'BOT Cai Lậy là minh chứng của sự quản lý yếu kém, có dấu hiệu lợi ích nhóm'

Thời sựThứ Tư, 23/08/2017 07:22:00 +07:00

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, Bộ GTVT hầu như cố tình quyết định cho thực hiện những dự án vi phạm nguyên tắc cơ bản nhất của công trình BOT, cho thấy trách nhiệm quản lý Nhà nước kém, thậm chí có dấu hiệu của lợi ích nhóm.

Thời gian vừa qua, những lùm xùm ở trạm thu phí Cai Lậy đã khiến dư luận dậy sóng. Câu chuyện về sự bất hợp lý của những trạm thu phí "rải" trên quốc lộ khiến người dân, đặc biệt là cánh tài xế phản ứng mạnh mẽ.

Trả lời VTC News, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống - nguyên Giảng viên trường Đại học Bách khoa TP.HCM thẳng thắn nhận xét:

BOT Cai Lậy là minh chứng rõ ràng nhất cho những bất cập của việc xây dựng các trạm thu phí dựa trên các dự án BOT do Nhà nước quản lý, tuy nhiên Nhà nước lại quản lý kém, thiếu trách nhiệm, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm.

- Trạm thu phí Cai Lậy (Tiền Giang) đang gây xôn xao dư luận khi hàng loạt tài xế dùng tiền lẻ để phản đối. Dù Bộ GTVT và các đơn vị liên quan đã thống nhất giảm 30% giá vé qua trạm nhưng nhiều tài xế cho biết, nếu không di dời trạm thu phí về đúng vị trí của nó trong đường tránh thì họ sẽ tiếp tục phản đối. Vậy theo ông, trạm BOT Cai Lậy phải được đặt ở đâu?

07b627e4 4

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, BOT Cai Lậy là minh chứng điển hình cho sự quản lý yếu kém của Nhà nước, thậm chí có dấu hiệu lợi ích nhóm.

Đầu tiên phải khẳng định việc đưa phần tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy vào cùng dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh theo hình thức hợp đồng BOT là hoàn toàn sai.

Cần thiết phải tách phần tăng cường mặt đường trên Quốc lộ 1 ra khỏi dự án BOT. Chỉ có dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh Quốc lộ 1 mới phù hợp theo hình thức hợp đồng BOT, vì vậy trạm thu phí phải đặt trên tuyến đường tránh mới đúng luật.

Ngoài ra tôi thấy, toàn bộ vấn đề trình duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình tuyến tránh và tăng cường mặt đường trên Quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy, cũng như trạm thu phí Cai Lậy thể hiện rõ tình trạng bất cập vì số tiền bỏ ra quá lớn.

Dự án xây dựng tuyến tránh quốc lộ 1 được đầu tư mới với chiều dài 12 km, tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1 hết 300 tỷ đồng. Thậm chí, sau khi xây dựng xong nhà đầu tư còn bỏ ra số tiền 60 tỷ xây trạm thu phí (bằng 23,84% kinh phí xây dựng đường tránh), như vậy là rất lãng phí.

- Ông có thể phân tích rõ hơn về cái sai trong trường hợp Cai Lậy?

Trước tiên cần hiểu rõ nguyên tắc BOT và thu phí sử dụng công trình giao thông công cộng. Khi Nhà nước giao cho nhà đầu tư tư nhân tự bỏ vốn ra xây dựng một công trình giao thông mới theo nguyên tắc BOT thì Nhà nước đồng ý cho thu phí sử dụng trong thời gian nhất định để nhà đầu tư thu hồi vốn cùng mức lãi hợp lý.

Sau khi hoàn vốn, nhà đầu tư ngừng thu phí và bàn giao lại công trình BOT đó cho Nhà nước. Người dân có quyền lựa chọn hoặc trả phí để sử dụng công trình mới, hoặc duy trì việc sử dụng miễn phí công trình có sẵn của Nhà nước xây dựng mà người dân đã đóng thuế chung.

Đó là nguyên tắc người sử dụng công trình phải trả chi phí, nhà đầu tư xây dựng rồi điều hành hoạt động công trình, thu phí để thu hồi vốn cùng mức lãi hợp lý đã được tính toán, Nhà nước quản lý và giám sát toàn bộ dự án.

IMG_8997 5

Trạm thu phí BOT Cai Lậy đến nay vẫn chưa hoạt động vì sự phản đối của tài xế.

Nguyên tắc người dân có quyền lựa chọn giữa việc sử dụng công trình mới thì trả một mức phí phù hợp, hay sử dụng công trình cũ miễn phí yêu cầu Nhà nước và nhà đầu tư phải cân nhắc tính toán kỹ lưỡng, hiệu quả chi phí đầu tư công trình mới với lợi ích mà nó mang lại cho người sử dụng và cho xã hội.

Nếu chi phí lớn hơn lợi ích thì công trình không hiệu quả, người sử dụng thấy không có lợi vì phải trả phí sử dụng cao mà lợi ích lại thấp hơn. Chính vì thế mà người sử dụng phải được biết chi phí và lợi ích của dự án, được tham gia từ đầu cũng như trong quá trình thực hiện dự án.

Mức thu phí không phải chỉ được tính sao cho nhà đầu tư thu hồi vốn và có lãi, vì đó chỉ là mức giá bên cung mà thôi. Mức thu phí còn phải được tính sao cho người sử dụng có lợi, nghĩa là mức phí thấp hơn lợi ích người sử dụng có được, và đó là mức giá bên cầu. Khi giá bên cầu bằng hay cao hơn giá bên cung thì dự án mới khả thi.

Tuy nhiên, thực tế hiện nay, mức thu phí của các công trình BOT ở nước ta, tiêu biểu là ở Cai Lậy chỉ tính theo bên phía cung, vì thế chi phí đầu tư cho công trình ban đầu đã cao và sau đó cứ đội vốn lên mà không được kiểm soát. Từ đó, mức thu phí và thời gian thu phí được Nhà nước quyết định rất có lợi cho nhà đầu tư mà rất thiệt thòi cho người sử dụng.

IMG_8991 6

 Tuyến đường tránh Cai Lậy được xây dựng theo hình thức BOT.

- Có ý kiến cho rằng, nên dời trạm thu phí Cai Lậy vào đường tránh, sau đó yêu cầu các phương tiện trọng tải lớn không đi vào trung tâm thị trấn mà phải qua đường tránh. Ông nghĩ gì về đề xuất này?

Việc dời trạm thu phí Cai Lậy vào tuyến đường tránh là việc nên làm, vì chỉ có tuyến đường tránh mới đúng là xây dựng theo hình thức BOT.

Nhưng nếu dời trạm thu phí vào đường tránh, các cơ quan ban ngành tỉnh Tiền Giang cũng không thể phối hợp với nhau để cấm một số phương tiện giao thông có trọng tải lớn đi vào quốc lộ ngang qua thị xã Cai Lậy và yêu cầu các phương tiện đó đi vào đường tránh được.

Video: Trạm thu phí Cai Lậy nhìn đâu cũng thấy bất hợp lý

Vì việc cấm đó không có cơ sở pháp lý, làm thế sẽ khiến các phương tiện giao thông trọng tải lớn không có cơ hội lựa chọn việc sử dụng công trình giao thông trên Quốc lộ 1, mà ép buộc phải đi qua đường tránh nhằm giúp có lợi cho trạm thu phí thôi.

Các phương tiện giao thông trọng tải lớn có thể bị cấm đi ngang qua thị xã Cai Lậy vào thời gian cao điểm, còn ban đêm thì không cấm được vì không đúng với nguyên tắc BOT.

 
Các phương tiện giao thông trọng tải lớn có thể bị cấm đi ngang qua thị xã Cai Lậy vào thời gian cao điểm, còn ban đêm thì không cấm được vì không đúng với nguyên tắc BOT.

Ông Nguyễn Thiện Thống

- Vậy theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến hàng loạt bất hợp lý ở trạm BOT Cai Lậy?

Kết luận Kiểm toán Nhà nước về 27 dự án BOT giao thông giai đoạn 2011 – 2016 đưa ra những con số đáng giật mình về sự điều chỉnh thời gian thu phí, tổng số thời gian bị yêu cầu cắt thu phí lên đến 100 năm. Trong đó, có những dự án điều chỉnh giảm thu phí tối đa lên đến hơn 13 năm so với phương án tài chính ban đầu.

Nếu quy thành tiền bằng cách lấy thời gian cắt thu phí 100 năm đó nhân với mức phí tương ứng của các dự án, thì đó là số tiền khủng khiếp người sử dụng và xã hội bị thiệt hại. Từ thực tế đó cho thấy, nhiều dự án BOT đưa vào sử dụng chỉ một thời gian ngắn đã có lãi rất lớn.

Ở nhiều dự án cải tạo, nâng cấp tuyến cũ, người sử dụng công trình giao thông thậm chí còn không có cơ hội sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông miễn phí mà “bắt buộc” phải trả phí “độc quyền” cho nhà đầu tư. Bộ GTVT hầu như cố tình quyết định cho thực hiện những dự án vi phạm nguyên tắc cơ bản nhất của công trình BOT.

Ở những dự án này, rõ ràng quản lý Nhà nước kém, rất thiếu trách nhiệm, thậm chí có dấu hiệu của lợi ích nhóm, mà công trình ở BOT Cai Lậy là minh chứng điển hình.

Xin cảm ơn ông!

Nhật Linh
Bình luận
vtcnews.vn