Boeing 777 chở 239 người mất tích: Bí ẩn chưa lời giải

Thời sựChủ Nhật, 09/03/2014 09:47:00 +07:00

(VTC News) - Thiếu thông tin liên lạc, những "bí ẩn" khó giải thích trong điều kiện thuận lợi của lịch trình bay, thời tiết... khiến người ta càng tỏ ra bi quan về số phận của chiếc Boeing 777 của Malaysia.

Phi công đã nghỉ hưu của hãng hàng không Mỹ American Airlines, Jim Tilmon đã nhận định khá bi quan về số phận chiếc máy bay chở 239 hành khách bay hành trình Kuala Lumpur Malaysia đi Bắc Kinh - Trung Quốc bất ngờ bị mất tín hiệu hôm 8/3.
Căn cứ để ông nghĩ về một "viễn cảnh có vẻ không được khả quan" do dựa trên những kịch bản có thể đưa ra giải thích cho vụ việc đều không thành công.
Chiếc Boeing 777-200 có thiết kế rất tinh vi như bất kỳ loại máy bay thương mại nào, với một hồ sơ an toàn vượt trội, đường bay của phi cơ mang số hiệu MH370 hầu hết là đi qua đất liền nên việc liên lạc với nó thông qua ăng-ten, radar và sóng vô tuyến là rất dễ dàng tuy nhiên chiếc máy bay này lại biến mất khi không để lại một thông tin nào.
"Việc thiếu thông tin liên lạc khiến tôi nghi ngờ rằng có một điều gì đó đáng tiếc nhất đã xảy ra", ông Mary Schaivo, cựu tổng thanh tra của Bộ Vận tải Mỹ, cũng nói.

Những người thân đang mệt mỏi, lo lắng và tức giận khi đến giờ vẫn chưa có tin tức từ chiếc máy bay mất tích

Ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Hàng không VN cũng cho biết, thông thường, các máy bay đều có bộ phận phát sóng vệ tinh tự động. Khi máy bay gặp va đập mạnh, hộp phát sóng sẽ tự động kích hoạt truyền tín hiệu lên vệ tinh và truyền về trung tâm điều hành của hãng, để xác định vị trí máy bay bị nạn.
Nhưng trong trường hợp máy bay Malaysia thì không nhận được tín hiệu từ vệ tinh cảnh báo máy bay gặp nạn. Thời điểm máy bay mất tích đến nay, thời tiết khu vực vẫn rất thuận lợi.
Chuyến bay gặp nạn mang số hiệu MAS370, cất cánh lúc 0h41 ngày 8/3 (giờ địa phương) và dự kiến tới Bắc Kinh khoảng 6h30 cùng ngày. Tuy nhiên, tới 2h40 (khoảng 3h40 giờ VN) sáng 8/3, khi đang bay ở độ cao hơn 10km so với mặt đất, nó đã mất toàn bộ liên lạc, mất tín hiệu trên màn hình radar (tọa độ 06055’19”N - 103034’28”E).
Toàn cảnh nghi vấn dựng lại theo vệ tinh khu vực máy bay Malaysia Airlines MH370 rơi. Mũi Cà Mau (Việt Nam) nằm ở vị trí 8 độ 37 phút 30 giây Vĩ độ Đông, 104 độ 43 phút 11.09 giây Kinh độ Đông.
Vị trí máy bay mất liên lạc cách biên giới vùng trời Việt Nam (FIR) khoảng 18km, với hơn 1 phút bay, cách Cà Mau khoảng 320km. Ngay khi mất liên lạc với máy bay trên, Hãng hàng không Malaysia đã thông báo tới các cơ quan hữu trách nước này để thông báo tới các nước quanh khu vực nhằm tìm kiếm cứu nạn.
Theo một chuyên gia hàng không Việt Nam phỏng đoán, với vị trí nghi vấn mất tích của máy bay MAS370 là cách Mũi Cà Mau (Việt Nam) 225km, cách sân bay Kuala Lumper 510km thì có lẽ máy bay này chỉ mới thực hiện hành trình bay chưa đầy 01 giờ chứ không phải 02 giờ như một số nguồn tin vì với 02 giờ bay, Boeing 77  phải lên đến vị trí tương đương với sân bay Tân Sơn nhất.

Việc tìm kiếm đang được phía Việt Nam ráo riết thực hiện (Ảnh thanh niên)

Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, phi công Nguyễn Thành Trung - nguyên phó tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), nhiều năm là cơ trưởng Boeing 777-200, cơ trưởng các chuyên cơ chở nguyên thủ quốc gia - cho biết ông đã lái máy bay qua lại khu vực này rất nhiều lần, “thời tiết khu vực này bình thường, đặc biệt trong mùa này là rất tốt, không ảnh hưởng đến việc bay”.

Theo ông Trung, thông thường nếu có sự cố về kỹ thuật, phi công sẽ báo cáo cho kiểm soát không lưu và họ hoàn toàn có đủ thời gian và phương tiện kỹ thuật để xử lý.

Ở tọa độ và khoảng thời gian bay chưa ra khỏi không phận Malaysia như trường hợp này, phi công hoàn toàn có thể cho máy bay quay về Kuala Lumpur (Malaysia).

Phương án khác là hạ cánh xuống điểm dự bị gần nhất, có thể là xuống sân bay Phú Quốc hoặc sân bay Cần Thơ, hai sân bay hoàn toàn có đủ cơ sở hạ tầng để đón máy bay lớn như Boeing 777.

Máy bay cũng có thể đi thêm đến sân bay Tân Sơn Nhất và hạ cánh an toàn.

Trong trường hợp bị hỏng một động cơ, máy bay vẫn có thể bay thêm vài tiếng đồng hồ nữa mà không có vấn đề gì.

Vì vậy phi công hoàn toàn có thể đưa máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Nếu xấu hơn, cả hai động cơ đều bị hỏng, mà trường hợp này là vô cùng hi hữu, máy bay đang ở độ cao khoảng 11km so với mặt đất thì phi công vẫn có thể tính toán khoảng thời gian máy bay còn lướt được trên không và tìm phương án hạ cánh: hoặc xuống biển hoặc xuống sân bay gần nhất, trong trường hợp này hoàn toàn có thể xuống sân bay Phú Quốc.

Phi công sẽ phải thông tin cho mặt đất bằng các hệ thống liên lạc thông thường để chuẩn bị phương án ứng cứu.
Hiện, đã có 4 quốc gia tham gia chiến dịch tìm kiếm chiếc máy bay mất tích này. Trong đó, phía Trung Quốc vừa điều hai tàu cứu nạn xuống Biển Đông trong sáng 8/3, Malaysia và Philippines cũng tung máy bay và tàu cứu nạn ra khơi, còn phía Việt Nam hiện có 5 tàu đã có mặt tại khu vực tìm kiếm được xác định (Hải quân có 2 tàu, Cảnh sát biển 2 tàu, Vietnam MRCC có 1 tàu (SAR 413) - chịu trách nhiệm chỉ huy tìm kiếm).
 Đến thời điểm này theo thông tin từ TienPhong, một trong hai máy bay AN26 của Việt Nam tại hiện trường đang rời khu vực tìm kiếm về đất liền. Chiếc còn lại đang vào khu vực vết dầu loang phát hiện hôm qua để tìm kiếm và kiểm tra lại.
Hiện phía Malaysia xin phép đổi kế hoạch bay. Họ muốn bay lệch vào khu vực FIR của Việt Nam để tìm kiếm.
Theo hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã, đại diện Malaysia Airlines sáng sớm 9/3 tổ chức họp báo ở Trung Quốc về số phận chiếc máy bay chở 239 người mất tích hôm qua.

Theo đó, Đại diện Malaysia Airlines nói chiếc máy bay Boeing số hiệu MH 370 của hãng này chở theo 154 người Trung Quốc đi từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh vẫn đang 'mất liên lạc'.

Người đại diện của Malaysia Airlines cũng nói rằng "chưa có căn cứ khẳng định máy bay mất tích", trong khi các chuyên gia hàng không nói máy bay đã rơi trên biển.
"Các đội cứu hộ vẫn đang cố gắng tìm tung tích chiếc máy bay Boeing số hiệu MH 370, tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin nào".
Bình luận
vtcnews.vn