Buộc xuất cảnh với lao động nước ngoài không phép

Thời sựThứ Hai, 26/09/2011 04:02:00 +07:00

(VTC News) - Bộ LĐ-TB&XH đề nghị các địa phương cần tăng cường các biện pháp thanh, kiểm tra lao động đối với lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam.

(VTC News) - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương cần tăng cường các biện pháp thanh, kiểm tra về việc tuyển dụng, cấp giấy phép và gia hạn giấy phép lao động đối với lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, nếu phát hiện những trường hợp cố tình vi phạm, cần xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Theo văn bản vừa được Bộ LĐ-TB&XH gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường quản lý người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Bộ này yêu cầu đối với nhà thầu nước ngoài, phải có phương án sử dụng lao động Việt Nam và nước ngoài trong hồ sơ dự thầu và hồ sơ đề xuất theo yêu cầu của chủ đầu tư.

Đối với chủ đâu tư phía Việt Nam, phải quy định nội dung sử dụng lao động Việt Nam và lao động nước ngoài theo quy định của pháp luật trong quá trình lập hồ sơ mời thầu, trong đó phải ưu tiên lao động Việt Nam thực hiện các công việc mà lao động Việt Nam có khả năng thực hiện.

Công nhân TQ tại công trường xây dựng Nhà máy đạm Cà Mau. 

Trường hợp cần sử dụng lao động nước ngoài có chuyên môn phù hợp với yêu cầu của gói thầu thì trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu phải quy định nhà thầy nước ngoài có phương án sử dụng người nước ngoài bao gồm: vị trí công việc, số lượng, trình độ chuyên môn, kinh nghiệm, thời gian thực hiện công việc.

Ngoài ra, Bộ cũng yêu cầu đối với công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp thị thực cho lao động nước ngoài sau khi được cấp giấy phép lao động, gia hạn giấy phép lao động hoặc cấp lại giấy phép lao động. Không cấp thị thực đối với người nước ngoài làm việc tại địa phương khi chưa được cấp phép lao động, hoặc giấy phép lao động hết hiệu lực hoặc vô hiệu.

Không gia hạn tạm trú, buộc xuất cảnh đối với người nước ngoài làm việc tại địa phương khi chưa có giấy phép lao động, hoặc giấy phép lao động hết hiệu lực hoặc vô hiệu.

Đối với các Sở Kế hoạch và Đầu tư, cần kiểm tra, giám sát thực hiện quy định pháp luật về đầu tư, đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng. Đối với chủ đầu tư của gói thầu EPC phải thực hiện đúng các quy định của pháp luật và giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về đấu thầu (Mời thầu, lựa chọn nhà thầu, thực hiện hợp đồng…) và người nước ngoài làm việc tại các gói thầy EPC. 

Kết quả các nội dung thanh, kiểm tra gửi về Bộ LĐ-TB&XH trước 31/10/2011 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, vào tháng 8 vừa qua, tại Cà Mau và một số tỉnh thành đã xảy ra tình trạng nhiều lao động Trung Quốc làm việc nhưng không có giấy phép lao động. Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau, lao động Trung Quốc của tỉnh này tập trung nhiều ở Cụm công nghiệp khí, điện, đạm Cà Mau với khoảng 1.728 lao động Trung Quốc, trong đó có 686 lao động được cấp phép, 440 lao động có thời gian làm việc dưới ba tháng chưa cấp phép và 607 lao động chưa cấp phép.

Phát biểu tại Hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm của Bộ LĐ-TB&XH, diễn ra sáng 15/8/2011 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch Quốc hội bày tỏ mối lo ngại, vì Cà Mau là nơi tận cùng đất nước, thuộc vùng sâu, vùng xa mà đã xuất hiện lao động không phép, nên phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề này.

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn