Bộ Y tế 'phản pháo' tin 9 tấn chất cấm tạo nạc heo nhập về Việt Nam

An toàn thực phẩmThứ Sáu, 25/03/2016 02:30:00 +07:00

Bộ Y tế khẳng định thông tin doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9.140kg salbutamol về Việt Nam được đăng tải trên báo chí là chưa chính xác.

(VTC News) - Bộ Y tế khẳng định thông tin doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9.140kg salbutamol về Việt Nam được đăng tải trên báo chí là chưa chính xác.

Mới đây, một đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo số liệu của Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (C49) - Bộ Công an, trong năm 2015 đã có trên 20 doanh nghiệp tham gia nhập khẩu 9.140kg salbutamol về Việt Nam.

Trong đó, khoảng 3 tấn đang được lưu giữ trong kho của các doanh nghiệp. Trên 6 tấn đã được bán ra thị trường nhưng chỉ có 10kg được sử dụng đúng quy định.

Nhưng tối 24/3, Bộ Y tế đã có phản hồi về thông tin này. Bộ Y tế khẳng định thông tin trên chưa chính xác.

Bộ này khẳng định, năm 2015 các doanh nghiệp dược nhập về Việt Nam 5.215kg chất salbutamol. Năm 2014 nhập  về 3.876kg chất salbutamol chứ không phải mỗi năm Bộ Y tế cho nhập 9.140kg salbutamol như thông tin các báo đưa.

Bộ Y tế cũng khẳng định, thông tin “chỉ 10kg chất salbutamol trong số thuốc này được nhập về Việt Nam được sử dụng đúng quy định” như đã đăng tải trên một số báo là hoàn toàn không có cơ sở.

Đại diện Bộ Y tế khẳng định, đối với lĩnh vực y tế, salbutamol là hoạt chất được sử dụng làm thuốc điều trị từ nhiều năm nay.


Đàn lợn dùng salbutamol lâu sẽ đứng không vững vì xương yếu.
Các thuốc thành phẩm chứa hoạt chất Salbutamol được sử dụng trong ngành y tế chủ yếu trong khoa hô hấp với các chỉ định thăm dò chức năng hô hấp, điều trị cơn hen, ngăn cơn co thắt phế quản do gắng sức, điều trị tắc nghẽn đường dẫn khí hồi phục được, điều trị cơn hen nặng, cơn hen ác tính, viêm phế quản mạn tính, giãn phế nang.

Trao đổi với VTC News, một lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết: Salbutamol sử dụng trong lĩnh vực y tế là rất cần thiết để chữa bệnh. Và chỉ những công ty có đăng ký còn hiệu lực và có nhà máy đủ tiêu chuẩn mới được nhập.

Bộ Y tế cho nhập là căn cứ vào nhu cầu điều trị nhưng bộ này cũng rất khó để kiểm soát nếu thuốc để trị bệnh được tuồn bán cho người chăn nuôi như một chất tạo nạc cho lợn.

Clip: Ngư dân nhuộm đỏ con ruốc 'đầu độc' người ăn

Hiện nay, salbutamol bị cấm dùng trong chăn nuôi gia súc do các ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng nhưng tình trạng dùng lậu vẫn diễn ra.

Về việc sử dụng thuốc chữa bệnh sai mục đích, Phó cục trưởng Cục quản lý Dược, Bộ Y tế Nguyễn Tất Đạt nói: "Người sử dụng thuốc Salbutamol trong y tế để tạo nạc cho lợn sẽ chịu mức tù 10 năm theo Luật hình sự bổ sung.

Để siết chặt việc nhập khẩu salbutamol, cuối tháng 11/2015, Cục Quản lý Dược thông báo đến các cơ sở nhập khẩu, các Sở Y tế, Tổng cục hải quan về việc tạm ngừng nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol.

Ngoài ra, Bộ này đã đề xuất bổ sung vào luật Dược sửa đổi nội dung đưa các nguyên liệu, các thuốc bị cấm sử dụng trong các lĩnh vực khác, trong đó có Salbutamol vào nhóm 'thuốc phải kiểm soát đặc biệt".

Do đó, nếu Luật Dược sửa đổi được thông qua với quy định đưa salbutamol vào danh mục thuốc cần kiểm soát đặc biệt, Bộ Y tế sẽ kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu nhập khẩu, phân phối và sử dụng. 
Nói về tác hại khôn lường của salbutamol, kỹ sư chăn nuôi Nguyễn Quý Thạch cho biết, nếu ăn thịt lợn có chứa salbutamol, sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng vì thịt lợn được sử dụng thường xuyên, lâu dài trong bữa cơm của người Việt Nam.

Salbutamol thuộc họ Beta – agonist, thuốc Salbutamol được dùng ở người cũng được các chuyên gia khuyến cáo phải thận trọng khi dùng cho người đang có bệnh tim mạch như tăng huyết áp, bệnh tiểu đường và phụ nữ đang mang thai.

Salbutamol có thể gây nhược cơ, làm giảm vận động của cơ, khớp, khiến cơ thể phát triển không bình thường. Khi ăn thịt lợn có salbutamol cũng có tác dụng giống như khi uống thuốc này. Lượng Salbutamol còn tồn dư trong thịt bao nhiêu sẽ được cơ thể người hấp thu bấy nhiêu.

Clip: Giật mình hơn 6 triệu con lợn nhiễm chất cấm salbutamol đã được người Việt tiêu thụ

Nguyễn Tâm

Bình luận
vtcnews.vn