Bóng đá nữ Thái Nguyên: Lương 1,3 triệu đồng/tháng, cầu thủ nghỉ thi đấu làm công nhân

Thể thaoThứ Sáu, 08/11/2019 14:46:00 +07:00

Thu nhập 1,3 triệu đồng/tháng, tiền ăn 100.000 đồng/ngày là tất cả những gì các cầu thủ CLB bóng đá nữ Thái Nguyên được nhận để trang trải cuộc sống.

Đầu tiên là... tiền đâu

Kết thúc mùa giải 2019, CLB bóng đá nữ Thái Nguyên đứng hạng 5/7, giành HCĐ ở Cúp Quốc gia, một thành tích không đến nỗi nào, thậm chí là ấn tượng với đội bóng vốn không được đầu tư nhiều, còn các cầu thủ cứ xin nghỉ dần để đi làm công nhân tại các nhà máy và khu công nghiệp trên địa bàn. Thế nhưng đội bóng này vẫn trình lên VFF xin nghỉ không theo các giải bóng đá chuyên nghiệp nữ nữa mà chỉ làm các lứa U.

Lý do đầu tiên và muôn thuở là... tiền đâu? Không tìm được nhà tài trợ lâu dài và đầu tư toàn diện, bóng đá nữ Thái Nguyên dù là một trong những địa phương hưởng ứng phong trào phát triển bộ môn này từ rất sớm (năm 2002) nhưng luôn trong cảnh bấp bênh, tạm bợ. 

Hiện tại ở đội bóng chỉ còn khoảng hơn 20 cầu thủ, đa số là lứa cầu thủ trẻ mới tuyển về, trong độ tuổi 13-14 (sinh năm 2006) còn các gương mặt dày dạn kinh nghiệm hơn hay tuổi đời nhiều hơn đều... đã xin về để đi làm công nhân nhằm trang trải cuộc sống. Như trường hợp của nữ cầu thủ Nguyễn Thúy Quỳnh, hàng ngày đều đi làm công nhân ở nhà máy, đến giờ lại xin về tập duy trì cùng đồng đội. 

bong da nu

 Nguyễn Thúy Quỳnh (không mặc đồng phục) vừa đi làm công nhân về, ra tập duy trì cùng các đồng đội. 

Chia sẻ với VOV.VN, ông Phạm Ngọc Quang, Phó Giám đốc Trung tâm Thể dục Thể thao Thái Nguyên cho biết, hiện tại tình hình của đội bóng đá nữ Thái Nguyên vô cùng khó khăn, nếu không có nhà tài trợ thì cũng đành xin không tham dự các giải chuyên nghiệp nữa mà chỉ còn tập trung vào lứa U.

"Chúng tôi muốn làm bóng đá nữ trẻ, nói thật là một phần vì các em VĐV còn trẻ sẽ không suy nghĩ nặng nề về chuyện tiền bạc. Ở CLB bóng đá nữ Thái Nguyên hiện giờ các cầu thủ nhiều tuổi hơn đều đã xin về để đi làm công nhân trang trải cuộc sống còn chúng tôi không thể giữ họ lại vì điều kiện không cho phép và cũng không nỡ làm như vậy, thực sự là không còn cách nào khác", ông Phạm Ngọc Quang ngậm ngùi nói.

Theo ông Quang, các cầu thủ nữ chỉ có hợp đồng đào tạo, không có tiền lương, chế độ ăn là 100.000 đồng/ngày, tức mỗi bữa ăn khoảng 35.000 đồng, và được trả tiền công tập luyện là 60.000 đồng/ngày công, trừ thứ 7 và Chủ nhật, tức thu nhập chỉ có khoảng 1,3 triệu đồng/tháng để trang trải tất cả các chi phí trong cuộc sống cho tới tập luyện.

Cuộc sống bấp bênh

Đội trưởng Trần Thị Thúy Nga, năm nay đã bước sang tuổi 29, do nhà gần nơi sinh hoạt của đội nên không đăng ký ăn cùng các đồng đội, do đó thu nhập khá nhất, khoảng 4,3 triệu đồng/tháng. "Tôi đã ở tuổi này rồi, thực sự cống hiến hơn 13 năm cho bóng đá nữ Thái Nguyên, giờ nếu đội phải nghỉ thi đấu tôi cũng không biết phải làm gì, chắc cũng phải từ bỏ đam mê để đi làm công nhận phụ giúp gia đình như nhiều người khác", Thúy Nga chia sẻ.

bong da nu

 6-7 cầu thủ ở chung 1 phòng khoảng 15m vốn đã và đang xuống cấp nghiêm trọng.

Không chỉ ăn uống và thu nhập bấp bênh, không đủ trang trải cuộc sống, điều kiện sinh hoạt của các nữ cầu thủ bóng đá Thái Nguyên cũng khổ sở trăm bề. Hiện tại, đội có hơn 20 người nhưng chỉ có 3 phòng khoảng 15m­2 và 6-7 người ở chung một phòng, vốn chỉ có 1 chiếc quạt trần duy nhất. Thời điểm nắng nóng cao điểm, các cầu thủ dù không dư dả gì nhưng cũng phải bỏ tiền ra để tự mua thêm quạt. 

Ngay cả sân tập, cỏ không được chăm sóc cũng đã xuống cấp nghiêm trọng, mặt sân lồi lõm dễ dẫn tới chấn thương và khi "chẳng may" dính chấn thương tất cả chỉ còn biết khóc thầm.

"Chúng tôi chỉ có chế độ tiền chi phí phẫu thuật cho các VĐV bị chấn thương, còn quá trình tập phục hồi vô cùng quan trọng vẫn phải tự bỏ tiền túi. Trước BHL cũng phải góp tiền cho một cầu thủ xuống bệnh viện 108 ở Hà Nội để phẫu thuật đầu gối và tập luyện phục hồi chức năng. Ngay cả tiền bảo hiểm các cầu thủ cũng phải tự đóng", HLV Đoàn Việt Triều cho biết.

Ông Triều chia sẻ, nhiều cầu thủ đã xin về để làm công nhân với mức lương 6-7 triệu đồng/tháng, nhưng vẫn đến tập duy trì cùng các đồng đội, khi thi đấu giải lại xin nghỉ làm để cống hiến cho đội nhà, hết giải lại... đi làm tiếp. Các thành viên trong BHL cũng phải cố gắng đi kiếm thêm các công việc chuyên môn ở ngoài để trang trải cuộc sống.

bong da nu 3

 Các nữ cầu thủ Thái Nguyên vượt khó tập luyện mỗi ngày.

Mơ một cái Tết ấm no

Khó khăn là vậy, nhưng các cầu thủ CLB bóng đá nữ Thái Nguyên vẫn chăm chỉ và nỗ lực luyện tập, đồng thời... vượt khó. HLV Đoàn Việt Triều cho biết, hàng ngày các cầu thủ vẫn dậy từ 4h30 sáng để tập kỹ thuật nhờ ánh đèn lờ mờ từ khán đài A, còn chiều tập đến 18h30 hoặc tới lúc trời tối hẳn mới nghỉ. 

Hà Thị Thảo, nữ VĐV trong nhóm trẻ nhất của đội, sinh năm 2006, vui vẻ nói sẽ cố gắng theo đuổi đam mê tới cùng. Nữ cầu thủ quê gốc Thanh Hóa chia sẻ: "Tôi đã đến Trung tâm được 8 tháng, phải sống xa gia đình lại trong điều kiện thiếu thốn nhưng tôi hiểu mình phải vượt khó để theo đuổi đam mê với trái bóng tròn. Bố mẹ tôi cũng nhiều lần khuyên tôi về học nghề hay tìm việc gì đó làm có thu nhập tốt hơn, lại bên cạnh người thân nhưng tôi vẫn kiên quyết bám trụ ở đây với CLB bóng đá nữ Thái Nguyên".

Khi được hỏi bây giờ mong muốn lớn nhất của Thảo là gì, nữ cầu thủ 13 tuổi không cần nghĩ ngợi nhiều và nói ngay, chỉ cần một đôi giày tốt để tập luyện và thi đấu nhằm tránh những chấn thương ngoài ý muốn do chất lượng sân bãi không đảm bảo. 

Tấm HCĐ ở Cúp Quốc gia mùa giải năm nay đồng nghĩa với hơn 220 triệu đồng tiền thưởng cùng 50 triệu tiền giải thưởng - có thể sẽ giúp thầy trò HLV Đoàn Việt Triều mơ về cái Tết ấm no hơn sắp tới. Nhưng đến giờ vẫn chẳng thấy tiền thưởng đâu vì tất cả vẫn đang trong quá trình... giải ngân.

Và CLB bóng đá nữ Thái Nguyên vẫn tiếp tục kiếp "sống mòn" như thế, chờ ánh sáng nơi cuối đường hầm.  

Minh An/VOV.VN
Bình luận
vtcnews.vn