Bóng đá Việt cứ thua là đòi điều tra bán độ: Bao năm rồi vẫn đa nghi Tào Tháo

Thể thaoThứ Ba, 24/10/2017 07:28:00 +07:00

Chẳng có ở đâu như Việt Nam, từ đội tuyển đến CLB, hễ có sai lầm dẫn đến thua là lại rộ lên đòi điều tra bán độ.

Nói thẳng, không ít người thích dựng chuyện, thích làm nghiêm trọng hóa vấn đề lên theo kiểu đặt nghi vấn bán độ để gây chú ý. Mặc thực tế ra sao. Bởi xưa ngay, chẳng ai cấm người ta nghi vấn cả.

Thủ thành Phí Minh Long mắc lỗi, U22 Việt Nam thua U22 Thái Lan và bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games 29. HLV Hữu Thắng sau đó đứng ra nhận toàn bộ trách nhiệm và tuyên bố từ chức.

HUU THANG

HLV Hữu Thắng bị nghi ngờ sau thất bại tại SEA Games 29 của U22 Việt Nam. (Ảnh: Hữu Thắng)

24h sau, một trang tin chuyên đưa chuyện nhảm ở Việt Nam loan tin theo kiểu đồn đoán thiếu cơ sở, rằng Hữu Thắng bị cơ quan điều tra triệu tập khi về Việt Nam. Khi thông tin này được phát đi, HLV Hữu Thắng chưa về nước. Và trong cả một bài viết dài dằng dặc, chỉ có 1 câu ngắn ngủn đồn Hữu Thắng bị triệu tập, còn lại toàn bộ là thông tin về quá khứ từng bị triệu tập của ông thầy xứ Nghệ.

Các báo chính thông không thể ngồi yên, họ phải vào cuộc để làm rõ khiến sự việc càng ồn ào. Cuối cùng khi HLV Hữu Thắng về nước, ông cười và nói: “Tôi rất buồn cười khi nghe những thông tin này. Ngồi bên cạnh tôi là cán bộ công an mà có thấy ai nói mời tôi làm việc gì đâu. Tôi khẳng định những tin lan truyền nói tôi phải làm việc với cán bộ công an là thất thiệt. Tôi không cảm thấy buồn hay bị xúc phạm gì cả. Bởi người hâm mộ quá kỳ vọng và tin tưởng nên khi chúng tôi thất bại đã có người có lời lẽ cay nghiệt là bình thường”.

Nghi vấn U22 Việt Nam bán độ chưa dừng lại ở đó, nó được xới lại không lâu sau khi các tờ báo của Singapore và Thái Lan đặt nghi vấn một số trận đấu ở SEA Games 29, trong đó có trận U22 Việt Nam thắng U22 Campuchia 4-1 dàn xếp tỷ số. Cơ sở của nghi vấn là họ thấy dòng tiền đổ về các nhà cái một cách bất thường. Tuy nhiên, mọi chuyện vẫn chỉ dừng lại ở nghi vấn.

U22-01

U22 Việt Nam tại SEA Games 29. (Ảnh: Hà Thành)

Thượng tá Bùi Xuân Lệ, Đội trưởng phòng chống tệ nạn xã hội, Cục cảnh sát hình sự (C45 Bộ Công an) là người đã được cử đi cùng đội tuyển U22 Việt Nam trong suốt quá trình đội thi đấu SEA Games 29 tại Malaysia khẳng định, trong báo cáo của ông gửi Tổng cục cảnh sát, ông kết luận lý do U22 Việt Nam bị loại ngay từ vòng bảng này nằm ở việc tâm lý thi đấu của các cầu thủ trong hai trận gặp U22 Indonesia và U22 Thái Lan là quá nặng nề.

“Ngay cả khi xuất hiện những thông tin nghi vấn từ báo chí Thái Lan và Singapore, tôi vẫn khẳng định chúng ta thất bại do tâm lý thi đấu của các cầu thủ kém, chứ không phải do bất cứ nghi dấu hiệu tiêu cực ngoài chuyên môn nào”, ông Lệ nói.

Đấy không phải là lần đầu, ông Thắng và các học trò bị nghi bán độ. Thất bại của đội tuyển Việt Nam ở bán kết AFF Cup 2016 cũng đã đặt chiến lược gia người Hà Tĩnh vào vòng nghi ngờ.

Tương tự, 2 năm trước đó, thất bại tại bán kết AFF Cup 2014 của tuyển Việt Nam sau hàng loạt sai lầm của hàng thủ cũng bị đặt lên bàn “mổ”. Thậm chí thời điểm đó, chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng còn mời cơ quan điểu tra vào làm việc.

Nhưng rút cuộc, Trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm - Bộ Công an kết luận, nghi vấn bán độ mới chỉ là phát ngôn, chưa có dấu hiệu tội phạm nên Cơ quan CSĐT Bộ Công an không tiếp tục điều tra.

Hôm qua, thủ thành Thanh Thắng của FLC Thanh Hóa có đường chuyền vào chân tiền đạo Dyachenko của Thanh Quảng Ninh, biếu không cho đội bạn bàn gỡ hòa 1-1.

Sai lầm của thủ thành Thanh Thắng

Xem tình huống này, người ta không nghi ngờ mới lạ. Thế là từ truyền thông cho đến người hâm mộ lại đặt thẳng nghi ngờ Thanh Thắng bán độ.   

“Bóng đá sao nghiệt ngã quá. Từ tối qua đến giờ tôi không ngủ được. Tôi nhận rất nhiều lời chỉ trích và lời lẽ không hay vào điện thoại. Tôi biết mình sai lầm đáng trách nhưng không ngờ câu chuyện lại diễn ra như thế này. Tôi thực sự quá buồn”, Thanh Thắng chia sẻ.

Còn ông Lê Thuỵ Hải, một HLV lão làng của V-League thì nói: “Chuyện bán độ ở bóng đá Việt Nam tôi nghe người ta nói rất nhiều rồi nhưng bán độ ở Việt Nam thì đáng bao nhiêu tiền? Không có bằng chứng mà chỉ nói không cho sướng miệng thì khổ cho cầu thủ và HLV.

Không phải tôi nói cho mình và bênh các cầu thủ nhưng nói thật, tôi nghĩ không có chuyện bán độ gì ở đây đâu. Mấy chục triệu với cầu thủ Việt Nam bây giờ đáng kể gì, một trận thắng họ cũng được thưởng cỡ đó, chuyển nhượng thì tiền tỷ rồi, ai làm thế. Đừng đổ lỗi cho các cầu thủ, tội lắm”.

Bóng đá Việt Nam xưa nay tồn tại nhiều bất cập, có những bất cập mang tính hệ thống, lặp đi lặp lại, mãi không sửa được. Sự nghi ngờ về tính trong sạch của nền bóng đá này cũng vậy, nó luôn thường trực. Thế nên không ngoa khi nói rằng, bóng đá Việt Nam bao năm qua luôn tồn tại một ông Tào Tháo ngồi xem và ngờ vực.

Thiên Mộc
Bình luận
vtcnews.vn