'Bông hồng thép' Đại học Bách khoa Hà Nội và 20 năm say mê nghiên cứu hóa dầu

Diễn đànThứ Ba, 07/07/2020 07:17:00 +07:00
(VTC News) -

GS.TS Lê Minh Thắng không ngại những vất vả trong nghiên cứu khoa học, chị luôn nghĩ, không có giới hạn nào cho phụ nữ, miễn là có đủ sự yêu thích và đam mê.

GS.TS Lê Minh Thắng, giảng viên cao cấp, Viện kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội từng là nữ phó giáo sư trẻ nhất Việt Nam năm 2009 và được công nhận giáo sư năm 2019. Chị tốt nghiệp Á khoa và được Đại học Bách Khoa Hà Nội giữ lại làm giảng viên. Năm 2005, chị bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Ghent, Vương quốc Bỉ.

Gia đình và lựa chọn khoa học

Dù rất bận nhưng GS.TS Lê Minh Thắng cố gắng sắp xếp buổi gặp với phóng viên. Chị gây ấn tượng với dáng người nhỏ nhắn và nụ cười tươi trẻ hơn so với tuổi.

Chị khiến nhiều người tò mò về cái tên rất nam tính. GS Lê Minh Thắng cho biết cái tên đặc biệt của chị bắt nguồn từ lòng yêu nước và truyền thống cách mạng của gia đình. Được sinh ra sau chiến thắng lịch sử 30/4/1975 một tuần, gia đình nhất quyết đặt tên chị là Thắng mà không chọn cái tên khác để lưu giữ lại không khí hào hùng của những ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

'Bông hồng thép' Đại học Bách khoa Hà Nội và 20 năm say mê nghiên cứu hóa dầu - 1

GS.TS Lê Minh Thắng, giảng viên cao cấp, Viện kỹ thuật hóa học, Đại học Bách khoa Hà Nội.

GS Lê Minh Thắng được tiếp xúc gần với môi trường khoa học từ bé. Bố chị từng 2 lần được nhà nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba về thành tích sáng tạo trong công nghệ sản xuất giấy. Còn mẹ chị là nhà vật lý làm việc tại Viện Vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam.

Hồi nhỏ, GS Thắng sống cùng ông bà ngoại. Ông là giáo sư nông học, chuyên nghiên cứu về dâu tằm. Còn bà ngoại là giáo sư, bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Nền tảng gia đình giúp nữ sinh chuyên Hóa, khóa 1989-1992, trường THPT chuyên Amsterdam Hà Nội ngày ấy sớm có bén duyên nghiên cứu khoa học ứng dụng.

Với truyền thống của một gia đình làm khoa học, chị chọn trường Đại học Bách Khoa Hà Nội để bắt đầu con đường khoa học của mình. Năm 1997, Lê Minh Thắng tốt nghiệp ngành Hữu cơ – Hoá dầu với điểm tổng kết đứng đầu khoa và đứng thứ 2 trong số hơn 3.000 sinh viên tốt nghiệp năm ấy.

Sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Vương quốc Bỉ, chị quyết định trở về nước cống hiến và tiếp tục công việc giảng viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội. Về lựa chọn này, chị cho biết, bản thân rất thích môi trường đại học, được làm việc với sinh viên, cũng là cách để chị “kéo dài” thời sinh viên tươi đẹp của mình.

“Tiếp xúc với sinh viên, tôi luôn cảm thấy mình trẻ trung, hăng say và đam mê cuộc sống. Môi trường giảng dạy và nghiên cứu cũng ít va đập, hợp với kiểu sống của con người mình. Nhiều năm trong nghề, tôi chưa khi nào cảm thấy cuộc sống của mình nhàm chán” – chị tâm sự.

Hành trình khoa học gắn với đào tạo

GS.TS Lê Minh Thắng nhận thấy, công nghiệp hóa dầu là một trong những ngành công nghiệp lớn, là nền tảng để sản xuất các vật liệu thiết yếu trong cuộc sống hiện đại. Ở Việt Nam, công nghiệp hóa dầu còn non trẻ so với nhiều nước trên thế giới nên còn nhiều tiềm năng, cần được nghiên cứu và phát triển bền vững. Được phân công giảng dạy về khí tự nhiên, khí đồng hành, chị định hướng các nghiên cứu của mình về chuyển hóa các nguyên liệu và sản phẩm từ khí tự nhiên, khí đồng hành.

Đồng thời, chị cũng quan tâm nhiều tới việc xử lý khí thải của các quá trình đốt cháy nhiên liệu. Hướng nghiên cứu này đã trở thành một công trình nghiên cứu quan trọng và có tính ứng dụng rộng rãi nhất của chị với 2 bằng sáng chế và 1 giải pháp hữu ích.

'Bông hồng thép' Đại học Bách khoa Hà Nội và 20 năm say mê nghiên cứu hóa dầu - 2

GS.TS Lê Minh Thắng hướng dẫn nghiên cứu sinh thực hành thí nghiệm.

Vị GS này nhớ lại: “Bắt đầu từ năm 1997- khi đang làm luận văn thạc sỹ, tôi đã nghiên cứu về xúc tác xử lí khí thải. Trước đây tôi tập trung vào xử lý khí thải của xe máy, còn hiện tại mở rộng nghiên cứu xử lý khí thải các nhà máy công nghiệp sử dụng quá trình đốt cháy nhiên liệu nhằm xử lý các khí thải độc hại như Cacbon Oxit (CO), Hidro Cacbon, VOC, NOx…”.

Từ trước tới nay có rất nhiều nhà khoa học tham gia nghiên cứu về vấn đề này, tuy nhiên công trình của GS Lê Minh Thắng có khả năng ứng dụng thực tiễn cao. Bộ xúc tác xử lý khí thải do nhóm nghiên cứu của chị chế tạo đã được lắp ráp thử nghiệm thành công trên các dòng xe máy cao cấp.

Chị cũng đang thương mại hóa sản phẩm tới một số nhà máy trong công nghiệp có sử dụng các quá trình đốt cháy nhiên liệu, xúc tác lắp đặt có hiệu quả cao, thời gian làm việc lâu bền.

“Thực tế nhiều đơn vị sản xuất nhỏ của Việt Nam chưa có tiềm lực kinh tế lớn, nên tôi không sử dụng các kim loại quý đắt tiền như các xúc tác công nghiệp truyền thống mà thay thế bằng các kim loại chuyển tiếp có giá thành hợp lý nhằm giảm giá thành các bộ xúc tác, nhưng vẫn giữ được hiệu quả xử lý khí thải cao, giúp cho các đơn vị sản xuất có nguồn khí thải rất ô nhiễm này có thể dễ dàng đầu tư lắp đặt các bộ xúc tác để giảm lượng khí thải độc hại ra môi trường”, chị nói.

Theo GS.TS Lê Minh Thắng, để làm nhà nghiên cứu khoa học thành công thì đầu tiên phải có sự say mê. Nếu mình không say mê thì sẽ không có động lực làm việc. Tiếp đó là sự kiên trì không ngại khó khăn vất vả, vì bản chất của nghiên cứu khoa học là một quá trình dài, gian nan chứ không hề nhàn hạ.

Nhà khoa học phải luôn trung thực và tìm tòi cái mới, đây là yêu cầu tiên quyết trong nghiên cứu khoa học. Đó cũng là những kinh nghiệm mà chị đã luôn truyền dậy cho sinh viên của mình khi tham gia nghiên cứu.

Đam mê là vậy nhưng GS Lê Minh Thắng cũng gặp không ít khó khăn trong nghiên cứu khoa học, như kinh phí, thủ tục hành chính, điều kiện, môi trường làm việc, thiết bị nghiên cứu ở Việt Nam vẫn còn ở mức độ hạn chế...

'Bông hồng thép' Đại học Bách khoa Hà Nội và 20 năm say mê nghiên cứu hóa dầu - 3

GS.TS Lê Minh Thắng hướng dẫn học viên.

Phụ nữ với nghiên cứu khoa học

Tuy là nhà khoa học nữ, nhưng GS Lê Minh Thắng không ngại những vất vả. Chị luôn nghĩ “không có giới hạn nào cho phụ nữ". Phụ nữ có thể tham gia vào bất kì lĩnh vực nào miễn là có đủ sự yêu thích, đam mê.

Chị phản đối tư duy phụ nữ chỉ làm được một số công việc nhất định và bị hạn chế bởi việc chăm sóc gia đình. Chị quan niệm phụ nữ đầu tiên phải thực hiện tốt thiên chức làm mẹ, nhưng không được bỏ qua cơ hội phát triển nghề nghiệp và năng lực chuyên môn của mình. Trong nghiên cứu khoa học và cả những lĩnh vực khác, không có sự khác biệt nào về năng lực của phụ nữ so với nam giới.

“Để  thành công phụ nữ phải suy nghĩ thoáng, dám nắm bắt lấy cơ hội, dám thay đổi bản thân, đừng mặc định cứ phụ nữ là chân yếu tay mềm, chỉ nên tập trung lo cho gia đình”, GS Lê Minh Thắng nhấn mạnh và cho rằng trong xã hội ngày nay có rất nhiều gương mặt nữ làm khoa học thành công.

Nếu các bạn nữ có đam mê nghiên cứu khoa học không ngại vất vả, hãy cứ tiếp tục phát huy niềm đam mê và nỗ lực thì chắc chắn là sẽ làm được như các nhà nghiên cứu khoa học là nam. Không phải là phụ nữ thì sẽ gặp trở ngại trong những công việc nghiên cứu vất vả.

Để thành công, theo chị Thắng, các nhà khoa học nữ cần biết cách tối ưu hóa công việc, tiết kiệm thời gian mà vẫn đạt hiệu suất cao nhất để có thể làm tốt cả công tác chuyên môn lẫn việc gia đình.

“Thiên chức của phụ nữ là làm vợ, làm mẹ, nếu không làm tốt thiên chức đó thì không thể làm tốt công việc của mình. Cuộc sống không hạnh phúc sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công việc”, chị nói.

'Bông hồng thép' Đại học Bách khoa Hà Nội và 20 năm say mê nghiên cứu hóa dầu - 4

GS.TS Lê Mnh Thắng say mê với công việc của mình.

Với GS Lê Minh Thắng, chị luôn nhận được sự động viên lớn từ gia đình. Chị may mắn khi chồng và các con đều ủng hộ đam mê nghiên cứu, không cản trở chị dành thời gian cho công việc.

Hiện GS Lê Minh Thắng có 2 con học lớp 10 và lớp 4. Do công việc nghiên cứu thường xuyên bận đi công tác không nhiều thời gian để kèm cặp con hàng ngày ở nhà, nên chị luôn dạy con phải tự học, tự tìm hiểu. Chị luôn chia sẻ cùng các con về công việc của mình, đó cũng là một cách cách truyền cảm hứng và định hướng cho con yêu thích khoa học.

Hà Cường
Bình luận
vtcnews.vn