Bùng nổ nguồn cung, ‘bong bóng bất động sản’ sắp xuất hiện?

Kinh tếThứ Tư, 24/07/2019 14:44:00 +07:00

Nguồn cung bất động sản tăng mạnh khiến nhiều người lo ngại bong bóng bất động sản sẽ quay lại vào cuối năm nay.

Theo thống kê của Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam, quý II/2019, nguồn cung căn hộ cả nước đạt 19.084 căn, giao dịch đạt 12.520 căn; nguồn cung thấp tầng đạt 10.203 căn, giao dịch đạt 5.595 căn. Tính chung 6 tháng đầu năm 2019, tổng nguồn cung đạt 50.285 căn, giao dịch đạt 32.233 căn.

67447778_329002274646569_640539057314594816_n

 Liệu có xuất hiện 'bong bóng bất động sản'?

Số liệu trên cho thấy, trong quý II, nguồn cung và lượng giao dịch đều tăng hơn quý I/2019 (nguồn cung tăng 71% so với quý I/2019). Tỷ lệ hấp thụ BĐS nhà ở 6 tháng đầu năm đạt 68,6%, đặc biệt trong quý II/2019 tỷ lệ hấp thụ căn hộ bình dân lên tới 84,7%.

Còn theo thống kê của CBRE, quý II/2019 thị trường Hà Nội ghi nhận mở bán 6.400 căn, với trên 40% nguồn cung mở bán mới được tiêu thụ.

Thị trường TP.HCM tổng cộng có 4.124 căn hộ được chào bán từ 10 dự án trong quý II/2019, các dự án mở bán trong quý được thị trường đón nhận tốt với tỷ lệ bán cao, trên 80%, mặc dù giá đã tăng 5 - 10% so với đợt trước.

Theo các chuyên gia, việc gia tăng nguồn cung bất động sản không đáng lo ngại vì tỷ lệ hấp thụ vẫn rất tốt.

Bà Hoài An - Giám đốc CBRE Hà Nội cho rằng, hai thị trường lớn Hà Nội và TP.HCM vẫn đang ở ngưỡng tích cực, có nguồn cung dồi dào và khả năng hấp thụ rất tốt. Đặc biệt, khu vực Hà Nội, giá dao động ở mức vừa phải, không có tình trạng tăng đột biến như xảy ra ở thị trường TP.HCM.

Ngoài ra, tình trạng sốt nóng cục bộ phân khúc đất nền tại một số vị trí ở Hà Nội và TP.HCM là hiện tượng tương đối bình thường bởi nó chỉ diễn ra tại những khu vực cục bộ và trong thời gian ngắn. Tuy nhiên để tránh đổ vỡ, theo bà An, chính quyền và cơ quan quản lý cần có những can thiệp nhất định, đơn cử là biện pháp can thiệp về hành chính khi có hiện tượng nóng sốt và giá thị trường tăng cao.

Xét về mặt kinh tế vĩ mô, bà An phân tích, hiện nay chu kỳ kinh tế của thế giới vẫn đang ở giai đoạn phát triển tốt, chưa có dấu hiệu giảm tốc. Còn đối với Việt Nam, chu kỳ kinh tế phát triển tốt trong 10 năm qua, có những giai đoạn GDP tăng 7,8%, nhưng có thời gian giảm xuống 5,6%. Gần đây, Việt Nam chứng kiến tăng trưởng kinh tế đang ở mức 7%.

“Có nghĩa kinh tế vĩ mô đang ở chu kỳ tăng trưởng tốt, lạm phát 5% đang ở mức quản lý được”, bà An lạc quan.

Theo bà An, thị trường BĐS cũng có tiến trình tương tự như chu kỳ của kinh tế thế giới. Trước đó, chúng ta cũng nhìn thấy BĐS Việt Nam trong giai đoạn 2011 - 2014 chững lại và rơi vào khủng hoảng. Và từ 2015 trở lại đây đang là thời kì phát triển rất nhanh của thị trường BĐS.

“Nguồn cung mới tăng nhanh, tỷ lệ hấp thụ rất tích cực, đó là chỉ số đo lường tốt nhất, cho chúng ta thấy vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt của thị trường BĐS”, bà An dự báo.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cũng cho rằng, tỷ lệ hấp thụ vẫn ở mức tương đối cao, điều này cho thấy lực cầu tại Hà Nội và TP.HCM vẫn rất mạnh. Giá BĐS nhà ở có chiều hướng tăng nhẹ nhưng không sốt, thị trường duy trì ở mức ổn định. Vì vậy, sẽ không xuất hiện bong bóng BĐS.

Minh Sơn
Bình luận
vtcnews.vn