Bộ Y tế khuyến cáo bệnh hay gặp mùa hè

Sức khỏeThứ Năm, 08/05/2014 10:17:00 +07:00

(VTC News) - Vào đầu hè, ngoài dịch sởi đang hoành hành, bệnh thủy đậu, viêm não virus, tay chân miệng có nguy cơ bùng phát.

(VTC News) - Vào đầu hè, ngoài dịch sởi đang hoành hành, bệnh thủy đậu, viêm não virus, tay chân miệng có nguy cơ bùng phát.

Với bệnh sởi, từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 4.180 trường hợp mắc sởi xác định trong số 16.168 trường hợp sốt phát ban nghi sởi tại 62/63 tỉnh, thành phố.

Có 136 trường hợp nặng xin về và tử vong liên quan đến sởi tại khu vực miền Bắc.

Hầu hết các trường hợp mắc sởi là trẻ em dưới 10 tuổi. Trong đó 12,5% là trẻ nhỏ dưới 9 tháng tuổi. 86,4% số trường hợp mắc sởi chưa tiêm vắc xin sởi hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng. Dịch xảy ra trên diện rộng, hiện chỉ xảy ra rải rác tại các xã phường, không còn các ổ dịch tập trung.

 
Bệnh tay chân miệng: Theo nhận định của Bộ Y tế, đã có 18.659 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng tại hầu hết các tỉnh trên cả nước. Ghi nhận 2 trường hợp tử vong tại Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu là các tỉnh tại khu vực miền Nam với tác nhân gây bệnh là EV71.

Sốt xuất huyết: Tích luỹ từ đầu năm 2014, cả nước ghi nhận 8.137 trường hợp mắc tại 41 tỉnh/thành phố, 4 trường hợp tử vong tại Bình Dương, TP.HCM, Cà Mau và Bình Phước. So với cùng kỳ năm 2013 (13.296/10), số mắc giảm 38,8%, tử vong giảm 6 trường hợp.

Số ca mắc tập trung chủ yếu ở khu vực miền Nam với 83,8% số mắc cả nước. Trong đó có  TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An.

Bộ Y tế nhận định, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành ở mức cao tại các nước khu vực Đông Nam Á. Thời điểm bắt đầu mùa mưa (tháng 5) là thời điểm vào mùa dịch.

Hiện, bệnh chưa có thuốc và vắc xin điều trị đặc hiệu cùng với tập quán trữ nước tại nhiều địa phương nguy cơ xảy dịch là rất lớn.

Vì vậy, Bộ này khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống như diệt bọ gậy, lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi chủ động tại các điểm nguy cơ cao, xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện để giảm tối đa số mắc, tử vong là rất cần thiết.

Thủy đậu: Trung bình hàng năm số mắc thủy đậu khoảng 30-40 nghìn trường hợp, bệnh thường nhẹ và hầu như không có tử vong. Tích lũy từ đầu năm 2014 đến nay cả nước ghi nhận 16.380 trường hợp mắc tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, không ghi nhận tử vong.

Một số tỉnh có số mắc cao trong 3 tháng 2014 là: Hà Nội có 869 ca, Khánh Hòa có 851 ca, Đà Nẵng là 771, Bà Rịa - Vũng Tàu: 769, Nghệ An: 669.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: Thủy đậu là bệnh truyền nhiễm dễ lây lan, hầu hết bệnh ở mức độ nhẹ. Tuy nhiên nếu như không kịp thời phát hiện, cách ly các trường hợp mắc bệnh thì vi rút sẽ rất dễ phát tán và lây sang người khác qua dịch miệng, mắt, mũi.

Viêm não virus: Đến nay cả nước ghi nhận 191 trường hợp mắc, 03 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ 2013 (175/5) số mắc cả nước tăng 9,0%, tử vong giảm 02 trường hợp.

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Năm 2013 đã có 3.854.311 lượt trẻ chiếm 92,9% đối tượng từ 1-5 tuổi được tiêm mũi 3 vắc xin viêm não Nhật Bản.

Ông Phu nhận định: Bệnh viêm não virus thường gia tăng vào mùa hè, do đó trong thời gian tới có thể số mắc tiếp tục gia tăng.

» 6 khuyến cáo để khống chế bệnh tay – chân – miệng
» Sởi chưa dứt, bệnh tay chân miệng và thủy đậu bùng phát
» Biến chứng bệnh tay chân miệng có thể tử vong
» Bệnh tay chân miệng: trái chu kỳ, khó nhận diện
» 5 căn bệnh có nguy cơ tử vong cao ở trẻ em

Nam Anh

             

Bình luận
vtcnews.vn