Bông hồng 'thép' của ngành phẫu thuật thần kinh

Tin tứcThứ Bảy, 25/02/2023 06:39:05 +07:00
(VTC News) -

Nhiều bệnh nhân ở khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy đã quen với bác sĩ nữ duy nhất trong các ca phẫu thuật sọ não, họ gọi chị là “bông hồng thép”.

Vừa hội chẩn xong với các đồng nghiệp trong khoa Ngoại Thần kinh, bác sĩ chuyên khoa 2 (bác sĩ CKII) Trần Thị Mai Linh (39 tuổi) lại tất bật leo thang bộ lên khoa Tai Mũi Họng để hội chẩn liên chuyên khoa về một trường hợp viêm xương, hoại tử xương vùng sọ, hàm, mặt phức tạp.

Bản lĩnh tinh thần “thép”

Bác sĩ Mai Linh tỉ mỉ xem các hình ảnh rồi cùng lãnh đạo khoa thống nhất phương án cho ca phẫu thuật.

Bông hồng 'thép' của ngành phẫu thuật thần kinh - 1

BS CKII Trần Thị Mai Linh sinh năm 1984, tốt nghiệp bác sĩ nội trú chuyên ngành ngoại thần kinh. Ngược lại với dáng người nhỏ nhắn là sức chịu đựng và niềm đam mê với nghề (Ảnh Bệnh viện cung cấp)

Từ khi là còn sinh viên thực tập, bác sĩ Mai Linh đã yêu thích lĩnh vực phẫu thuật thần kinh, sau đó lựa chọn chuyên ngành phẫu thuật não. Với Mai Linh, bộ não có sức “hấp dẫn” với nhiều bí ẩn.

Cho đến nay, khoa học tuy đã phát triển rất nhiều nhưng có những điều về não bộ không thể lý giải hết được hoàn toàn về mặt khoa học mà vẫn phải tiếp tục nghiên cứu. Ngoài nâng cao chuyên môn, bác sĩ phẫu thuật sọ não phải tôi luyện bản thân nghiêm ngặt để có được sự tỉ mỉ, tinh tế. Điều này giúp tránh được nguy cơ tai biến nhiễm trùng hoặc làm mất đi một vùng trí nhớ, mất đi khả năng nói, vận động, đẩy người bệnh trở thành người sống thực vật, thậm chí là tử vong.

Bước vào mỗi ca phẫu thuật, tùy theo từng bệnh nhân, bác sĩ Mai Linh có cách tiếp cận khác nhau, tìm hiểu tiền sử gia đình, những đặc điểm nghề nghiệp, thói quen cuộc sống… Sự quan tâm đó giúp việc điều trị trở nên tốt hơn.

Nữ bác sĩ chia sẻ: “Ở đây các bác sĩ phẫu thuật đa số đi làm sớm nhưng về rất muộn, có thể không thấy ánh mặt trời là thế. Vì nhiều khi mổ xong phải theo dõi diễn tiến bệnh nhân rồi mới yên tâm đi về. Ở đây mổ không tính theo giờ mà tính theo những ca bệnh phẫu thuật, thấy bệnh nhân ổn định bác sĩ mới chịu đi về".

Bông hồng 'thép' của ngành phẫu thuật thần kinh - 2

BS Mai Linh trình bày với lãnh đạo Khoa Ngoại Thần kinh phương án điều trị ca bệnh (Ảnh Kim Dung)

Tại Bệnh viện Chợ Rẫy, trung bình mỗi tuần có từ 20-30 ca phẫu thuật u não, khoảng hơn 30 ca phẫu thuật cột sống. Bên cạnh đó, còn có nhiều ca mổ do chấn thương và bệnh lý, công việc thường xuyên quá tải.

Theo PGS.TS.BS  Huỳnh Lê Phương, Trưởng khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện Chợ Rẫy, đối với những ca khó, một cuộc mổ có thể kéo dài 7-8 tiếng, những ca đơn giản cũng mất từ 3-4 tiếng. Với nữ bác sĩ, sức chịu đựng sự căng thẳng kéo dài thông thường khó khăn hơn nam giới, nhưng bác sĩ Mai Linh đã vượt qua được sự thông thường đó, bởi tính chịu khó, kiên trì theo đuổi đam mê.

Trưởng khoa Ngoại Thần kinh Huỳnh Lê Phương nói: “Sau khi bác sĩ Mai Linh tốt nghiệp nội trú và về khoa ngoại thần kinh bệnh viện chợ rẫy, bác sĩ Mai Linh rất phấn đấu, ngoài những công tác điều trị thường ngày bác sĩ Mai Linh cũng có tham gia những nghiên cứu khoa học trong khoa. Tôi đánh giá bác sĩ Mai Linh rất có tiềm năng và là một trong những bác sĩ sẽ phát triển tốt sau này. Những ca bệnh bác sĩ Mai Linh mổ hầu hết đều đã thành công tốt".

Trái tim ấm nóng hướng về bệnh nhân

Bác sĩ Mai Linh tự nhận, nhìn bên ngoài hình thái, diện mạo bản thân có biểu hiện “không cảm xúc” khi tập trung cao cho việc phẫu thuật sọ não. Thế nhưng, với các bệnh nhân, thân nhân người bệnh thì bác sĩ Mai Linh như một vị ân nhân.

Chị Nguyễn Thị Tâm, ngụ Kiên Giang chia sẻ, đã 2 năm kể từ ngày bác sĩ Mai Linh trực tiếp phẫu thuật u não cho chồng chị, đến nay gia đình vẫn biết ơn vô cùng.

Từ một khối u ác tính giai đoạn 3, giờ đây chồng chị chỉ còn phải tái khám 6 tháng/lần. Mỗi lần tái khám, vợ chồng chị cứ mong được gặp bác sĩ Mai Linh để kể niềm vui khỏe mạnh của anh.

Chị Tâm cũng cho biết, bác sĩ Mai Linh là người truyền cảm hứng, năng lượng, sự lạc quan để chồng chị vượt qua bạo bệnh: “Cô Mai Linh là một bác sĩ vừa có tâm vừa có tầm. Thực sự nhà tôi tiền bạc không có, nhưng cô điều trị cho hết sức nhiệt tình. Thời điểm dịch bệnh, lúc giãn cách không có xe đi, tôi gọi điện 24/24 cô đều bắt máy rồi hướng dẫn sơ cứu tại nhà".

Mặc dù tinh thần “thép” trên bàn mổ, song, khi có những ca mổ không thành công như mong đợi, thậm chí nhiều trường hợp bệnh nhân không tỉnh lại, bác sĩ Mai Linh rơi nước mắt khi nhìn cảnh bệnh nhân ra đi.

Dù biết rằng sự ra đi đó có thể là do tai biến y khoa, hay do các nhóm bệnh đột xuất, bệnh nhân bất ngờ trở nặng: “Có những điều để lại những dấu ấn trong lòng tôi rất sâu sắc, có thể là một hoàn cảnh khó khăn, trường hợp quá cơ nhỡ. Hoặc là có đôi khi có những ca không được hoàn hảo như mình mong muốn, thì bản thân tôi cũng buồn và hết sức tâm tư. Đó là một quá trình tích lũy, mỗi ngày phải cố gắng hơn, thực sự chỉ cố gắng điều trị hết bệnh cho bệnh nhân”.

Bác sĩ CKII Trần Thị Mai Linh là một trong những bác sĩ nữ hiếm hoi trong ngành phẫu thuật thần kinh. Gần 14 năm công tác, trải qua nhiều căng thẳng với tình huống ca bệnh, có thể bệnh nhân đang vào hôn mê, song sự can thiệp phẫu thuật tốt và kịp thời, bệnh nhân hồi phục nhanh là động lực to lớn để bác sĩ Mai Linh tiếp tục theo đuổi đam mê nghề nghiệp.

Kim Dung(VOV-TP.HCM)
Bình luận
vtcnews.vn