“BÔNG HOA RỪNG MIỀN ĐÔNG NAM BỘ”

Tổng hợpThứ Tư, 04/08/2010 08:00:00 +07:00

Chuyện kể rằng, có khối chàng cựu sinh viên Văn khoa từng mơ ước, rằng được hôn cô gái trong ảnh một lần thì có chết cũng cam lòng….

Chuyện kể rằng, rất nhiều anh lính trẻ Hà Nội đã hăm hở vào chiến trường với  tấm hình người thiếu nữ có gương mặt trăng rằm nâng niu cất trong túi áo ngực. Chuyện cũng kể rằng, có khối chàng cựu sinh viên Văn khoa từng mơ ước, rằng được hôn cô gái trong ảnh một lần thì có chết cũng cam lòng….

 

Người đời từng biết đến nữ nghệ sĩ Kim Chi, như một vẻ đẹp hút hồn đầy ấn tượng  trong cả rừng nhan sắc của lớp diễn viên điện ảnh khóa 1 ngày ấy. Bên cạnh những ngôi sao màn bạc nổi tiếng cùng khóa như Trà Giang, Phi Nga, Tuệ Minh, như Đức Hoàn, Minh Đức, Ngọc Lan…..

Người đời cũng biết đến bà, qua câu chuyện tình đầy xúc động với nhà quay phim, đạo diễn, NSND Hồng Sến. Họ nên duyên vợ chồng, rồi cùng sánh bước bên nhau vượt đại ngàn Trường Sơn xanh thẳm về với miền Nam chỉ bằng một câu nói giản dị, “chúng mình cưới nhau, và em sẽ đi B cùng anh”. 

Và cũng không thể không nhắc tới hai báu vật “đơm hoa” từ tình yêu đẹp đẽ ấy.   Con gái – nữ diễn viên điện ảnh từng một thời tỏa sáng Mai Phương. Và con trai - đạo diễn trẻ Hồng Chi, gương mặt đầy triển vọng của TFS.

Nhưng sẽ khuyết đi một mảng rất quan trọng, khi không nhắc tới một Kim Chi – nữ nghệ sĩ đầu tiên vượt Trường Sơn đi B. Một Kim Chi – nữ diễn viên trụ cột của Đoàn văn công giải phóng. Với bí danh Hồng Anh. Với những mỹ từ mà khán giả trên R trìu mến phong tặng,  như “người đẹp rừng xanh”, như “cánh hoa rừng miền Đông Nam Bộ”. Và một Kim Chi đã từng vào sinh ra tử, từng dâng hiến tròn mười năm đẹp nhất của đời mình cho ngày thắng lợi cuối cùng của cả dân tộc.

Đã im tiếng súng, ba mươi lăm năm tròn. Cô văn công trẻ trung, xinh đẹp trào nước mắt đón niềm vui thống nhất hôm nào giờ đã xấp xỉ thất tuần. Nhưng thả lòng theo những lớp lớp ký ức đang dào dạt xô về, nước mắt bà vẫn chảy, giọng bà vẫn khi nghẹn lại, lúc chùng xuống. Đủ biết những nỗi ám ảnh, những dấu lặng buồn của cuộc kháng chiến thần thánh vẫn chưa hề ngủ yên trong tim người phụ nữ rất đỗi nhạy cảm ấy ….. 

 

“Chiến trường B xa quá”

“Cho đến tận bây giờ, rất nhiều bạn bè vẫn buông một chữ khùng, khi nhớ lại quyết định tình nguyện đi B của tôi năm đó. Ngày đó, trong con mắt họ, tôi được Trời cho cả chút nhan sắc lẫn tài năng. Ngày đó, ở lại Xưởng phim, ở lại miền Bắc XHCN, tôi có đủ điều kiện thuận lợi để bước lên đỉnh vinh quang của một diễn viên nổi tiếng. Chọn mảnh đất miền Đông Nam Bộ, nghĩa là chấp nhận hi sinh,  gian khổ. Chấp nhận lằn ranh sinh tử vô cùng mỏng manh. Nghe vậy, tôi chỉ cười. Bởi quyết định ấy đến với tôi nhẹ nhàng lắm. Sống với niềm tự hào về một người cha đã hi sinh cả cuộc đời vì lý tưởng, lại được hưởng trọn vẹn tình yêu thương dạt dào những đứa con miền Nam của đồng bào miền Bắc, chuyện tôi trở thành nữ nghệ sĩ đầu tiên vượt đại ngàn Trường Sơn cũng đâu có gì ghê gớm”.

“Nhưng với những người khác thì không đơn giản. Nhìn tấm hình tôi nhoẻn cười bên đóa lay ơn tím ngát, đồng chí Tố Hữu thở dài, trời ơi, nhìn cái mặt nó tiểu thư như thế, chịu sao thấu chặng đường dằng dặc vô Nam? Ngày tôi khoác ba lô cùng chồng tập trung, cả đoàn nghệ sĩ điện ảnh – dĩ nhiên là toàn nam giới – nhất loạt dành cho tôi cái nhìn nghi ngờ và không kém phần khó chịu. Rồi lại trở thành một gánh nặng suốt dọc hành trình cho mà xem”.

“Thương tôi phận gái liễu yếu đào tơ, cấp trên cho tôi một tấm giấy đi đường in chữ C rất đậm (tương đương với cán bộ cỡ trung ương), đồng nghĩa với việc được miễn mang vác. Nhưng bằng quyết tâm của mình, tôi đã kiên quyết xóa đi những ngờ vực ban đầu. Đoàn có anh Hồng Sến bị thấp khớp nặng, lại thêm một anh khác mắc dạ dày. Tôi đề nghị chia đều phần lương thực, trừ tiêu chuẩn của hai anh và khuân đủ không thiếu một ký lô, không một lời kêu ca phàn nàn”.

“Ngồi xe ô tô vào Quảng Bình, tới thượng nguồn sông Bến Hải, chúng tôi bắt đầu chặng hành trình gian nan kéo dài tới ba bốn tháng trời. Không chỉ xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, lộ trình có những đoạn lấn sang hẳn đất Lào, có nhiều khi đi men theo đường biên giới sát Miên. Cảnh trèo những con dốc dựng đứng mà chúng tôi vẫn đùa người sau đội mông người trước  không hiếm. Cảnh đổ dốc phải quay ngược người lại, tay đu dây rừng như làm xiếc cũng thường xuyên. Có quả núi nhìn thâm thấp mà trèo từ tờ mờ sáng đến khi tối mịt mới sang tới phía bên kia. Ngày chúng tôi đi, mối hiểm họa luôn phải đối mặt từng ngày chỉ là những toán biệt kích. Rừng già chưa trở thành tâm điểm bom đạn cày xới nát bươm như sau này”.

“Nhưng con gái vẫn chỉ là con gái. Cứng cỏi, gồng mình cho kịp bước mấy ông, tôi không ngại. Biệt kích ư, tôi cũng chẳng ngán. Nỗi sợ lớn nhất với tôi là những con đỉa đói giấu mình trong mọi vũng nước, sông suối. Và hàng đàn vắt rừng cứ ngóc đầu cả loạt chờ đợi dọc theo lối đi, khi đã ngửi thấy hơi người. Chuyện đi vệ sinh dọc đường, các ông tiện đâu cũng đứng được. Tôi phụ nữ, đành kín đáo chui vào bụi rậm, dù vắt lá bám đầy cây cỏ. Chặng dừng chân, ngồi lại ăn cơm, tôi kinh hoàng thấy máu chảy ròng ròng từ trên đầu xuống mặt. Vuốt tay lên đầu mới rùng mình, vài chục con vắt no máu mọng đỏ thi nhau rớt xuống. Số tôi xem ra xui xẻo, vắt đỉa đã trở thành nỗi ám ảnh đeo bám không rời mà bé thì bì bõm trong hầm trú ẩn trên chiến trường Đông Nam Bộ, vào rừng già Trường Sơn thì lội suối trèo đèo, chưa kể chục năm bì bõm nơi vùng bưng biền Đồng Tháp hay chằng chịt kênh rạch nơi chiến khu R. Không hiếm lần nỗi sợ hãi những con vật đen sì luôn ngoe nguẩy ấy đã khiến tôi nhảy bổ ra khỏi nơi trú ẩn. Bởi thà giơ đầu hứng bom rơi đạn nổ bên ngoài còn hơn phó mặc nửa thân người phía dưới cho lũ đỉa trong hầm thỏa sức liên hoan”.

“Ba tháng trời vất vả/ Vẫn đang đi trên đường/ Vẫn rừng núi điệp trùng/ Chiến trường B xa quá. Bài thơ “con cóc” tôi làm tháng 7 năm 1964 có một đoạn như thế. Cộng thêm bốn tuần phải ở lại Mã Đà thuộc khu VI để chăm sóc chồng bệnh, tôi đã mất đúng bốn tháng trời ròng rã để vượt qua nửa chữ S thân thương. Trường Sơn đã lùi lại sau lưng. Những bà con Tây Nguyên từng dành tình cảm đặc biệt cho con Keo, cách họ gọi cô con gái người Kinh lần đầu trông thấy, cũng đã ở rất xa. Chúng tôi đã đặt chân lên cứ. Bốn tháng trời, từ một cô gái 58 kg ngày lên đường, tôi mất 11 kg, thành ra phom người lại trở nên thon thả với 47 cân trọng lượng. Nghỉ dưỡng ít ngày ở Tuyên huấn R, đợi Đoàn văn công Giải phóng, với quân số sáu bảy chục người từ chiến trường trở về, tôi đã chính thức là thành viên mới”.

 

 

“Tiếng hát chúng tôi là niềm tin tất thắng”

“Ngày tình nguyện vô Nam, anh Hồng Sến từng hỏi, em vào trong đó biết làm gì, đánh nhau ác liệt vậy, phim đâu mà đóng? Tôi đã cứng cỏi, em biết hát, biết múa, biết diễn kịch, em sẽ làm văn công. Giờ thì tôi đã thỏa nguyện. Với bí danh Hồng Anh (Hồng là chứ lót của Hồng Sến, Anh là tên người anh trai Duy Anh), tôi trở thành một diễn viên đa di năng, vừa làm MC, vừa hát múa, đóng kịch”.

“Ngày đó, tôi luôn hăng hái xung phong vào tổ xung kích, luôn thích đi công tác. Tổ chỉ được phép có số lượng dưới hai chục người, mỗi lần lên đường, không dám nói ra nhưng mấy anh phụ trách tiểu ban văn nghệ chỉ dám hi vọng phân nửa trong số đó trở về là may mắn lớn lắm rồi. Chỉ những đợt lưu diễn quanh quanh căn cứ, đoàn mới xuất quân được trọn vẹn”.

“Tôi biết chiến trường luôn cần diễn viên có khả năng. Tôi biết bộ đội, du kích và đông đảo đồng bào luôn rất cần văn công. Bởi tiếng hát chúng tôi mang lại niềm tin, rằng cuộc đấu tranh dù dài lâu chắc chắn sẽ đến ngày thắng lợi.  Địa bàn chúng tôi hoạt động rất rộng. Quanh căn cứ. Dưới hệ thống chằng chịt hầm ngầm địa đạo Củ Chi. Trong những căn hầm, giúp làm dịu nỗi đau thể xác của các thương binh. Thậm chí là ngay giữa các ấp chiến lược, trong quãng thời gian hiếm hoi ba ngày Tết thực thi lệnh ngừng bắn. Quanh quanh dọc ngang miền Đông Nam Bộ, nơi nào dấu chân chúng tôi cũng đã phải trở đi trở lại khá nhiều lần”.

“Tôi luôn giữ thói quen viết nhật ký, làm thơ suốt những ngày còn ở chiến trường. Bởi vậy, tôi đã khóc, khi gặp lại hình ảnh chính mình ngày ấy, qua cô bác sĩ đêm qua tôi mơ thấy hòa bình trong những dòng nhật ký Đặng Thùy Trâm. Chỉ tiếc là nhiều lần bom thả trúng căn cứ, tư trang cháy rụi hết. Rồi di chuyển liên tục, có năm phải thay đổi địa điểm căn cứ tới hơn chục lần nên những trang viết thô vụng nhưng ngập tràn cảm xúc ấy đa phần không còn.

“Nhớ có lần chúng tôi đang diễn/ Du kích báo tin giặc đổ trực thăng/ Lệnh trưởng đoàn phải lập tức rút quân/ Cuộc biểu diễn thế là bỏ dở/ Xuống địa đạo để bảo toàn đội ngũ/ Chỉ có gạo rang nước lã cầm hơi/ Ấy vậy mà khi giặc mới rút lui/ Chúng tôi bước lên lại cười, lại hát/ Bình thản diễn như chưa hề có giặc/ Bà con say sưa yêu quý văn công. Ký ức những ngày  lại cười lại hát ấy từng đi vào thơ tôi, trong Nỗi nhớ chiến trường xưa, vào cái ngày 30/4 của chín năm về trước”.

 

“Chúng ta may mắn nên còn được sống”

“Thật khó có đủ ngôn từ để diễn đạt cái dữ dội, ác liệt và cả sự hi sinh bi hùng tại chiến trường miền Đông ngày đó. Đoàn văn công của chúng tôi cũng vậy. Thế mà bom đạn như né tránh dáng hình mảnh mai thiếu nữ của tôi. B52, pháo bầy dội xuống. Đồng đội, dân thường chết như ngả rạ quanh mình. Vậy mà ngoài cái biệt danh ma sốt rét, tôi bước ra khỏi cuộc chiến, sau bao lần suýt chết, lành lặn không một vết thương. Gọi là may mắn nên còn được sống thì chính xác hơn, bởi sự may rủi trong chiến tranh, nhiều khi chẳng thể cắt nghĩa”.

“Lần về Đồng Tháp Mười với anh Hồng Sến và cậu con trai nhạc sĩ Hoàng Việt, chúng tôi bị vây gọn giữa một đám vừa trực thăng, xe lội nước lẫn tàu chiến, lính bộ binh. Cả đêm hôm đó, nhóm phải chém vè (ngâm cả người dưới nước, bèo sen, lục bình phủ kín đầu) giữa mênh mông Đồng Tháp. Biết sáng hôm sau chắc chắn sẽ dính trận càn, chúng tôi mò mẫm bò trong đêm, qua một con kênh tới bãi lau dài vài trăm mét. Cả ba kéo bật rễ lau lên, người chìm phía dưới. Lạnh run cầm cập tới sáng, nghe ho hắng khắp nơi mới biết có rất đông người cũng đang chém vè giống mình. Rồi mấy bóng người lao ra, tay vẫy áo trắng. Có người ra hàng, nghĩa là chỉ ít phút nữa đạn pháo sẽ không tha, chúng tôi liều chết lần ra kênh, đám lục bình đội đầu, lóp ngóp tới tối mịt mới về đến nơi. Không một vết trầy xước, nhưng nỗi đau trong tim như giằng xé vì chỉ sau nửa tiếng rời bãi lau, địch dội rốc két vào đúng nơi chúng tôi vừa ẩn nấp. Và cả ba đều biết, đồng bào hi sinh rất nhiều”.

“Chú Ngọc Cung, người tôi rất yêu mến nhắn tôi sáng đó tới cùng nghe chú đọc một kịch bản mới cho cả tổ sáng tác. 7h, lùa vội bát cơm chan nước muối,  tôi đang định đi thì địch rải bom B52. Chỉ nghe tiếng ụt ụt rất lạ, những tiếng nổ tức ngực kéo dài hơn hai chục phút. Bò lên khỏi hầm, tôi bàng hoàng nghe tin cả bốn chú đều đã hi sinh. Ác nỗi, ngày đó chúng tôi đều đào hầm bán ngầm. Sâu xuống cỡ 2m rồi đào ngách xuyên vào trong lòng đất. Nghe máy bay tới, các chú đã kịp vào hầm nhưng trái bom đìa khoét thành một cái hố sâu đã khiến họ chết ngạt. Lúc đưa ra, trông các chú như đang ngủ. Ba lô, quân tư trang vắt hết lên tận ngọn cây. Cũng một trái bom kiểu đó đã giết chết soạn giả cải lương nổi tiếng Trần Hữu Trang. Chú bị bom phạt đứt cả đầu,  đồng đội thu nhặt mãi mà vẫn không đủ những phần thân thể để khâm liệm”.

“Rồi những ngày đi diễn phải di chuyển liên tục, điều lũ chúng tôi thèm thuồng duy nhất là được ngủ một giấc thật sâu, thật dài. Vậy mà vừa chui vào hầm, lui cui mắc võng xong thì có mấy anh bộ đội quầy quậy đuổi ra, bắt phải chuyển chỗ lên phía trên, cách đó cớ chục phút đi bộ vì ở đây cực kỳ nguy hiểm. Mắt nhắm mắt mở cuốn võng bò ra, giận họ lắm nhưng kỷ luật thời chiến không cho phép chúng tôi trái lời. Vậy mà chỉ đúng lúc vừa dọn ổ mới xong, chúng tôi bàng hoàng nghe tin, chiếc hầm ấy vừa trúng bom, và những người lính vừa khiến chúng tôi bực bội vô cùng ấy đã hi sinh hết”.

“Bạn bè tôi, những Ngọc Dung mắt tròn trong đội kịch/ Tuyết Vân vĩ cầm hay cười khúc khích/ Hoàng Điệp múa duyên nhưng rất hay hờn… đã nằm lại nơi đó, không bao giờ còn được trở về. Mất mát nào cũng đau đớn, nhưng sự hi sinh của Hoàng Điệp để lại trong tôi nỗi ám ảnh khôn nguôi. Nhóm tôi chia thành hai mũi vào ấp chiến lược phục vụ đồng bào dịp Tết nguyên đán. Xong nhiệm vụ, mũi tôi rút ra trước. Tổ của Điệp ngủ lại, định sáng sớm hôm sau sẽ ra theo. Chắc họ ngủ quên, cả nhóm bị địch bắt. Cô thiếu nữ xinh đẹp, múa duyên và kém tôi tới mấy tuổi ấy đã bị chúng bắn chết, lột quần áo rồi man rợ xẻo bộ ngực thanh tân xào nấu làm món nhắm rượu. Hòa bình rồi, chúng tôi vẫn giữ một thói quen tập họp nhau lại trong ngày giỗ hàng năm của em, như một dịp lắng lòng nhớ về những đồng đội vĩnh viễn không bao giờ còn được trở về”.

“Với những dáng hình mảnh mai con gái, chiến tranh quả thật quá tàn khốc. Tôi nhớ khoảng thời gian sau cuộc tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, địch tấn công lên R càng dữ. Ngày trước, bộ đội ta thường rất thích ở bên cạnh văn công vì được xem biểu diễn suốt ngày. Bởi chúng tôi ở đâu là ở đó có tiếng đàn, câu hát. Nhưng vào thời điểm đó, máy thu tiếng địch thả xuống phát huy tác dụng, văn công bị đánh trúng rát rạt nên họ phải tách ra rất xa”.

“Văn công đi diễn khắp nơi, chẳng cơ quan mật nào trên R chúng tôi không biết. Vì thế, cứ mỗi lần có người không chịu nổi áp lực ra đầu thú, cứ sẽ ngay lập tức bị ném bom. Có đồng đội nào chiêu hồi, bọn tôi lại phải hì hục chuyển nơi đóng quân, lại đào hầm trú ẩn. Có năm tới hơn chục lần, thật vô cùng vất vả. Hòa bình rồi, thảng hoặc tôi vẫn tình cờ gặp lại những người đồng đội từng có phút yếu lòng ấy. Phải nói tránh đi, chuyện quá khứ xếp lại một bên. Tôi không giận, mà thấy thương họ nhiều hơn. Phụ nữ, đâu phải sinh ra để ném vào nơi chiến tranh khốc liệt nhường ấy”.

 

 

“Người đẹp rừng xanh” và những câu chuyện đẹp như huyền thoại

“Là con ma sốt rét, những cơn sốt rét từ trong xương rét ra đã song hành cùng tôi suốt những năm tháng chiến trường. Chỉ lạ cho sức thanh xuân thần diệu, lũ chúng tôi vẫn da trắng, tóc dài, vẫn cười , vẫn hát. Cắt cơn sốt ít hôm là nhan sắc lại phục hồi ngay”.

“Ngày còn ở Thủ đô, tôi được các đạo diễn chụp tặng mấy tấm hình. Rồi vòng vo thế nào, người ta in ảnh tôi lên lịch, in những tấm be bé bán mấy đồng ở Bờ Hồ. Nằm trên võng rên hừ hừ vì sốt rét, tôi tình cờ được một anh bộ đội trẻ măng chìa khoe tấm hình. Anh bảo lớp sinh viên Văn khoa tụi anh đi B lần này, mấy chàng ao ước được hôn cô gái ấy một lần rồi chết cũng cam lòng. Anh bảo, đó là người yêu trong mộng của tôi đấy. Anh không nhận ra tôi, hay đấy là một lời tỏ tình dễ thương mà tôi không biết? Từ lúc đó, tôi mới biết những tấm hình chụp chơi của mình được nhân bản nhiều đến vậy”.

“Rồi ông bạn Võ Bác Ái của tôi kể chuyện, rằng lần xuống Cà Mau gặp một ngụy quân ngày trước, người đàn ông ấy đã chìa ra tấm hình Kim Chi, hỏi chẳng biết cô ấy là ai, giờ còn hay mất? Tìm hiểu xuất xứ, mới biết người lính đã nhặt được bức ảnh bé xíu ấy, từ xác một anh bộ đội sau một trận giao tranh. Thực hư những câu chuyện đó ra sao, bao nhiêu phần trăm sự thật, tôi không dám chắc. Nhưng một điều tôi biết chắc, và vô cùng trân trọng, rằng mình đã được rất nhiều người dân, người lính yêu thương”.

“Cũng có bạn bè hỏi tôi cắc cớ. Rằng người đẹp rừng xanh như mày, chắc là sát thủ trái tim của khối đàn ông? Nói khách quan thì ngày mới vào chiến trường, tôi còn xưng em với các đồng đội nam giới. Sau chiến tranh ngày càng gia tăng mức độ ác liệt, các tân binh trẻ măng Nam tiến ngày càng đông, họ đều gọi tôi bằng chị. Thầm thương trộm nhớ chắc cũng có đôi người, nhưng họ luôn giữ thái độ tôn trọng với tất cả chị em văn công, không bao giờ có một hành động khiếm nhã. Có thể bởi họ biết tôi đã có chồng. Nhưng nhiều phần là nhờ chấp hành kỷ luật rất nghiêm. Và nhờ vậy, tình cảm thời chiến cũng tuyệt vời trong sáng”. 

“Hòa bình đã 35 năm. Nhưng một thời để nhớ ấy vẫn vẹn nguyên, sống động trong tôi. Ngoài ngày giỗ hàng năm của Điệp, chúng tôi vẫn bên nhau, mỗi năm, về lại chiến trường xưa. Vẫn quan tâm chăm sóc, vẫn bảo bọc cho nhau như những ngày gian khổ. Và cho dù có ai kia bảo tôi dại dột, nếu phải chọn lại,  tôi vẫn sẽ lại đi đúng con đường năm xưa. Để có được mười năm lăn lộn chiến trường đẹp nhất cuộc đời. Để cuối cuộc đời thấy hạnh phúc vì mình  may mắn vẫn còn được sống”.

 

Nghệ sĩ Kim Chi

Sinh năm 1943, quê Nam Đàn – Nghệ An, chào đời tại Rạch Giá. Là con gái cưng của “con hùm xám miền Tây Nam Bộ” Phạm Duy Cúc, cô bé Kim Chi ba tuổi đã phải theo má vào tù. Năm tuổi đã phải cùng các anh trai lên chiến khu “chia lửa” với ba. Sống trong vòng tay yêu thương trìu mến của người cha kính yêu mới được dăm năm thì ông hi sinh. Hơn mười tuổi ra Bắc, học trường Miền Nam số 4 ở Hải Phòng. Năm năm sau trúng tuyển lớp diễn viên khóa Một trường Điện ảnh. Tuổi 19 đã trở thành diễn viên của Xưởng phim truyện Việt Nam.   Năm 1964, đi B và trở thành diễn viên Đoàn văn công Giải phóng.

1974, học đạo diễn sân khấu ở Bulgari. Đã từng là Giám đốc Hãng phim Hải Đăng, nhiều năm là giảng viên Trường Điện ảnh TP.HCM.. Góp mặt trong hơn hai chục bộ phim với vai trò diễn viên điện ảnh.

Bình luận
vtcnews.vn