Bộ Y tế: Bằng giả trong lĩnh vực y tế nguy hiểm chết người

Sức khỏeThứ Năm, 15/01/2015 06:46:00 +07:00

Ông Phạm Văn Tác, vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế khẳng định: Xử lý triệt để vụ việc bằng giả ở Thanh Hóa.

(VTC News) – Ông Phạm Văn Tác, vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế đánh giá việc làm giả bằng trong lĩnh vực y tế là nguy hiểm và yêu cầu xử lý triệt để vụ làm bằng giả ở Thanh Hóa.

Trao đổi với VTC News, vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế Phạm Văn Tác cho biết, chiều 14/1, ông đã kịp thời ký công văn gửi Sở Y tế Thanh yêu cầu giải quyết nghiêm túc vụ việc này.

Đồng thời, gửi thông tin đến các cơ quan chức năng để xử lý triệt để. Vi phạm đến đâu  xử lý đến đó.
Danh sách 20 cán bộ dùng bằng giả và sửa bằng. 
Đầu tiên phải  xử về pháp lý đã rồi sau đó xử lý về mặt chuyên môn. Sau đó, xem tác động của việc đó đến đâu để có biện pháp tiếp theo.


Nhận định về vụ việc, một lãnh đạo của vụ này chia sẻ: Ngay sau khi có thông tin trên, vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ đã chủ động chỉ đạo Sở Y tế Thanh Hóa.

Hướng xử lý thuộc thẩm quyền Sở Y tế Thanh Hóa. Về mặt quản lý Nhà nước, bằng cấp văn bản thì theo Luật viên chức. Ai dùng bằng giả trong hồ sơ thì phải xử lý nghiêm, với những cán bộ làm y tế cần có mức xử lý thật thích đáng. Sở Y tế sẽ làm việc cụ thể và trình lên UBND tỉnh Thanh Hóa.

Vị lãnh đạo này khẳng định: Nếu người không biết gì về chuyên môn mà sử dụng bằng giả sẽ rất có hại. Không thể nào chấp nhận việc không có bằng cấp chuyên môn lại làm về chuyên môn. Nhưng cũng phải xem các khía cạnh.

Nếu người ta có bằng cấp chuyên môn rồi, ví dụ bằng trung cấp nhưng sau đó mua bán ở đâu đó được bằng cao đẳng. Tuy nhiên, việc làm giả bằng trong lĩnh vực y tế là không chấp nhận được vì ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh.

“Để hạn chế bằng cấp giả, chúng tôi có văn bản chỉ đạo rà soát kiểm tra lại hồ sơ đang có đồng thời với những cán bộ tuyển dụng mới thì phải xem xét chặt chẽ”, ông này nói.

Trước đó, các Sở, ban ngành và UBND các cấp tỉnh Thanh Hóa tiến hành kiểm tra, rà soát bằng cấp của cán bộ, công chức, viên chức.

Qua kiểm tra, Sở Y tế Thanh Hóa phát hiện 18 trường hợp sử dụng bằng chuyên môn giả, 2 trường hợp sửa bằng. Các loại bằng chứng nhận trình độ chuyên môn giả gồm: 3 trường hợp cao đẳng điều dưỡng, 1 trung học điều dưỡng; 4 dược sĩ trung học; 7 y sĩ, 1 cao đẳng tin học, 1 trung cấp tin học; 1 kỹ thuật viên xét nghiệm trung học và 2 trường hợp sửa bằng y sĩ.
 
Tại huyện miền núi Quan Sơn có 3 trường hợp sử dụng văn bằng giả1 trường hợp sửa bằng; huyện Ngọc Lặc có 2 trường hợp sử dụng bằng giả công tác ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Ngọc Lặc, 1 trường hợp sử dụng bằng giả công tác ở Trạm y tế xã Kiên Thọ.


Huyện Thiệu Hóa có 2 trường hợp sử dụng bằng giả công tác ở cơ sở y tế tuyến huyện; trung tâm y tế huyện Triệu Sơn có 1 trường hợp sử dụng bằng sửa, một trường hợp ở Trạm y tế thị trấn sử dụng bằng giả.

Bệnh viện Đa khoa, Bệnh viện Nội tiết tỉnh, Bệnh viện Đa khoa TP cũng có 1 trường hợp sử dụng bằng chuyên môn giả. Sở Y tế Thanh Hóa đã thu hồi, cắt góc bằng giả đồng thời chuyển tài liệu cho cơ quan công an tiếp tục làm rõ nguồn gốc các loại bằng giả.

Sở này cũng yêu cầu đơn vị sử dụng lao động buộc thôi việc đối với viên chức, người lao động, nhân viên y tế sử dụng bằng giả.

Còn trong văn bản Bộ Y tế gửi Sở Y tế Thanh Hóa đề nghị Sở Y tế làm rõ trách nhiệm của cá nhân, tập thể liên quan trong vụ việc 20 viên chức, người lao động sử dụng bằng giả.

Trên cơ sở đó thực hiện kiểm điểm, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không để ảnh hưởng đến công tác chuyên môn, báo cáo cơ quan có thẩm quyền của tỉnh cho ý kiến chỉ đạo và báo cáo Bộ Y tế.

» Đuổi học nữ sinh dùng bằng giả học liên thông đại học
» Cách chức chủ tịch xã 'mượn' bằng anh vợ để thăng quan
» Hiệu trưởng dùng bằng tốt nghiệp của người đã mất

Nam Anh

Bình luận
vtcnews.vn