'Bụi đời Chợ Lớn' lên nghị trường

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 13/06/2013 02:52:00 +07:00

(VTC News) - 'Bụi đời Chợ Lớn' là tác phẩm được Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nêu ví dụ về trường hợp cần mạnh tay xử lý.

(VTC News) - 'Bụi đời Chợ Lớn' là tác phẩm được Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nêu ví dụ về trường hợp cần mạnh tay xử lý.

Mạnh tay xử lý tác phẩm văn hóa không đủ tiêu chuẩn

Trong phiên chất vấn tại Quốc hội diễn ra hôm nay (13/6), các đại biểu Quốc hội gửi tới Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh nhiều vấn đề 'nóng'. Trong đó có các sai phạm trong nghệ thuật trình diễn, văn hóa phẩm có hại và chất lượng tác phẩm văn hóa yếu,…

Đại biểu Nguyễn Trung Thu (đoàn Long An) nhận xét hiện nay nghệ thuật biểu diễn thiếu tác phẩm đỉnh cao, văn nghệ sĩ bỏ qua trách nghiệm công dân, trách nhiệm nghệ sỹ, chiều theo lợi nhuận và thị hiếu tầm thường, sáng tác tác phẩm yếu kém.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh 

Đại biểu chất vấn Bộ trưởng đâu là nguyên nhân dẫn đến bất cập trên và các giải pháp. Đồng thời đại biểu muốn biết suy nghĩ của Bộ trưởng về chính sách đặc thù để đầu tư cho sáng tạo tác phẩm hay phục vụ công chúng, làm sao có giá trị cao. Đại biểu Phạm Thị Hải (đoàn Đồng Nai) cũng lo lắng về việc quản lý sản xuất phim ảnh, văn hóa có hại.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết thực hiện Nghị định 79 trong lĩnh vực biểu diễn cũng như Thông tư 03 về kinh doanh hoạt động văn hóa, trong thời gian qua, việc lưu hành băng đĩa lậu đã được rà soát quyết liệt. Hàng năm thu hàng chục ngàn băng đĩa lậu.

Trong đó có băng đĩa của nhiều trung tâm sản xuất, ví dụ trung tâm Asia dứt khoát không cho phát hành. Gần đây có trường hợp nghệ sỹ tự sáng tác, tự phát hành. Bộ đã yêu cầu Sở VHTTDL Hà Nội xử phạt. Người nghệ sỹ đó đã nhận khuyết điểm.

Mới đây nhất là hoạt động trình diễn hoa hậu biển ở Nha trang. Bộ trưởng cho biết Bộ đã phối hợp với Nha Trang rút giấy phép của chương trình này.

Một ví dụ khác mà Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đưa ra chính là phim Bụi đời Chợ Lớn. Theo Bộ trưởng, bộ phim này đưa ra cảnh bạo lực nên Bộ đã phối hợp Tp.HCM thẩm định, rút giấy phép, không được phép phát hành, chiếu dưới bất cứ hình thức nào.

Bộ trưởng cũng đề cập tới việc cấp phép biểu diễn. Theo Bộ trưởng, khi cấp phép biểu diễn phải xem hồ sơ xem đơn vị đó đủ điều kiện chưa; duyệt chương trình; hậu kiểm tra, những địa phương nào thấy chương trình thu hút khán giả nhưng không đảm bảm an ninh thì không cho triển khai biểu diễn; tăng cường xử phạt.

Vấn đề là hoàn thiện văn bản tăng mức xử phạt cao hơn, ngoài rút giấy phép, các nghệ sỹ ăn mặc phản cảm, hát nhép, làm động tác tạo scandal thu hút khán giả sẽ đình chỉ biểu diễn, cấm biểu diễn từ 3 tới 6 tháng.

Bộ trưởng cho biết về nghệ thuật biểu diễn, phim ảnh, Bộ phối hợp với địa phương, xử lý các trường hợp phản cảm; phối hợp các công ty truyền thông, có gặp gỡ báo chí thông tin các hiện tượng tiêu cực cần lên án, phê phán. Bộ trưởng tin tưởng chỉ thị của ban Bí thư sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Tăng thù lao, nhuận bút để có tác phẩm hay

Về vấn đề thiếu tác phẩm chất lượng cao, Bộ trưởng đã trả lời khá kỹ lưỡng. Bộ trưởng cho biết hiện nay cả nước có hơn 5.000 nghệ sĩ diễn viên và 158 nhà hát, đoàn ca múa nhạc từ trung ương tới các địa phương, trong đó còn 25 đoàn nghệ thuật truyền thống.

Đảng và Nhà nước từ trung ương đến các Bộ ngành, địa phương chăm lo nghệ thuật truyền thống. Và chúng ta đã có Nghị định về xã hội hóa. Trong quá trình triển khai, Bộ trưởng mong địa phương hết sức quan tâm đến nghệ thuật truyền thống như chèo, cải lương, tuồng, dân ca, kịch, đặc biệt đờn ca tài tử.

Đờn ca tài tử có mặt tại 21 tỉnh thành. Thực hiện ý kiến chỉ đạo hết sức nhanh chóng, Bộ yêu cầu Tp.HCM tài trợ nguồn vốn làm hồ sơ trình UNESCO. Hồ sơ đã trình từ năm ngoái để được công nhận là di sản văn hóa thế giới. Tín ngưỡng thề cúng Hùng Vương được công nhận từ năm ngoái. Năm 2013, Bộ có ý kiến bộ Ngoại giao, nhà khoa học, nhà nghiên cứu triển khai bảo tồn di sản đờn ca tài tử và yêu cầu UNESCO công nhận.

Bộ trưởng đã giải thích cho việc thiếu tác phẩm định cao. Bộ trưởng cho biết năm 1998, Trung ương Đảng có Nghị quyết về văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam. Nghị quyết này nói đến 3 điểm liên quan nghệ thuật nói chung.

Thứ nhất, tiềm lực của đội ngũ sáng tác, nghiên cứu, lý luận phê bình còn yếu; chính sách cho lực lượng này chưa tốt. Vấn đề 3 là trên lĩnh vực biểu diễn, đặc biệt điện ảnh sân khấu, nghệ thuật truyền thống gặp nhiều khó khăn.

Bộ VHTTDL cùng các Bộ, ngành khác xây dựng 5 đề án liên quan lĩnh vực này về chính sách, xúc tiến quảng bá, đặt hàng, các cuộc thi, liên hoan. Mới đây nhất có quyết định 844 về đấu thầu các tác phẩm.

Bộ đã đặt hàng 3 bộ phim phản ánh giai đoạn kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Đó là các bộ phim về những người viết huyền thoại, người tiên tri. Sắp tới triển khai 5 đề án, triển khai quyết định 844, quyết định 88 về quy hoạch xây dựng và cải tạo các nhà hát, rạp chiếu bóng và các trung tâm triển lãm văn hóa nghệ thuật.

Bộ trưởng khẳng định đánh giá tác phẩm hay, có chất lượng cao thì cực kỳ khó khăn nhưng sẽ có các chính sách đặc thù về việc này. Trong đó có chính sách khuyến khích nghệ sĩ. Bộ sẽ phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ để tăng thu nhập của nghệ sĩ, trong đó có tiền bồi dưỡng, nhuận bút.

Bộ trưởng cho biết hiện theo duy định 60 (từ năm 2003), nhuận bút, thù lao còn thấp, theo quy định 180, tiền bồi dưỡng, luyện tập của nghệ sĩ rất thấp. Ví dụ, 1 ngày tập của diễn viên chính chỉ là 50.000 đồng, diễn viên phụ, thứ 30.000 đồng, diễn viên khác thì thấp hơn, chỉ 20.000 đồng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tổng kết lại hiện tác phẩm chưa hay, nghệ sĩ phản cảm, thị hiếu chưa lành mạnh ,… là có. Bộ trưởng có niều biện pháp đưa ra và tiếp tục đưa ra để ngăn chặn. Chủ tịch đánh giá Bộ trưởng nói lòng vòng nhưng rõ ý.



Bảo Linh
Bình luận
vtcnews.vn