Bóng đá Việt đã lãng phí quá nhiều 'những U19'

Thể thaoThứ Ba, 31/12/2013 02:22:00 +07:00

(VTC News) – Ngoài lứa trẻ U19 tài năng, người hâm mộ Việt Nam còn mong muốn một chính sách thoáng hơn dành cho các cầu thủ khác

(VTC News) – Ngoài lứa trẻ U19 tài năng, người hâm mộ Việt Nam còn mong muốn một chính sách thoáng hơn dành cho các cầu thủ Việt kiều


Trong những năm vừa qua, bóng đá Việt Nam đang dần thoáng hơn với chính sách ngoại binh, nhập tịch. Chính vì thế, rất nhiều những cầu thủ Việt kiều đang thi đấu ở nước ngoài, phần lớn là châu Âu – một trong những nền bóng đá phát triển bậc nhất thế giới đã và đang tìm đường về lại quê hương với mong muốn phát triển sự nghiệp cá nhân.


 

Điều này có thể được coi là dấu hiệu khởi sắc cho sự phát triển của bóng đá nước nhà. Bởi, bóng đá Việt Nam đang trên con đường chuyên nghiệp hóa nên rất cần những cầu thủ được đào tạo bài bản trong một môi trường thực sự chuyên nghiệp. 

Song, những tư tưởng trọng dụng “hàng quốc nội” ở Đội tuyển Quốc gia vẫn đang là rào cản lớn nhất đối với các cầu thủ Việt kiều. 

Điển hình gần đây nhất có thể kể đến là việc tiền đạo Mạc Hồng Quân dù có những phẩm chất nổi trội nhất ở vị trí trung phong trong thành phần U23 Việt Nam dự SEA Games 27, nhưng anh vẫn phải chịu kiếp dự bị. Hay xa hơn, được nhiều người hâm mộ nhớ đến là tiền vệ Lee Nguyễn, tài năng từng ở đẳng cấp thế giới nhưng lại bị chôn vùi sự nghiệp ở Việt Nam, và rồi anh phải lại xa quê hương lần nữa để cứu vãn sự nghiệp ở tận Giải MLS (Mỹ).

Khi được hỏi về vấn đề “trọng ta, khinh tây”, một cổ động viên lão thành – bác Nguyễn Huy Mạnh, 65 tuổi nhà ở Tân Bình (TPHCM) cho biết: “Việc đội tuyển Việt Nam tây hóa, nhập tịch cầu thủ để đá như Singapore hay Phillipines là điều không nên, rất không nên. Bởi, lúc ấy đội tuyển không còn là của người Việt nữa. 

Mạc Hồng Quân vẫn đang rất khó khăn khẳng định tài năng 

Nhưng những cầu thủ Việt kiều là chuyện khác. Họ mong muốn trở về để cống hiến cho quê hương. Vậy tại sao lại khinh họ, trong người họ vẫn còn dòng máu của con Rồng cháu Tiên cơ mà. Nếu xét về yếu tố chuyên môn, tài năng có thể sẽ ở mức trung bình thôi, nhưng những cầu thủ Việt kiều ít ra cũng được đào tạo bài bản trong môi trường bóng đá hiện đại. Và ngay cả bây giờ thì U19 Việt Nam cũng học theo giáo án phương Tây đấy thôi”.

Đồng quan điểm với bác Mạnh, bạn Việt Hùng, sinh viên trường Đại học Thể Dục Thể Thao chia sẻ: “Em thấy trình độ Lee Nguyễn vượt trội hơn hẳn cả với những ngoại binh ở V-League. Thế mà không hiểu sao hồi trước lúc anh này về thử việc, mấy bác trên đội tuyển Việt Nam lại chê trình độ ở mức trung bình để rồi đội tuyển Mỹ nhanh tay giành được. Bây giờ thì Mạc Hồng Quân, kĩ chiến thuật đều ăn đứt Hà Minh Tuấn nhưng vẫn bị cho ngồi dự bị suốt kì SEA Games vừa rồi.

Em nghĩ nếu bóng đá Việt Nam nhanh tay hơn nữa trong việc mời về và đãi ngộ hợp tình những cầu thủ có gốc gác Việt thì bóng đá nước nhà sẽ có tương lai rất sáng sủa. Tài năng bóng đá chúng ta không thiếu, có thể kể tên những cầu thủ trẻ tài năng đang thi đấu ở châu Âu như hai anh em nhà Lê Giang (Patrik và Emil) ở Solvakia, Michal Nguyễn (CH Séc), Tristan Đỗ (Pháp)…”.

Yohan Cabaye - tiền vệ sáng tạo bậc nhất của bóng đá Pháp thời điểm hiện tại

Vào ngày hôm qua (30/12), bên lề những câu chuyện về U19 Việt Nam, phần đông người hâm mộ đều nhắc đến mong muốn bóng đá Việt Nam thực hiện chính sách “mở cửa”, tạo cơ hội nhiều hơn dành cho những cầu thủ Việt kiều. Và trong mỗi câu chuyện, tên của tiền vệ tấn công xuất sắc bậc nhất của bóng đá Pháp hiện tại – Yohan Cabaye, cầu thủ có dòng máu Việt chảy trong huyết quản luôn là đề tài nóng hổi. 

Nhưng thật buồn, mong muốn này của người hâm mộ bóng đá Việt Nam vẫn còn “xa lắm” đúng như những lời mà Cabaye đã nói về gốc gác Việt của mình: “Tôi có thể chơi cho đội tuyển Việt Nam, bà tôi là người Việt Nam. Tuy nhiên như thế thì hơi xa”.

Hoàng Tùng
Bình luận
vtcnews.vn