"Bộ Y tế điều chỉnh giá viện phí là hoàn toàn hợp lý"

Thời sựThứ Tư, 25/08/2010 03:40:00 +07:00

(VTC News) – “Xét về nguyên tắc, chủ trương, chính sách đến nguyên tắc xây dựng giá, cơ sở xây dựng giá thì Bộ Y tế xây dựng là đúng và chính xác".

(VTC News) – “Xét về nguyên tắc, chủ trương, chính sách đến nguyên tắc xây dựng giá, cơ sở xây dựng giá thì Bộ Y tế xây dựng là đúng và chính xác, có cơ sở khoa học và làm rất cẩn thận, tập hợp từ các đơn vị cơ sở, có điều tra, có đánh giá, có kiểm tra, khảo sát chứ không phải làm một cách vội vã…”, ông Nguyễn Ngọc Hiền, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội cho biết.

 

Thông tin giá viện phí sẽ tăng do Bộ Y tế đề xuất đã khiến dư luận “giật nảy mình”, nhất là với những người nghèo. Theo Bộ Y tế việc tăng giá viện phí tới đây sẽ không ảnh hưởng nhiều tới người dân, vì đã có bảo hiểm y tế và các chính sách hỗ trợ của nhà nước. Để hiểu rõ vấn đề này, phóng viên Báo điện tử VTC News đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.

 

- Bộ Y tế vừa có dự thảo về tăng viện phí, đây được xem là cú sốc với người nghèo, dưới góc độ là lãnh đạo bệnh viện cảm nghĩ của ông về vấn đề này như thế nào?

 

Thứ nhất, ngay từ nghị quyết 46 của Bộ Chính trị đã có quy định về việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, viện phí. Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nghị quyết của Quốc hội cũng cho phép Bộ Y tế phải tính đúng, tính đủ các chi phí giá dịch vụ y tế. Vì vậy về mặt chủ trương là hoàn toàn đúng đắn.

 

Thứ hai, chủ trương của Chính phủ là giảm bao cấp cho các đơn vị thực hiện cung cấp dịch vụ y tế, và chuyển bao cấp của nhà nước sang cho người sử dụng dịch vụ y tế, tức là thông qua hệ thống bảo hiểm. Bảo hiểm mà phát triển được sẽ tạo ra sự công bằng để người dân tiếp cận các dịch vụ y tế, được chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là người nghèo. Tiến tới việc giảm dần chênh lệch giữa người giàu, người nghèo.

 

Giá phí hiện nay đang áp dụng là được ban hành từ Thông tư 14 ngày 30/9/1995. Giá này chỉ bao gồm một phần chi phí dịch vụ y tế, chủ yếu bao gồm chi phí về thuốc, hóa chất, vật tư, tiêu hao, dịch truyền máu và các sản phẩm máu, tức là chỉ chiếm 30% đến 50% chi phí thực tế. Về mặt giá cả, từ năm 1995 đến nay, chỉ số giá cả đã tăng lên rất nhiều, đặc biệt là đối với các dịch vụ y tế, các vật tư y tế tiêu hao… phần lớn là hàng nhập khẩu. Khi tỉ giá đồng đô la thay đổi, nó đã tăng lên rất nhiều.


 Ông Nguyễn Ngọc Hiền, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Hà Nội.

 

Bộ y tế đưa ra dự thảo điều chỉnh tăng giá viện phí đợt vừa rồi chỉ đưa ra 350 dịch vụ của giá đã ban hành kèm theo Thông tư số 14 năm 1995, tức là một số mức giá quá lạc hậu. Con số 350 chỉ chiếm một tỉ trọng nhỏ, 350/3.000 dịch vụ y tế. Như vậy điều chỉnh không phải là điều chỉnh tất cả mà chỉ mới là điều chỉnh một phần để tránh những bất hợp lý.

 

- Cơ sở nào để Bộ Y tế đề xuất tăng viện phí, thưa ông?

 

Cơ sở để điều chỉnh là căn cứ vào cơ cấu giá và các chi phí thực tế để thực hiện một dịch vụ y tế tiêu chuẩn. Và các chi phí để thực hiện một dịch vụ y tế tiêu chuẩn không phụ thuộc vào ý chí chủ quan của con người, nó là quy luật khách quan. Để thực hiện một ca khám bệnh phải cần bao nhiêu tiền, một ca mổ phải cần bao nhiêu tiền? Chi phí một ngày giường bệnh là bao nhiêu mà không phụ thuộc vào ý muốn của ai cả. Thực tế là như vậy.

 

Xét về nguyên tắc, chủ trương, chính sách đến nguyên tắc xây dựng giá, cơ sở xây dựng giá thì Bộ Y tế xây dựng là đúng và chính xác, có cơ sở khoa học và làm rất cẩn thận, tập hợp từ các đơn vị cơ sở, có điều tra, có đánh giá, có kiểm tra, khảo sát chứ không phải làm một cách vội vã.

 

Khi giá được phê duyệt thì tác dụng đầu tiên là giúp cho các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế duy trì, phát triển được dịch vụ đó và nâng cao chất lượng dịch vụ. Nếu giá không phát triển, dù nhà nước có cấp đủ trang thiết bị nhưng nếu giá thấp hơn chi phí thực tế thì không thể duy trì được. Về mặt xã hội, khi bảng giá được phê duyệt chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền thì bảo hiểm sẽ thay mặt người dân, đặc biệt là người dân nghèo, đứng ra trả tiền dịch vụ y tế đó.

 

Như vậy, trong tổng số chi phí điều trị của người nghèo thì người nghèo cùng chi trả là 5%, nhưng cơ cấu viện phí đợt này chỉ nằm trong khoảng 20% đến 30% của tổng chi phí viện phí của đợt điều trị. Ngoài tiền viện phí còn tiền thuốc (chiếm khoảng 60% tổng chi phí), vật tư tiêu hao trực tiếp theo giá thực tế. Như vậy tính ra người nghèo phải trả thêm khoảng 1,5% chi phí. Đây là con số rất nhỏ và vì vậy, tác động của việc tăng giá viện phí tới người nghèo là ít. Và họ lại có cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn. Vấn đề tăng thêm 1,5% đối với người nghèo thì vẫn phải có những giải pháp. Nhà nước đã có Quyết định số 39 quy định về việc các tỉnh lập quỹ hỗ trợ người nghèo, khi họ khám chữa bệnh vượt quá khả năng chi trả ở những trường hợp không may mắc bệnh nặng hay quá tốn kém. Đó chính là cơ chế bảo vệ người nghèo của nhà nước. Về cơ sở khám chữa bệnh thì cũng phải xây dựng quỹ giúp đỡ người nghèo, mà chủ yếu kêu gọi các nhà tài trợ.

 

Thứ hai là bộ phận những người cận nghèo, rơi vào những người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, diêm nghiệp, họ được hỗ trợ 50% chi phí mua bảo hiểm y tế. Đối với hộ gia đình, từ người thứ ba trở đi mua bảo hiểm y tế còn được giảm tiền.

 

Đến khi nào người bệnh mới được một mình một giường? Ảnh: Internet


Đối với những người có khả năng chi trả, nếu duy trì việc bao cấp của nhà nước qua giá đối với các đơn vị cung cấp dịch vụ y tế, vô hình chung nhà nước đã bao cấp tràn lan đối với các đối tượng không đáng được bao cấp.

 

Hiện nay nhà nước đã giảm dần bao cấp cho các bệnh viện. Năm 1995 bệnh viện Bạch Mai được bao cấp 60% nhưng đến năm nay, con số đó là chưa đầy 3%, tức là giảm 20 lần. Nhà nước đã bỏ ra rất nhiều tiền để mua bảo hiểm cho người dân. Con số năm nay là 53 triệu người dân được mua bảo hiểm y tế, tăng hơn 10 triệu so với năm ngoái mà chủ yếu là rơi vào người nghèo. Con số thu của bảo hiểm y tế năm nay so với năm ngoái là tăng gấp đôi do hai nguyên nhân chính là số lượng thẻ cấp ra và đối tượng người nghèo được nhà nước cấp tiền mua cho hay đối tượng trẻ em dưới 6 tuổi. Thêm một nguyên nhân tăng của bảo hiểm y tế là lương đã được điều chỉnh từ 620 nghìn lên 730 nghìn nên tỉ lệ phần trăm đó cũng tăng. Luật bảo hiểm y tế cũng đã thay đổi áp dụng từ ngày 1/10/2009, quy định tỉ lệ đóng tăng từ 3% lên 4,5%.

 

Có thể kết luận, toàn bộ việc điều chỉnh giá viện phí đợt này của Bộ Y tế là hoàn toàn chính xác.

 

- Người dân nước ta vẫn còn nghèo, mặc dù chúng ta cũng đã có quỹ người nghèo, rồi bảo hiểm y tế nhưng khi tăng viện phí như thế này thì đó có phải là gánh nặng cho người dân hay không, thưa ông?

 

Tôi cho rằng, khi điều chỉnh viện thì thì người nghèo chính là những người được hưởng lợi nhiều nhất. Vì khi điều chỉnh viện phí, y tế tuyến huyện và tuyến tỉnh được củng cố và duy trì. Nhà nước có Quyết định 430 và Quyết định 97 để tăng cường cơ sở vật chất cho y tế tuyến huyện và tuyến tỉnh. Đây là những cơ sở y tế mà người nghèo trực tiếp tới khám chữa bệnh.

 

- Một số ý kiến cho rằng, bệnh viện tuyến trung ương nên do Bộ Y tế quyết định về giá và bệnh viện tuyến tỉnh thì do Chủ tịch tỉnh quyết định về giá, theo ông phương án này có khả thi không?

 

Việc này là theo nguyên tắc phân cấp. Mà giá hiện nay do Bộ Y tế đưa ra là khung giá. Khung giá tương đối rộng để căn cứ vào tình hình thực tế từng địa phương, từng tỉnh để áp dụng cho hợp lý. Khung giá ban hành phải có giá trị trong một thời gian nào đó để như trong một năm có biến động về giá thì có thể điều chỉnh dần về giá nằm trong khung giá đó.

 

- Thưa ông, tại bệnh viện Bạch Mai có chính sách hay nguồn kinh phí nào nào hỗ trợ bệnh nhân nghèo và có thẻ bảo hiểm khi họ là những bệnh nhân phải lưu lại bệnh viện lâu ngày?

 

Hiện nay, bệnh viện chúng tôi có rất nhiều cách hỗ trợ. Thứ nhất, là hỗ trợ để người dân hiểu biết chế độ, chính sách, làm đầy đủ mọi thủ tục để được hưởng bảo hiểm y tế, đây là điều cực kỳ quan trọng. Nhiều khi có những người dân có thẻ bảo hiểm y tế nhưng lại không dùng tức là họ tự làm mất quyền lợi của chính mình.

 

Ví dụ: như những người bị bệnh mãn tính thì phải hướng dẫn người ta về địa phương đăng ký với chính quyền địa phương, để được cấp thẻ bảo hiểm y tế hoặc được tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện. Thứ hai, đối với những bệnh nhân có hoàn cảnh quá khó khăn, bệnh viện có chính sách miễn giảm. Chẳng hạn, khoa Thận nhân tạo phải đóng 5% kinh phí nhưng chúng tôi miễn giảm cho rất nhiều người ở mức 50% của 5% tức là 2,5%. Còn những người hưởng chế độ chính sách thì không phải trả thêm. Chúng tôi lấy nguồn từ quỹ tài trợ của các công ty và quyên góp.

 

- Dư luận lo ngại rằng, nếu dự án tăng viện phí được thông qua thì các bệnh viện và phòng khám tư nhân có cớ để ăn theo giá viện phí, và việc tăng này là rất khó kiểm soát, ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

 

Chúng ta có hai hệ thống là bệnh viện công và bệnh viện tư, nhưng bệnh viện công chiếm tới hơn 90% dịch vụ y tế. Khi năng lực của các cơ sở khám chữa bệnh, đặc biệt là tuyến huyện, tuyến tỉnh  được củng cố thì có nghĩa rằng, nguồn cung dịch vụ cho người dân được tăng lên và người dân sẽ đến đây vì dễ dàng tiếp cận, không phải chờ đợi và người ta sẽ không đến với các cơ sở y tế tư nhân. Y tế tư nhân có thể căn cứ vào đó để tăng giá, nhưng nó chỉ tác động với những người có khả năng chi trả.

 

- Thưa ông, ông có đồng tình với việc tăng viện phí phải đi liền với những chính sách cho người nghèo, có như vậy mới tạo được sự đồng thuận trong xã hội?

 

Việc điều chỉnh giá viện phí về chủ trương chính sách xã hội thì đúng, chúng ta đã đi trước một bước về chính sách xã hội, thông qua Luật bảo hiểm y tế có hiệu lực từ 1/10/2009. Theo Luật đó nhà nước bỏ ra 100% tiền ra mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo. Thứ hai, nhà nước có Quyết định số 39 để bảo vệ những người nghèo, để họ cùng chi trả một phần nhỏ viện phí, mà nếu họ vẫn không đủ khả năng chi trả thì đã có quỹ hỗ trợ.

 

- Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

 

Kiên Cường


Mời Quý độc giả chia sẻ cảm xúc, suy nghĩ và hiến kế để
Việt Nam có nhiều Ngô Bảo Châu hơn nữa
Bấm vào đây để viết ý kiến, hoặc gửi về email
[email protected] 


Bình luận
vtcnews.vn