Bóng bàn Việt Nam: Loạn từ mô hình Trung Quốc

Thể thaoThứ Ba, 29/10/2013 12:36:00 +07:00

(VTC News)- Bóng bàn Việt Nam lao đao trước thềm SEA Games 27 bởi những rắc rối nội bộ không đáng có.

(VTC News)- Bóng bàn Việt Nam lao đao trước thềm SEA Games 27 bởi những rắc rối nội bộ không đáng có.

Khi thượng bất chính…

Người ta có câu: “Thượng bất chính thì hạ tắc loạn”, và điều ấy càng đúng với bóng bàn Việt Nam. Từ lâu nay, bộ môn này luôn phải đau đầu vì những chuyện chẳng giống ai, mà điển hình là tính cục bộ, địa phương ở trên đội tuyển.

Và giờ, khi SEA Games 27 chỉ còn hơn 1 tháng nữa là khởi tranh, còn hạn chót chốt danh sách VĐV vào đội tuyển sắp hết hạn (ngày 6/11) thì Liên đoàn bóng bàn và HLV trưởng Nguyễn Đức Long vẫn chẳng biết chọn ai.
Tuấn Quỳnh- cây vợt chủ lực của bóng bàn Việt Nam nhiều khả năng vắng mặt ở SEA Games 2013

Nguyên nhân sâu xa của việc này đến từ việc “ăn theo” mô hình Trung Quốc của Đội tuyển bóng bàn. Sau khi đãi cát tìm vàng được 6 cái tên vào đội dự tuyển, gồm Trần Tuấn Quỳnh, Đinh Quang Linh, Duy Hoàng, Văn Nam, Tiến Đạt và Văn Ngọc, Ban lãnh đạo sẽ tổ chức một vòng đấu nội bộ, gồm 3 vòng đấu, để tìm ra 4 người đạt điểm rơi phong độ tốt nhất dự SEA Games.

Về cơ bản, phương pháp này không sai. Việc sử dụng những VĐV có phong độ tốt luôn mang tới những thành tích không ngờ ở những Đại hội thể thao khu vực và châu lục. Tuy nhiên, phương pháp này chỉ đúng trong phạm vi… Trung Quốc, đất nước có quá nhiều nhân tài ở môn bóng bàn, thậm chí một số VĐV còn phải nhập tịch nước khác để thi đấu quốc tế, do không thể cạnh tranh được suất lên tuyển.

Còn ở Việt Nam, quanh đi quẩn lại trong những năm qua, sau khi Kiến Quốc gác vợt, chỉ có 2 cái tên thực sự nổi bật và đủ sức tranh tài ở sân chơi quốc tế là Tuấn Quỳnh và Quang Linh.

Vì vậy mới sinh chuyện là, lấy lý do cuộc tuyển chọn nội bộ không nằm trong kế hoạch từ trước, khó điều chỉnh điểm rơi phong độ nên Đinh Quang Linh đã rút lui không tham dự. Trần Tuấn Quỳnh cũng chỉ góp mặt ở vòng tuyển chọn lần một, đánh qua loa, rồi lấy lý do gia đình xin rút lui khỏi vòng hai.

Quang Linh
 Đinh Quang Linh không chấp nhận cách "đối xử" của cấp trên

Điều đáng nói ở đây, đó là sự thiếu nhất quán trong tiêu chí tuyển chọn VĐV của Liên đoàn bóng bàn. Với các môn thể thao khác, thước đo được dùng để tuyển chọn VĐV sẽ chỉ là thành tích ở các giải đấu lớn (trong nước và quốc tế). Trong khi đó, những bất đồng phát sinh xoay quanh việc chọn ai, gạt ai khiến Tổng cục TDTT, hiện đang là HLV trưởng ĐTQG, ông Nguyễn Đức Long “phải” cần thêm một cuộc đấu nội bộ nữa để sát hạch lần cuối.

Vô hình trung, khi làm như vậy, thành tích của các VĐV đàn anh như Quang Linh, vô địch giải các tay vợt xuất sắc toàn quốc tại Hải Phòng, HCĐ tại giải Cây vợt vàng tổ chức tại TP.HCM; hay Tuấn Quỳnh đứng hạng ba SEA Games 26 và sẽ được xếp hạt giống tại SEA Games lần này, bị “phủ nhận”. Khả năng của họ trong cả năm, với mục tiêu cao nhất là SEA Games 27 bị bỏ qua, và bị “đánh đồng” với các đàn em.

Việc thông báo vòng đấu nội bộ cho các VĐV ở đội dự tuyển chỉ vài tháng trước khi SEA Games diễn ra của Liên đoàn là quá gấp gáp. Để chuẩn bị cho một giải đấu lớn như SEA Games, thông thường các VĐV phải mất cả năm trời để tính toán và duy trì phong độ. Như vậy, nếu đấu ngay lúc này sẽ khó tránh khỏi việc loại bỏ những người đạt điểm rơi tốt nhất sau đây hơn 1 tháng. Đó là còn chưa kể, các VĐV sẽ phải điều chỉnh giáo án để qua vòng “gửi xe”.

Căn bệnh ngôi sao 

Ngay khi quyết định tổ chức vòng đấu nội bộ của Liên đoàn được công bố, rất nhiều ý kiến đã cho rằng cách làm của Liên đoàn và bộ môn là không hợp lý. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có một số ý kiến khác chê trách bệnh ngôi sao của những VĐV chủ lực như Tuấn Quỳnh hay Quang Linh.

Căn bệnh  ngôi sao
Các tuyển thủ Việt Nam lao vào đánh nhau khi đang du đấu nước ngoài

Đồng ý, họ là trụ cột của Đội tuyển trong nhiều năm (Tuấn Quỳnh từng tham gia 5 kỳ SEA Games và thành tích cao nhất là HCV đơn nam ở SEA Games 22. Quang Linh cũng đã tham dự 3 kỳ SEA Games và từng đoạt ngôi vô địch nội dung đôi nam tại SEA Games 25), nhưng như thế không có nghĩa là cả hai được quyền “hờn dỗi” và tự ý xin rút lui khỏi Đội tuyển mà quên đi lợi ích của Tổ quốc.

Kể từ sau khi Kiến Quốc rút lui vì lý do tuổi tác, bóng bàn nam Việt Nam vẫn thiếu một tay vợt số ba đủ đẳng cấp để so tài với các đối thủ trong khu vực. Bằng chứng là tại giải bóng bàn quốc tế Cây Vợt Vàng diễn ra ở TP.HCM đây chừng 1 tháng, không có tay vợt trẻ nào của Việt Nam đủ sức làm nên chuyện trước các đối thủ đến từ Thái Lan hay Singapore.

Vì thế mới có chuyện, những người làm chuyên môn trên Đội tuyển lo sợ rằng nếu gạt Tuấn Quỳnh và Quang Linh ra khỏi danh sách dự SEA Games, bóng bàn Việt Nam sẽ khó lòng giành được huy chương (bất kể màu gì) chứ đừng nói đến chuyện nở mày nở mặt ở sân chơi khu vực.

Khi mà các VĐV trẻ chưa chứng tỏ được nhiều, Liên đoàn không dám giao trọng trách lên vai họ, và hệ quả là những tiền bối như Tuấn Quỳnh, như Quang Linh được quyền “lên mặt” thành sao.

Trong bối cảnh nhân tài bóng bàn Việt Nam chẳng khác nào lá mùa thu, việc kết hợp giữa sức bật của các tay vợt trẻ và kinh nghiệm của những lão tướng được cho là lối đi đúng đắn và hợp lý nhất. 

Tuy nhiên nếu thay vì nằng nặc đòi về do bất mãn và cảm thấy không được tôn trọng, những Tuấn Quỳnh, Quang Linh chịu ngồi lại và tìm ra cách giải quyết đúng đắn (ví dụ bỏ bớt 1 hoặc 2 vòng đấu thay vì 3) thì sẽ đáng quý hơn nhiều.

Phạm Giang

Bình luận
vtcnews.vn