BTV Phạm Nhung: Hết sợ để yêu…

Tổng hợpThứ Hai, 07/11/2011 12:47:00 +07:00
(VTC News) -

BTV Phạm Nhung đã “mài mặt” hầu như khắp các bệnh viện ở Hà Nội và TP.HCM, trực tiếp chứng kiến biết bao ca mổ từ tiểu phẫu đến đại phẫu...

Đã từng sợ xanh mắt khi nhìn thấy máu, đã từng lạnh gai người khi nhắc đến mùi bệnh viện, vậy mà sau 2 năm gắn bó với kênh VTC14, cũng là khoảng thời gian phụ trách theo dõi mảng đề tài về y tế, BTV Phạm Nhung đã “mài mặt” hầu như khắp các bệnh viện ở Hà Nội và TP HCM, trực tiếp chứng kiến biết bao ca mổ từ tiểu phẫu đến đại phẫu. Giờ đây, thay vì sợ hãi, cô lại thấy yêu công việc của mình, yêu đến nỗi mà lỡ lãnh đạo có điều cô sang mảng khác hẳn Nhung sẽ giãy lên mà nài nỉ đòi ở lại…

BTV Phạm Nhung: Hết sợ để yêu… - 1

BTV Phạm Nhung

VTC14 và những lần…”cố nốt”

 Tốt nghiệp khoa Văn của trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn Hà Nội và khoa tiếng Trung của trường ĐH Hà Nội, Phạm Nhung được đào tạo để trở thành một giáo viên. Đó cũng là tư tưởng mà gia đình và bản thân cô đã xác định sẵn ngay từ khi bước chân vào cánh cửa đại học. Tuy nhiên, run rủi thế nào, Nhung lại tạm gác ý định về quê đi dạy để xin vào một công ty truyền thông. Công việc có liên quan một chút đến truyền hình. Nhưng hồi đó, hình ảnh một MC hay phóng viên, biên tập viên truyền hình vẫn là một cái gì đó lớn lao, xa vời trong ý nghĩ của Nhung. Một thời gian sau, nghe tin VTC tuyển dụng, Nhung cũng muốn thử sức, thử để cho biết, cho vui thôi. 

Lọt qua vòng loại, người ta gọi vào vòng trong. Lại chậc lưỡi, “cố nốt”. Lại qua vòng trong, vào vòng trong nữa, vẫn chậc lưỡi, “cố nốt”. Nhung như một chiến sĩ hăng hái xông vào mặt trận mà không hề trang bị đạn dược và chưa lường trước được những thử thách mà mình sẽ gặp phải trên chiến trường. Thế rồi, sau những lần chậc lưỡi “cố nốt” ấy, Phạm Nhung trở thành biên tập viên của kênh VTC14.

Không được đào tạo bài bản về nghiệp vụ truyền hình, nghĩa là sau khi vào kênh, những bài học của Nhung được bắt đầu từ con số 0. Những tháng ngày mày mò, cặm cụi, chăm chút cho từng cái kịch bản, viết rồi sửa, sửa rồi viết dưới sự hướng dẫn tỉ mỉ, tận tình của lãnh đạo kênh.

Lãnh đạo kênh yêu cầu các phóng viên, biên tập của kênh đều phải biết dựng. Thế là, vừa rèn luyện kỹ năng viết, Phạm Nhung phải thuê thêm gia sư về kèm cặp và hướng dẫn cách dựng hình. Biết là kênh chuyên biệt về thiên tai, hiểm họa nên cô cũng cẩn thận đi học bơi, sẵn sàng tinh thần để “chiến đấu” bất cứ lúc nào cần.

Quyết tâm, nhiệt tình và ham học hỏi, những tưởng như thế là đủ để đáp ứng công việc. Nhưng chỉ sau 2 tháng, Nhung gần như suy sụp, mệt mỏi vì không thể vượt qua những áp lực và yêu cầu mà lãnh đạo giao phó. Cô viết đơn xin nghỉ việc. Sếp gọi lên trò chuyện và cho cô thêm 2 ngày để suy nghĩ kĩ trước khi quyết định.

Xác định ở lại và “cố nốt” cho trọn vẹn con đường mình đã chọn, Phạm Nhung tự nhủ sẽ phải làm thật tốt để không phụ sự tin tưởng của lãnh đạo kênh, cũng như không phụ lại cơ duyên mà số phận đã trao cho cô: trở thành một phóng viên truyền hình - điều mà trước đây chưa bao giờ Nhung dám nghĩ tới.   Hai ngày sau, Nhung lên kênh. Ngồi ở phòng Tin tức chờ Giám đốc, Nhung chứng kiến sự hối hả, nhộn nhịp của các anh chị em phóng viên, biên tập. Mỗi người một việc, ai cũng bận rộn. Chị Tổ chức sản xuất đi qua nhìn thấy Nhung bèn gọi luôn vào hỗ trợ cùng mọi người. Nghĩ bụng “cố nốt” trước khi chia tay mọi người, Nhung nhiệt tình giúp, và giúp một cách hăng say. Cứ thế, bẵng đi vài ngày sau, cô quên mất việc lên gặp sếp để xin nghỉ việc. Lần cô gặp lại sếp sau đó không phải là để đưa lá đơn xin nghỉ nữa mà là một nụ cười, một ánh mắt quyết tâm và lời hứa ở lại để tiếp tục cố gắng vượt qua áp lực, chinh phục những khó khăn phía trước.

Là biên tập viên của phòng Tin tức, cô đảm trách bản tin Nhật ký cuộc sống phát sóng hàng ngày. Sau này khi các chuyên đề được mở rộng hơn, Nhung được giao tham gia thêm một số chuyên đề “đinh” của kênh như Cuộc chiến ung thư, Môi trường sức khỏe, Cuộc sống 24h và làm Phim tài liệu chính luận, Phim tài liệu truyền thông cộng đồng. Công việc nhiều, vất vả hơn nhưng Phạm Nhung luôn xem đó là cơ hội mà lãnh đạo kênh giao cho để thử sức với nhiều chương trình khác nhau, nhiều thể loại khác nhau, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và khả năng chịu áp lực công việc của mình.

Phạm Nhung được phân công theo dõi mảng y tế, một lĩnh vực mà từ trước đến nay cô vốn mù tịt và cực kỳ… dị ứng. Nhung sợ máu, sợ mùi tanh hôi của thuốc kháng sinh, sợ sự chết chóc… Sợ tất cả những thứ liên quan đến hai chữ “bệnh viện”. Ấy vậy mà, sau 2 năm chinh chiến, giờ cho chọn lại, cô nàng Phạm Nhung nhút nhát ngày nào vẫn nhất quyết chọn mặt trận y tế. 

BTV Phạm Nhung: Hết sợ để yêu… - 2

 

 “Khen hay chê đều tốt, im lặng mới đáng sợ…”

 Chưa có nhiều kinh nghiệm truyền hình, tư duy hình ảnh và ngôn từ còn nhiều bỡ ngỡ, không ít lần thất bại, nhiều phóng sự phải sửa đi sửa lại nhiều lần, có hôm sếp ngồi hẳn vào máy tính, sửa cho Nhung từng câu từng chữ. Tất cả những bài học đó, giúp cô trưởng thành hơn và tự hứa sẽ không bỏ cuộc. Cô nhận ra rằng, điều đáng sợ nhất là khi sản phẩm của mình đưa ra mà không một ai nói gì, hay nói cách khác là không có gì để nói. Còn khi các sếp và đồng nghiệp khen, chê, góp ý, hướng dẫn thì mới là điều đáng quý, đáng trân trọng, 

Ở kênh, khối bản tin Nhật ký cuộc sống là những người chịu nhiều áp lực công việc nhất. Bản tin chạy hàng ngày, nhân lực lại ít, đã có những lúc mọi người ở trong tâm trạng mệt mỏi và gần như muốn từ bỏ công việc. Những lúc đó, Nhung chỉ biết tự an ủi mình “mệt mỏi thì về ngủ một giấc, mai lại khỏe”.

Khi thực hiện các đề tài cho Nhật ký cuộc sống, Nhung hay được giao các lọat đề tài, phóng sự về y tế. Những vấn đề khá nhạy cảm như quá tải bệnh viện, giá thuốc, giá viện phí, rác thải y tế…mà yêu cầu của lãnh đạo lại luôn ở mức cao nhất nên Nhung luôn phải tập trung cao độ cho công việc… Được mệnh danh là một trong những phóng viên “lì lợm” về khoản “đeo bám” đề tài ở kênh, Nhung không cho phép mình để vuột mất bất cứ đề tài nào. Khó mấy cô cũng theo đuổi đến cùng, bao giờ ra thành phẩm thì thôi. Nhiều khi gọi điện cho nhân vật bị từ chối năm lần bảy lượt, cô vẫn không từ bỏ, tìm đủ mọi cách, nhờ vả đủ mối quan hệ để có thể phỏng vấn và ghi hình.


Đi đây đi đó làm chương trình cũng mang lại cho Phạm Nhung nhiều trải nghiệm khó quên. Còn nhớ vụ hai mẹ con sản phụ bị tử vong do sự tắc trách của bác sĩ ở Hải Dương. Khi nghe tin sự việc đau lòng ấy xảy ra ngay chính trên chính quê hương mình, Nhung đã rất bức xúc và quyết tâm trở về làm chương trình. Sau khi lọat phóng sự của Nhung phát sóng, Sở Y tế Hải Dương đã phải cho bác sĩ thôi việc và phải đền bù cho gia đình 100 triệu đồng. Người nhà nạn nhân xúc động cảm ơn Nhung rối rít, mang bao nhiêu khoai sắn, thậm chí cả con gà để biếu Nhung. Những món quà giản dị và chân thành ấy khiến cho Nhung vô cùng hạnh phúc và cảm thấy công việc của mình càng ý nghĩa hơn.
   Công việc luôn căng thẳng và gấp gáp nên nhiều hôm, có những phóng sự 5h chiều đi quay về là Nhung nhảy luôn vào bàn dựng hì hục làm để kịp phát sóng. Hay có những hôm 8h chương trình phát sóng thì 8h kém 2 phút, Nhung mới bắt đầu đẩy file vào trường quay. Những lúc ấy, từ tổ chức sản xuất đến biên tập, phóng viên thực hiện chương trình đều như nín thở, tim đập thình thịch chờ đợi. “Cứ sống trong những thời khắc như thế sẽ rất dễ dẫn đến bệnh suy tim”- Phạm Nhung cười nhớ lại. Cảm xúc ấy, không chỉ mình Nhung mà rất nhiều phóng viên, biên tập khác của kênh cũng đã từng hưởng, từng trải. Chỉ đến khi chương trình kết thúc êm xuôi thì tất cả mới có thể thở phào nhẹ nhõm.

Một “quả ngọt” dành cho Nhung và ê-kip làm chương trình Cuộc chiến ung thư, đó là một chủ cơ sở bánh đậu xanh ở Hải Dương đã đứng ra lập quỹ ủng hộ các bệnh nhân bị ung thư xuất hiện trong chương trình Cuộc chiến ung thư của VTC14. Dù chỉ số tiền nhỏ thôi nhưng cũng là nguồn động viên để các nạn nhân có thêm sức mạnh chiến đấu với căn bệnh quái ác. Thành công bước đầu ấy, “quả ngọt” ấy đã góp phần tạo nên niềm tin cho các bệnh nhân ung thư trong quá trình nhóm chương trình đi tác nghiệp.

Với những vấn đề nhạy cảm, hầu như Nhung không nhận được sự hỗ trợ hay giúp đỡ nào từ phía đối tác. Mỗi lần tác nghiệp đều rất khó khăn, bắt buộc Nhung và quay phim phải trao đổi và kết hợp ăn ý trước mỗi lần bấm hình. Lần đi làm phóng sự về làng thuốc đông y ở Ninh Hiệp (Gia Lâm - Hà Nội), mặc dù bị người dân và chủ các hiệu thuốc xua đuổi nhưng Nhung và quay phim vẫn trà trộn được vào kho để ghi hình. Đến khi bị phát hiện, bị người dân cầm gậy đuổi thì cũng đã quay được những cảnh cần thiết. Biết là hơi liều lĩnh nhưng Nhung ngẫm ra rằng có xông pha thì mới có được những cảnh quay ưng ý, nói lên đúng vấn đề.  

Rồi chuyến đi về làng A Lưới (Thừa Thiên Huế), nơi có hơn 200 người dân bị điên do ảnh hưởng của chất độc da cam. Đến nơi, gặp gỡ, tiếp xúc, lắng nghe những câu chuyện của họ, Nhung mới nhận ra cuộc sống của mình thật quá may mắn. Mới nhìn những con người bị nhốt trong cũi đã hơn chục năm nay quằn quại trên manh chiếu rách, Nhung sợ lắm. Nhưng rồi cảm giác đó dần tan đi chỉ còn lại sự thương cảm vô cùng.

Đều đặn hàng tháng với các chuyến đi tác nghiệp nhưng Nhung vẫn muốn được đi nhiều hơn nữa, đến những vùng sâu vùng xa, những miền quê nghèo. Mỗi chuyến đi, mỗi trải nghiệm, sẽ mang lại cho cô những câu chuyện, những khung hình chân thực nhất của cuộc sống.

Cầm tinh con trâu, ở kênh mọi người hay gọi yêu Nhung là “trâu cày” còn bởi vì sức làm việc “khủng” của cô. Một số đồng nghiệp ở VTC14 vẫn nói đùa rằng Phạm Nhung mắc phải hội chứng “love office”, nghĩa là yêu cơ quan đến mức lúc nào cũng thấy “mài mặt” ở cơ quan. Làm việc xong, rủ mọi người đi ăn cũng loanh quanh lại bàn việc cơ quan. Thậm chí bạn bè cũng chỉ có bạn bè ở cơ quan. Lâu lắm rồi, cô chưa có khái niệm nghỉ thứ 7, chủ nhật. Kể cả không có việc, Nhung cũng lên cơ quan lọ mọ chuẩn bị đề tài, sắp xếp kế hoạch. Thế thành quen. Giờ ngày nào không lên cơ quan lại cứ thấy trống vắng.

Thỏa mãn với niềm vui vùi đầu vào công việc, Nhung quên luôn cả việc… yêu. Đến nỗi bây giờ, nhắc đến hai từ “về quê” là Nhung lại thấy ám ảnh. Nhà cách Hà Nội chỉ 60 km nhưng cả năm trời cô mới về được 2 lần, mỗi lần chỉ vẻn vẹn một ngày. Nguyên nhân cũng tại mỗi lần về, bố mẹ và họ hàng cứ nhìn thấy mặt lại nói xa nói gần, đánh tiếng giục lấy chồng. Mỗi lần như thế, cô chỉ biết cười chống chế: “Thôi, cái gì đến sẽ đến ạ!”.

Là phóng viên y tế, Nhung tự tin là sẽ biết được cơ thể và sức khỏe của mình như thế nào để điều tiết tốt nhất cho công việc. Sau mỗi ngày làm việc mệt mỏi, Nhung hay thiền ở nhà. Đó là cách tốt nhất để cô cảm thấy thanh thản, tĩnh lặng quên hết tất cả, thư giãn để giải tỏa stress. Không có nhiều thời gian cho việc riêng, cho shopping, hay thảnh thơi đi ăn vặt với bạn bè nhưng Nhung hài lòng với cuộc sống hiện tại của mình. Công việc cho cô được làm những gì mình thích, được trưởng thành hơn về chuyên môn, được đi nhiều nơi, được tiếp xúc với nhiều người… Đó là những thứ mà không phải ai cũng có được.

Thanh Hương
Bình luận
vtcnews.vn