Bộ Truyền thông Nga đổi thành Bộ phát triển Kỹ thuật số và Truyền thông thông tin

Thế giớiThứ Năm, 17/05/2018 14:18:00 +07:00

Thay đổi tên gọi và cấu trúc Bộ Truyền thông Nga là một phần quan trọng trong chiến lược tái thiết triệt để cơ cấu chính phủ nhiệm kỳ mới của Tổng thống Nga Putin.

Sự thay đổi chiến lược

Theo thông báo từ Điện Kremlin, Tổng thống Putin phê duyệt thông qua bản dự thảo cấu trúc bộ máy nhân sự của chính phủ trong nhiệm kỳ 2018 – 2024 do ông Medvedev trình lên vào hôm 15/5.

Theo bản dự thảo, Bộ Truyền thông Nga sẽ đổi thành Bộ Phát triển Kỹ thuật số và Truyền thông thông tin. Đây được coi là sự thay đổi chiến lược nhằm hiện thực hóa kế hoạch công nghệ số được nhà lãnh đạo Nga nêu ra trong Thông điệp liên bang hôm 1/3/2018.

Quyết định của Tổng thống Nga Putin về việc thay đổi nhân sự và cấu trúc của Bộ Truyền thông Nga nằm trong tổng thể tái thiết cơ cấu chính phủ nhiệm kỳ 2018-2014 được xem là bước đi đột phá có tác động lớn tới định hướng phát triển toàn diện của Nga trong thời gian tới.

1516160163

Tổng thống Nga Vladimir Putin.  

Theo giám đốc Trung tâm Kỹ thuật số thuộc Đại học quốc gia Matxcơva ông Evgeniy Babayan, quyết định này của chính phủ mới cho thấy tham vọng về phát triển ngành công nghiệp trí tuệ nhân tạo và lĩnh vực rô-bốt của Nga.

Đồng thời, ông Babayan nhận định đầu tư công nghệ kỹ thuật trong lĩnh vực truyền thông thông tin chỉ là một phần nhỏ trong kế hoạch tái cấu trúc tổng thể của Nga, nếu đạt được hiệu quả nó sẽ là một cuộc cách mạng đối với mọi ngành nghề, từ điện tử hóa nền kinh tế, áp dụng công nghệ cao vào giáo dục, y tế và đặc biệt cần thiết cho việc xây dựng chính phủ điện tử, cải cách hệ thống cơ quan hành chính công.

Ngoài ra, theo dự thảo này, Bộ Giáo dục Nga sẽ được chia thành 2 cơ quan mới là Bộ Khai sáng và Bộ Khoa học và Giáo dục trình độ cao. Bộ Khai sáng sẽ phụ trách các vấn đề liên quan đến giáo dục mầm non đến trung học, còn Bộ khoa học và giáo dục trình độ cao sẽ ưu tiên các nhiệm vụ phát triển giáo dục bậc cao và các vấn đề khoa học trong cả nước.

Hơn nữa, cơ quan ngoại thương trực thuộc Bộ Kinh tế sẽ được chuyển giao cho Bộ Công nghiệp. Còn cơ quan đặc trách về thanh niên nằm dưới sự quản lý của Bộ Giáo dục sẽ tách ra thành cơ quan ngang Bộ, trực thuộc chính phủ.

Việc thay đổi nhân sự cấp cao gần như triệt để của chính phủ nhiệm kỳ mới cho thấy quyết tâm cao của chính quyền Putin về kế hoạch tái cấu trúc nước Nga theo hướng phát triển hiện đại. Hướng ưu tiên dành cho giáo dục, kỹ thuật số và thương mại quốc tế là một sự đầu tư chiến lược dài hạn của Nga, nhằm hòa nhập vào xu thế chung của thời đại.

Mục tiêu thực hiện "Đại kế hoạch" về cải cách chính sách đối nội

Trong sắc lệnh đầu tiên của Tổng thống Putin ở nhiệm kỳ thứ 4, nhà lãnh đạo Nga đã nêu ra những mục tiêu quốc nội ưu tiên mà chính phủ Nga sẽ thực hiện trong 6 năm tới. Đó là cuộc chiến chống đói nghèo, giảm tỉ lệ tử, tăng tỉ lệ sinh, phát triển nguồn lực thanh thiếu niên toàn liên bang Nga.

920640584 3

Chính phủ Nga thể hiện quyết tâm mạnh mẽ với những cải cách đột phá. 

Bà Tachiana Galikova, Phó thủ tướng phụ trách các vấn đề xã hội khẳng định, để thực hiện thành công những mục tiêu trên, nước Nga cần thúc đẩy những cải cách xã hội sâu rộng trong thời gian tới. Sắc lệnh về "Mục tiêu quốc gia và nhiệm vụ phát triển chiến lược Liên bang Nga trong giai đoạn đến 2024”  của Tổng thống Putin sẽ định hình chính sách tương lai của chính phủ mới trong lĩnh vực xã hội.

Theo sắc lệnh này, V. Putin yêu cầu chính phủ Thủ tướng Medvedev tới năm 2024, phải giảm một nửa tỷ lệ người nghèo trong cả nước, trong đó cần bảo đảm nguồn thu nhập vững chắc cho người dân, phúc lợi hưu trí cao hơn, giảm mức lạm phát.

Ngoài ra, tới năm 2024, tuổi thọ trung bình của người Nga sẽ được năng lên 78 năm và hướng tới mục tiêu năm 2030 là 80 tuổi. Tỷ lệ sinh toàn liên bang phải đạt mức tăng 1,7 %. Chính phủ Nga sẽ tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ gia đình đông con, chính sách bà mẹ và trẻ em, bảo đảm an sinh xã hội cho người cao tuổi.

Trong lĩnh vực sức khỏe, y tế, chính phủ Nga quyết tâm giảm tỉ lệ tử vong đối với người dân trong độ tuổi lao động và trẻ em, hoàn thiện hệ thống y tế cơ sở. Về giáo dục, tới năm 2024, Nga đặt kế hoạch phải lọt vào Top 10 nước có chất lượng giáo dục tốt nhất thế giới. Theo đó, ngành giáo dục sẽ áp dụng những phương pháp đào tạo mới trong các trường phổ thông, nhằm tăng cường động lực và khuyến khích phát triển tài năng ở lứa tuổi thanh thiếu niên.

Sau khi tái đắc cử chức vụ thủ tướng Liên bang Nga, D.Medvedev và thành phần nội các mới cũng đã trình lên Tổng thống Putin phương hướng phát triển đất nước giai đoạn 2018 – 2024. Nền tảng của phương hướng này là thực hiện “25 đại kế hoạch” ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế, trong đó có 13 dự án lớn đã và đang được phát triển.

Một số lĩnh vực phát triển mới mẻ và đòi hỏi nhiều vốn đầu tư như: chương trình chữa trị ung thư, chương trình truyền thông kĩ thuật số cho trường học và khu vực hành chính công, sửa chữa đường xá và đầu tư xây dựng “chính phủ điện tử”.

Những dự án này đòi hỏi khoản chi ngân sách rất lớn để chính phủ Thủ tướng Medvedev có thể hoàn thành theo đúng kế hoạch đề ra. Trong khi đó, chính phủ còn phải xem xét về việc tăng lương hưu trí và phúc lợi xã hội cho người dân. Vấn đề cân đối ngân sách quốc gia sẽ là một bài toán hóc búa cho những tham vọng trong nhiệm kỳ 6 năm tới của bộ đôi quyền lực Putin – Medvedev.

Phong Vũ
Bình luận
vtcnews.vn