Nếu người dân tự tiện mua về sử dụng rất có thể sẽ bị dị ứng, nhẹ thì ngứa, mẩn đỏ, nổi nốt mụn nước. Trẻ em làn da thường rất mẫn cảm vì vậy dùng sản phẩm này da sẽ dễ bị phồng rộp, thậm chí nhiễm trùng da…

Theo các chuyên gia y tế, người tiêu dùng không nên nghe theo quảng cáo, mua các loại sản phẩm chưa được kiểm nghiệm y tế để sử dụng tránh rơi vào cảnh tiền mất, tật mang.

Cách tốt nhất để phòng, chống muỗi và các loại côn trùng đốt là mặc quần áo dài sáng màu, khi ngủ phải mắc màn, buổi tối nên đóng cửa để tránh côn trùng theo ánh sáng điện bay vào nhà. Đặc biệt, phải vệ sinh nhà nửa, sân vườn sạch sẽ, không để nước tù đọng để muỗi, côn trùng không còn nơi trú ngụ.

Châu Anh(tổng hợp)

Bình luận
vtcnews.vn