‘Bóng ma’ nợ xấu vẫn ám ảnh các ngân hàng

Kinh tếThứ Tư, 31/10/2018 19:08:00 +07:00

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 và 9 tháng đầu năm của các ngân hàng cho thấy đa số đạt kết quả kinh doanh khả quan song điểm trừ là tỷ lệ nợ xấu tăng cao.

Thời điểm hiện tại đã có gần 20 ngân hàng công bố báo cáo tài chính quý 3 và 9 tháng đầu năm. Điểm cộng là hầu hết ngân hàng đạt kết quả kinh doanh ấn tượng, các chỉ số doanh thu và lợi nhuận sau thuế tăng trưởng khá. Tuy nhiên, điểm trừ là đa số ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nhích tăng.

AZ1

 Nợ xấu nhiều ngân hàng có xu hướng tăng trong 9 tháng đầu 2018.

Theo công bố tài chính mới đây của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank, mã chứng khoán CTG), nợ xấu của nhà băng này 9 tháng đầu năm tăng 35% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn và nợ có khả năng mất vốn tăng 23% và 68%. Tính chung, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng lên mức 1,36% so với 1,14% hồi đầu năm.

Một “đại gia” khác của ngành ngân hàng Việt Nam là BIDV – Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (mã BID), nợ xấu cũng tăng 21% sau 9 tháng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng 22% và nợ có khả năng mất vốn tăng 47%. Gia tăng giá trị nợ xấu khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng của BIDV nhích lên mức 1,76% so với 1,62% hồi đầu năm.

Với tỷ lệ nợ xấu tới 6,41%, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công thương (Saigonbank, mã SGB) đang tạm chiếm ngôi đầu bảng nợ xấu.

Riêng ông lớn Vietcombank - Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (mã VCB), mặc dù nợ nghi ngờ giảm 44% nhưng nợ dưới chuẩn tăng 23% và nợ có khả năng mất vốn tăng vọt lên 136%, kéo theo tỷ lệ nợ xấu tăng lên 1,18%, tăng nhẹ so mức 1,14% hồi đầu năm.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý 3 và 9 tháng đầu năm của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank, mã chứng khoán MBB) vừa công bố cho thấy nợ xấu của ngân hàng tăng 45% so với hồi đầu năm, trong đó nợ nghi ngờ tăng 67%, nợ có khả năng mất vốn tăng 62%.

Cụ thể, dư nợ cho vay của MBBank tính đến 30/9 là 204,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11% so với 184,1 nghìn tỷ đồng hồi đầu năm. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn là hơn 781 tỷ đồng, tăng 6%. Nợ nghi ngờ là 1.118,3 tỷ đồng, tăng 67%. Nợ có khả năng mất vốn là 1.318 tỷ đồng, tăng 62%. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng lên mức 1,57% so với 1,2% hồi đầu năm.

Nợ xấu cũng đang là vấn đề với Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) khi tăng 33% so với hồi đầu năm, đạt 1.849,6 tỷ đồng. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn là 360,1 tỷ đồng, tăng 11%, nợ nghi ngờ là 224,9 tỷ đồng, giảm 18%, nợ có khả năng mất vốn là 1.264,5 tỷ đồng tăng 60%.

Ngân hàng TMCP Phương Đông (mã OCB), nợ xấu cũng bất ngờ tăng 65%. Trong đó, nợ dưới tiêu chuẩn tăng gấp 2,9 lần, nợ nghi ngờ gấp 3,2 lần so với đầu năm khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng nhảy vọt lên mức 2,66% (đầu năm là 1,79%).

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã TCB), tính tới 30/9, nợ xấu của ngân hàng tăng 33%. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng gấp đôi và nợ có khả năng mất vốn tăng 31%. Tính chung, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay khách hàng tăng lên mức 2,05% so với 1,61% hồi đầu năm.

Tuy nhiên, một số ngân hàng như Sacombank - Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) tỷ lệ nợ xấu giảm so với đầu năm.

Theo một báo cáo phát hành hồi đầu 2018 của Uỷ ban giám sát tài chính quốc gia (NFSC), chất lượng tài sản hệ thống tổ chức tín dụng đã được cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu của hệ thống tổ chức tín dụng cuối 2017 khoảng 9,5%, giảm mạnh so với mức 11,9% cuối 2016, chủ yếu do các khoản nợ xấu tiềm ẩn trong nợ cơ cấu lại, trái phiếu doanh nghiệp và các khoản phải thu bên ngoài khó thu hồi giảm.

Cũng theo đánh giá của tổ chức này, thì quá trình xử lý nợ xấu của các ngân hàng đã được đẩy nhanh hơn, đặc biệt trong những tháng cuối năm. Các tổ chức tín dụng hạn chế chuyển nợ sang VAMC, xử lý nợ xấu qua các hình thức như bán nợ, phát mại tài sản đảm bảo, sử dụng dự phòng rủi ro và các hình thức khác được đẩy mạnh hơn.

Tuy nhiên, thống kê số liệu từ báo cáo tài chính quý 3 và 9 tháng đầu năm của gần 20 ngân hàng đã công bố tài chính đang cho thấy nợ xấu có xu hướng tăng trở lại, dù vẫn trong tầm kiểm soát.

Chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định, Nghị quyết 42 của Quốc hội giúp giải quyết, xử lý nhanh nhất nợ xấu của ngành ngân hàng nhưng việc giải quyết nợ xấu vẫn còn nhiều vướng mắc.

“Thời gian vừa qua, việc quản lý rủi ro của ngân hàng đã được chấn chỉnh nhiều. Nhưng do nền kinh tế tăng trưởng chưa thật sự bền vững, khiến nhiều doanh nghiệp vay nợ song mất khả năng thanh toán, phá sản, ngưng hoạt động, dẫn tới nợ xấu phát sinh, trong khi nợ xấu cũ chưa được giải quyết triệt để”, TS Nguyễn Trí Hiếu.

Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, nợ xấu thời gian qua chủ yếu phát sinh trong 3 lĩnh vực là bất động sản, chứng khoán và cho vay dự án BOT.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn