BT Lê Doãn Hợp: Tôi sợ nhất là thiếu và nhiễu thông tin

Thời sựThứ Ba, 02/08/2011 03:50:00 +07:00

(VTC News) - “Trong cuộc chiến chống tham nhũng và đấu tranh đẩy lùi tiêu cực, báo chí đã làm tốt trách nhiệm của mình", Bộ trưởng Lê Doãn Hợp nói.

(VTC News) - “Trong cuộc chiến chống tham nhũng và đấu tranh đẩy lùi tiêu cực, báo chí đã làm tốt trách nhiệm của mình. Những người tiêu cực rất sợ báo chí. Đây là thiết chế chính trị tốt mà chúng ta cần phát huy”, đó là những lời nói tâm huyết của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp sau 17 năm gắn bó với sự nghiệp làm báo và quản lý báo chí.

Trong bối cảnh đất nước đang tiến tới hội nhập quốc tế, báo chí Việt Nam phải ngày càng phát triển để đáp ứng nhu cầu đi lên của đất nước, đây là ý kiến của của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp trong việc nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý cũng như hoạt động của báo chí nước nhà.

Bộ trưởng Lê Doãn Hợp 

Quản lý báo chí: Nhiệm vụ vinh dự nhất và cũng khó khăn nhất

Với 17 năm gắn bó cùng báo chí, tôi luôn tâm niệm đây là một nghề cao quý bởi báo chí là lực lượng tiên phong trong chuyển đổi nhận thức vì có thông tin sẽ có tất cả. Thông tin luôn quý giá nhất, đáng trân trọng nhất vì nó mở đường cho tất cả những gì đúng đắn nếu có thông tin chuẩn xác. Báo chí cổ vũ cái tốt, nhân rộng cái hay, phê phán cái xấu, đẩy lùi tiêu cực, tạo thế phát triển lành mạnh và thúc đẩy xã hội tiến bộ.

Theo Bộ trưởng Lê Doãn Hợp, nghề báo là một nghề cao quí. 

Đây cũng là một nghề có sự tổng hợp trí thức, kinh nghiệm, thời đại, đóng góp vào chuyển đổi nhận thức để chuyển đổi hành động. Bởi nhận thức là chìa khóa của hành động và hành động là thước đo của nhận thức, góp phần không nhỏ trong sự nghiệp đổi mới đất nước thành công và hội nhập quốc tế thắng lợi.


Trong suốt thời gian làm quản lý báo chí, điều tôi sợ nhất là thiếu thông tin và nhiễu thông tin, trong tất cả các trường hợp nhiễu thông tin đều do thiếu thông tin. Do đó, tôi rất quan tâm đến nội dung cung cấp thông tin cho báo chí. Khó khăn lớn nhất tôi gặp là nhận thức của những người làm báo, quản lý báo chí, hưởng thụ báo chí không theo kịp thực tiễn, và thể chế luật lệ chưa đủ và không đồng bộ để báo chí thực hành.
 

Vì cơ chế, luật lệ không theo kịp thực tiễn, khiến cho công tác quản lý báo chí trở nên vất vả. Bên cạnh đó, mặt trái của cơ chế thị trường chi phối làm cho việc khen, chê trên mặt báo có lúc, có việc không chính xác.

Trên thực tế, quản lý báo chí nhiều lúc như bơi giữa hai dòng nước: Nói sai một cái đúng thì người ta phản đối quyết liệt; Nói đúng một cái sai người ta cũng ấm ức kéo dài, nên trước các thời điểm chính trị nhạy cảm báo chí thường bị nhiều áp lực khó lường.

Hơn nữa, trình độ, phẩm chất và trách nhiệm xã hội của nhiều tờ báo chưa cao trong quản lý nội dung, năng lực kinh nghiệm của các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí chưa ngang tầm, chưa theo kịp yêu cầu phát triển của cả báo in, báo hình, báo nói và báo điện tử, càng làm cho công tác quản lý nhà nước về báo chí khó khăn hơn.


Báo chí đã đạt được những thành quả nổi bật

Trong những năm qua, báo chí Việt Nam đã có nhiều thành công và phát triển rất nhanh cả về số lượng, chất lượng, loại hình, nội dung, hình thức, đội ngũ, tính chuyên nghiệp, kinh tế báo chí, công nghệ và cơ sở vật chất hành nghề.

Báo chí nước ta đã tích cực tham gia tuyên truyền người tốt, việc tốt, cơ chế, chính sách chủ trương đường lối của Đảng và Nhà nước, tạo tiến bộ xã hội và sự đồng thuận của nhân dân với Chính phủ. Trong cuộc chiến chống tham nhũng và đấu tranh đẩy lùi tiêu cực, báo chí đã làm tốt trách nhiệm của mình. Những người tiêu cực rất sợ báo chí. Đây là thiết chế chính trị tốt mà chúng ta cần phát huy.

Trong cuộc chiến chống tham nhũng và đấu tranh đẩy lùi tiêu cực, báo chí đã làm tốt trách nhiệm của mình.
Ảnh: Tác nghiệp của phóng viên bên ngoài một phiên tòa
 

Báo chí trong hợp tác quốc tế và thông tin đối ngoại đã có tiến bộ hơn nhiều... Tôi rất tâm đắc câu nói của của một nhà lãnh đạo Trung Quốc: “Hình như chúng ta càng ít nói thì chúng ta càng đuối lý”. Do vậy, báo chí Việt Nam cần chuyển mạnh từ phòng ngự sang tiến công, góp phần thúc đẩy xã hội tiến bộ để con người sẽ sống và hợp tác với nhau tốt đẹp hơn.


Hiện tại, báo chí đang đồng hành cùng Chính phủ và nhân dân trên mọi lĩnh vực của đời sống đất nước. Báo chí là Tổng kho tri thức phong phú đồ sộ của dân tộc, của loài người. Báo chí luôn đoàn kết, vượt khó, hợp tác, động viên giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.

Song vẫn còn những tồn tại

Báo chí của chúng ta có lúc, có nơi, có vụ việc đưa tin thiếu trung thực, khách quan, chính xác, thiếu tính hướng thiện... Nhiều khi báo chí: “Khen thì thâm thúy, chê thì vùi dập”, nhiều bài viết mang tính cá nhân, phóng viên bị chi phối bởi cơ chế thị trường. Vì thế, chúng ta luôn quan tâm đến cái tâm của người làm báo và tính hướng thiện của người viết báo, đây là phạm trù văn hóa, đạo đức nghề nghiệp.

Bộ Thông tin và Truyền thông những năm qua đã quản lý báo chí, xử lý sai phạm của báo chí nghiêm túc và có tình đồng nghiệp cao. Bộ luôn coi trọng nội dung góp ý để sửa chữa, không phải trừng phạt, chỉ trích mà là xây dựng, hoàn thiện để báo chí tiến bộ hơn.

Trên thực tế, phóng viên, biên tập viên có lúc, có việc không nhạy cảm với thời cuộc; khen chê hồn nhiên thiếu chiều sâu chính trị. Chúng ta phải biết phát huy sức mạnh tổng hợp của dân tộc gắn với sức mạnh thời đại, đấu trí tốt cũng đồng nghĩa đấu lực tốt.

Báo chí sẽ không có đỉnh cao nếu không chuyên nghiệp hóa, phải yêu nghề, gắn bó, trách nhiệm, đam mê với Nghề thì mới chuyên nghiệp và có đình cao sáng tạo. Cần tránh cách viết thiếu thận trọng, đúng như lời khuyên của Nhà báo, nguyên Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, Hữu Thọ: “khi trong lòng còn thấy hồ nghi thì đừng bao giờ hạ bút”.


Không đấu tranh chống tiêu cực là thiếu trách nhiệm với dân với nước

Để thực hiện tốt trách nhiệm xã hội báo chí cần bám sát thực tiễn, dày công săn lùng thông tin để khen chê chính xác, thuyết phục. Báo chí mà không vào cuộc trong đấu tranh chống tiêu cực là thiếu trách nhiệm với dân, với nước. Nhưng chống tiêu cực không dễ, phóng viên, cần có đạo đức, bản lĩnh và trí tuệ để làm chủ trong mọi tình huống. Có phẩm chất để không bị mua, có trí tuệ để không bị lừa, có bản lĩnh để dám nói, dám viết, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Chống tiêu cực không dễ, phóng viên, cần có đạo đức, bản lĩnh và trí tuệ để
làm chủ trong mọi tình huống.


Các cơ quan chủ quản và quản lý báo chí phải chăm lo đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, biên tập viên, phóng viên. Báo chí muốn chuyên nghiệp phải quan tâm đào tạo, phóng viên muốn chuyên nghiệp thì phải chịu học, chịu đọc, chịu nghe, chịu đi cơ sở để tổng kết và phản ánh thực tiễn. 

Văn hóa là thước đo cao thượng nhất của người làm báo và báo chí cần đảm bảo trung thực, nhanh nhạy, dũng cảm, sáng tạo và hướng thiện.
 

Xã hội đang đặt ra trách nhiệm cho người làm báo rất cao, chúng ta cần làm tốt hơn để dân tin. Trước hết, cần nhận thức đúng vai trò vị trí của báo chí. Báo chí phải là cánh chim báo bão, đi trước thời cuộc, nhận thức đúng thời cuộc, vận động đúng xu hướng của thời cuộc, tổng kết quá khứ, nói hiện tại và định hướng tương lai. Các cơ quan quản lý nhà nước phải tiếp tục hoàn thiện thể chế để báo chí, phóng viên sáng tạo và chủ động hơn. 

Bên cạnh đó, việc định hướng, khen chê thưởng phạt báo chí phải kịp thời để thông tin trên mặt báo có ích, thuyết phục và giàu tố chất văn hóa. Văn hóa là thước đo cao thượng nhất của người làm báo và báo chí cần đảm bảo trung thực, nhanh nhạy, dũng cảm, sáng tạo và hướng thiện.

Các cơ quan báo chí và quản lý báo chí cần quan tâm đến quản  lý nội dung, quản lý phóng viên và quản  lý tài chính. Việc quản lý nội dung phải khen chê chính xác, khách quan, trung thực, tôn vinh phóng viên tốt, uốn nắn giáo dục phóng viên chưa tốt; độ tin cậy của từng phóng viên khác nhau thì phải có cơ chế quản lý và duyệt bài khác nhau.

Đồng thời phải quản lý tài chính chặt chẽ để sử dụng đồng tiền lành mạnh; mặt khác phải đảm bảo 3 tăng cường trong báo chí là: Tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng tập huấn phóng viên, tăng cường hợp tác quốc tế về báo chí, tăng cường tố chất chính trị trong các cơ quan báo chí; Đổi mới công tác quản lý báo chí thiết thực, trách nhiệm, nghiêm túc, thông thoáng để phóng viên thực hành và sáng tạo tốt hơn.


Song song với quản lý, chúng ta cần tiếp tục làm tốt công tác phối hợp giữa ban, bộ, hội, cơ quan chủ quản và tổng biên tập để chỉ đạo, quản lý, động viên báo chí sát thực; đề cao trách nhiệm người đứng đầu, nâng cao trách nhiệm của tổng Biên tập, tôn trọng sự giám sát phản biện góp ý của nhân dân. Bởi lực lượng phán xét cuối cùng, quyết định nhất đối với báo chí là nhân dân, là bạn đọc.

Tra cứu kết quả tuyển sinh Đại học – Cao đẳng 2011 nhanh nhất tại: http://diemthi.vtc.vn


P.V
(Lược ghi bài nói chuyện của Bộ trưởng Lê Doãn Hợp với đại diện báo chí ngày 12/7/2011 tại Bộ TT&TT)


Bình luận
vtcnews.vn