Bốn người hùng cứu cả trăm người

Thời sựThứ Bảy, 09/10/2010 07:56:00 +07:00

Cứu người xong, quay về họ thấy nhà mình đã bị lũ giật sập, toàn bộ tài sản đều trôi theo dòng nước.

Cứu người xong, quay về họ thấy nhà mình đã bị lũ giật sập, toàn bộ tài sản đều trôi theo dòng nước.

Với chiếc thuyền nhỏ này, cha con anh Tam và người cháu đã băng qua sóng nước hung dữ của sông Son vớt được nhiều người dân ở thôn Củ Lạc, xã Sơn Trạch. Ảnh: HÀ LINH 

Ngày 8-10, ông phó chủ tịch UBND xã Sơn Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) Nguyễn Công Trứ lội bùn ngập gối dẫn chúng tôi đi gặp những người hùng cứu dân trong lũ.

Đêm 4-10, nước ồ ạt đổ về, 2.327 hộ dân trong xã chìm sâu trong lũ, nước dâng ngập mái nhà. Trong chớp nhoáng lũ đã giật sập, cuốn trôi hoàn toàn 62 căn nhà, 24 con bò và 33 lồng cá.

Cứu người trong khi mình cũng gặp nạn

Buổi sáng trước đêm nước dâng, nước sông Son dâng cao ngập đường. Anh Lê Văn Điệp, Bí thư Chi đoàn thôn Hà Lời, xã Sơn Trạch, chèo thuyền vận chuyển hàng hóa giúp người dân lên vùng cao tránh lũ. “Đến gần 10 giờ đêm, tôi chèo thuyền về nhà thì thấy vợ ôm con khóc nức nở, toàn bộ tài sản của gia đình đã bị lũ cuốn trôi. Đưa hai mẹ con nó qua nhà ông bà nội gửi xong, tui lại chèo thuyền đi giúp bà con tránh lũ”. Nghe tiếng kêu cứu thất thanh của anh Lê Văn Giới, anh Điệp vội vã chèo thuyền đến. Đưa được gia đình anh Giới lên thuyền thì cũng là lúc nhà anh Giới chìm trong nước lũ.

Trong đêm tối, anh Điệp lại lần theo tiếng kêu cứu thất thanh của những người ngồi trên nóc nhà mà chèo thuyền đến vớt. Đến 3 giờ sáng, ngôi nhà cha mẹ anh Điệp cũng bị ngập đến tận nóc, còn nhà anh thì bị nước giật tung, đổ sập. Tám người thân của anh phải tháo ngói, trèo lên ngồi chơi vơi trên nóc nhà kêu cứu. Sau khi cột chiếc can vào người đứa con trai năm tuổi, giao cho ông bà nội trông, chị dâu anh Điệp lại cùng anh chèo đò đi vớt bà con trong thôn. Đêm đó, anh Điệp không may bị rắn cắn vào tay phải đến bệnh xá tiêm thuốc. Mặc dù tay còn sưng tấy, anh Điệp vẫn tiếp tục chèo thuyền vào vùng cô lập thuộc xóm Lính chở bốn người bị mắc kẹt trên mái nhà ra. Ngồi trước nền căn nhà bị đổ sập, vợ anh Điệp rầu rĩ nói: “Tài sản mất trắng, hai vợ chồng phải căng bạt ngủ dưới thuyền, đứa con gái hai tuổi phải đi gửi mệ ngoại. Không biết cuộc sống sau này sẽ ra sao”.

Cùng chung cảnh ngộ là gia đình anh Hoàng Văn Ninh, Trưởng thôn Xuân Tiến. Đêm đó, anh Ninh một mình chèo thuyền nan đi cứu được hơn 50 người trong rốn lũ. Sau đó thuyền anh bị lũ nhấn chìm, anh may mắn níu được cột điện nên thoát chết. Anh kể: “Nhìn cảnh người dân kêu cứu thảm thiết trong đêm, vợ chồng tôi chèo thuyền đi cứu. Khi cứu được bảy, tám chục người đến nơi an toàn, vợ chồng tôi quay về thì thấy nhà mình đã bị lũ cuốn trôi. Đến khi nước rút, tất cả chỉ còn lại mảnh đất trống. Vợ chồng tôi cũng chưa biết ăn ở mô bây chừ”.

Huy động cả nhà đi cứu người

Tối 4-10, ông Ngô Tam (làng Hà Vàng) nhận được điện thoại cầu cứu từ phía bờ nam sông Son. Buông điện thoại, ông vội vã huy động con trai và cháu lên thuyền đi ứng cứu. Ông kể: “Lúc đó nước sông cuồn cuộn, sóng cao cả mét, trâu bò, gốc cây bị nước lũ cuốn phăng. Tui phải gồng mình giữ vững tay lái, thằng con trai ráng hết sức để chèo, đứa cháu thì ngồi tát nước, cả ba phải vật lộn với nước lũ hơn 1 giờ đồng hồ mới vượt qua chặng đường hơn 1 km”. Bên bờ nam, khắp nơi có tiếng la hét kêu cứu. Mưa như trút nước, gió thổi ào ào, hàng chục nhà dân chìm dần trong biển nước. Con ông Tam nhớ lại: “Vừa tấp vào bờ em nghe tiếng khóc la thảm thiết ở phía bên trái nên bảo ba lái thuyền chạy lại hướng đó để ứng cứu. Rọi đèn pin vào thì chỉ còn thấy cái chóp mái tôn. Em nhảy xuống nước, bơi vào bám lấy mái nhà tìm cách phá tấm tôn, một hồi lâu mới phá được mái nhà và đưa bốn người trong gia đình lên thuyền lánh nạn”.

Ông Lê Văn Nghệ xúc động kể: “Lúc đó nước lũ ngập chỉ còn cái nóc nhà, bảy cha con tui bấu víu vào nóc nhà kêu cứu. May nhờ cha con anh Tam chạy tới ứng cứu kịp thời chứ không thì cả nhà tui đã bị lũ cuốn trôi ra sông hết”. Khi đưa hết người dân thôn Củ Lạc đến nơi trú ẩn an toàn thì trời đã sáng, ông Tam chèo thuyền trở về thì thấy nhà ông đã chìm trong nước lũ, còn vợ ông cả đêm thắc thỏm ngóng tin chồng con, đang ngồi khóc trên nóc nhà.

Ông phó chủ tịch xã cứ nhắc đi nhắc lại: Không có họ thì chắc cả trăm người đã bị lũ cuốn trôi.

Nhiều bộ, ngành quyên góp hỗ trợ miền Trung

Cùng với việc Thành ủy Hà Nội quyết định hủy bỏ 29/30 điểm bắn pháo hoa đêm đại lễ 1.000 năm Thăng Long 10-10, hôm qua, nhiều cơ quan, bộ, ngành trung ương đã tổ chức quyên góp hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt miền Trung.

Các cán bộ, viên chức cơ quan Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã quyên góp được 140 triệu đồng. Tại TAND Tối cao, các thẩm phán, thẩm tra viên và nhân viên các đơn vị trực thuộc tại Hà Nội đã quyên góp mỗi người một ngày lương, được gần 60 triệu đồng. Tại Bộ Tư pháp, số tiền hỗ trợ được hơn 50 triệu đồng. Một lãnh đạo VKSND Tối cao cho biết đã có văn bản phát động đóng góp vật chất cho bà con vùng lũ. Cuộc phát động này sẽ kéo dài sang tuần sau. 


  

Tính đến chiều 8-10, Quảng Bình đã có 42 người chết, 17 người mất tích. UBND tỉnh yêu cầu dừng các cuộc họp không cần thiết để tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả. Theo Sở GTVT tỉnh Quảng Bình, đến thời điểm này, quốc lộ 1A, 12A và đường Hồ Chí Minh nhánh đông, đường Hồ Chí Minh đã thông xe. Đến tối 8-10, tuyến đường sắt đi qua địa phận tỉnh ở khu vực từ ga Đồng Hới đến ga Đông Lê được thông tuyến.

Trong ngày, UBMTTQ tỉnh Quảng Bình đã đưa hai chuyến hàng cứu trợ gồm mì tôm, nước sạch, chăn ấm... đến hai huyện Quảng Ninh và Bố Trạch. Tổng Công ty Lương thực miền Bắc chuyển 10 tấn gạo đến huyện Minh Hóa. Các tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước đã ủng hộ đồng bào Quảng Bình gần 3 tỉ đồng tiền mặt và hiện vật. Riêng UBMTTQ tỉnh ủng hộ 2 triệu đồng/người chết.
Lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã tìm thấy thi thể em Biện Văn Bảo (13 tuổi, xã Cẩm Viễn, Cẩm Xuyên), nâng tổng số người chết trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh lên chín người, hai người bị thương.

Tính đến chiều tối 8-10, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh vẫn còn bảy xã trên địa bàn huyện Hương Khê bị ngập sâu, trong đó hai xã Phương Mỹ và Phương Điền vẫn bị nước chia cắt hoàn toàn nên công tác cứu trợ đang gặp khó khăn. Cho đến chiều 8-10, lực lượng tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An vẫn chưa tìm thấy hai ngư dân Trần Văn Tuấn và Ngô Văn Thương (cùng trú xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu) bị chìm tàu mất tích.

Tỉnh Thừa Thiên-Huế và Quảng Trị, một số nơi đã có dấu hiệu dịch bệnh, riêng huyện Quảng Điền đã có hơn 100 người dân bị sốt xuất huyết và đau bụng đi ngoài. Ngành y tế tỉnh đã thành lập hàng chục đoàn y tế dự phòng trực tiếp về vùng ngập lụt hướng dẫn người dân dùng hóa chất xử lý nguồn nước, ngăn ngừa dịch bệnh sốt xuất huyết, tiêu chảy...

Tỉnh Quảng Trị đã cử sáu đoàn y, bác sĩ về các địa phương thuộc huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ... để xử lý môi trường và nguồn nước sinh hoạt cho bà con. Đồng thời, Hội Chữ thập đỏ tỉnh cũng đã cấp phát 600 thùng chăn, gối, màn cứu trợ cho vùng ngập lũ.


Theo Hà Linh/Pháp luật TPHCM

Bình luận
vtcnews.vn