Bộ trưởng Y tế: Không tự chữa tay chân miệng!

Tổng hợpThứ Hai, 21/11/2011 10:20:00 +07:00

Từ đầu năm đến nay, tại Việt Nam, số ca mắc bệnh tay chân miệng đã tăng vọt lên gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2010.

Từ đầu năm đến nay, tại Việt Nam, số ca mắc bệnh tay chân miệng đã tăng vọt lên gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2010, số người tử vong vì căn bệnh này cũng tăng chóng mặt lên gấp 25 lần. Tình hình dịch bệnh tay chân miệng đang ở trong tình thế hết sức cấp bách.

Đó là nhận định của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân trong Hội nghị Tăng cường các biện pháp phòng chống bệnh tay chân miệng diễn ra sáng ngày 20/11.
63 tỉnh thành đều có dịch 
Cụ thể, hiện nay toàn quốc đã có hơn 90 ngàn ca tay chân miệng lan rộng ra khắp 63 tỉnh thành.
Số ca tử vong tính đến nay là 153 trường hợp. Tháng 9 được coi là thời điểm dịch lên cao nhất với 20.000 ca mắc mới.
Trong xu hướng các tỉnh, thành phía Bắc số ca tay chân miệng bắt đầu giảm từ đầu tháng 10 thì nhiều nơi ở phía Nam dịch vẫn cao, thậm chí giảm rất chậm.
Nguyên nhân của việc này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng do yếu tố thời tiết. Ngoài Bắc đang bước vào tiết thu – đông còn ở phía Nam nhiệt độ cao và nắng nóng tạo điều kiện cho dịch phát triển.
Bộ Trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cảnh báo người dân không nên dùng thuốc điều trị
tay chân miệng bừa bãi. Ảnh: Thanh Huyền.
 

Tại buổi hội nghị, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 1, TP.HCM cho biết, tính đến hết tháng 10, tổng số ca tay chân miệng nhập bệnh viện là 10.677 trường hợp. Trong số đó có 761 ca nặng và 41 bé đã tử vong.
Số bệnh nhi tay chân miệng đến từ Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, An Giang, Đồng Nai, Bình Dương chiếm 60,7 % tổng số ca bệnh. Bệnh nhi ở tại TP.HCM chiếm khoảng 39,3%.
Theo bác sĩ Thượng, số bệnh nhi tay chân miệng tăng quá dữ dội khiến Khoa Nhiễm của bệnh viện quá tải.
Bên cạnh đó, số ca nặng chiếm tỷ lệ quá lớn (mỗi ngày từ 5 đến 10 trường hợp) làm bệnh viện thiếu phương tiện hồi sức và cơ số thuốc. Các trường hợp bệnh được điều trị theo phác đồ mọi năm trở nên kém đáp ứng, tử vong tăng.
“Để đáp ứng đủ cho bệnh nhi tay chân miệng cả bệnh viện đang cùng chống dịch. Các khoa khác phải hỗ trợ gián tiếp” – Bác sĩ Thượng nói.
Theo số liệu thống kê từ Sở Y tế TP.HCM, tình hình điều trị tay chân miệng tại 3 bệnh viện chủ lực của TP. là Nhi Đồng 1, 2 và Bệnh Nhiệt Đới khá căng thẳng.
Tính đến ngày 1/11, TP.  có gần 11.000 ca nhập vào 3 bệnh viện trên để điều trị tay chân miệng.
Ngoài ra, 3 bệnh viện này còn phải tiếp nhận thêm 10.470 ca tay chân miệng khác đến từ các tỉnh.
Trước diễn biến phức tạp của bệnh tay chân miệng, ngành y tế và giáo dục TP.HCM đã có sự phối hợp để phòng, chống dịch ở trường học.
Qua đó, thống kê được toàn TP. trẻ mắc bệnh trong độ tuổi đi học là 1.334 ca. Số trường học có trẻ mắc bệnh rải rác ở 14 quận, huyện là 240 trường.
Hiện nay các trường học vẫn duy trì dạy và học, việc đóng cửa trường lớp rất hạn chế. Số trường học phải đóng của từ 1 đến 2 lớp là 13 trường, số trường phải đóng cửa toàn bộ là 6 trường.
Phía Nam tỷ lệ nhiễm tuýp vi rút nguy hiểm cao
Bộ Trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nhìn nhận về tuýp vi rút tay chân miệng năm nay khá nguy hiểm. 
Đó là tuýp vi rút EV71(làm diễn tiến bệnh nặng và tử vong chỉ trong vòng 24 h) chiếm tỷ lệ tới 39,7%.
Riêng khu vực phía Nam, tỷ lệ vi rút EV71 cao nhất, chiếm 56,7%.
Như vậy, đa số các trường hợp tử vong do tay chân miệng hiện nay bị nhiễm tuýp vi rút này.
Theo Bộ Trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, để ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh tay chân miệng ngành y tế không thể một mình mà giải quyết được. Quan trọng nhất vẫn là các phụ huynh phải có ý thức vệ sinh trong việc chăm sóc trẻ.
Trong đợt đi kiểm tra vừa qua, Bộ trưởng Tiến ghi nhận ở Đồng bằng sông Cửu Long còn nhiều hộ dân ý thức rất kém về vệ sinh rửa tay bằng xà bông cho mình và cho trẻ.
Trả lời câu hỏi của báo chí về việc có nên dùng một số loại thuốc được quảng cáo chữa bệnh tay chân miệng trên thị trường, Bộ trưởng Tiến khẳng định: “Cho đến thời điểm này, tay chân miệng vẫn chưa có vắc xin phòng ngừa cũng như thuốc điều trị đặc hiệu. Ngành y tế khuyến khích các nghiên cứu nhưng để đem một loại thuốc nào đó ra sử dụng trên cơ thể con người thì phải trải qua rất nhiều thử nghiệm và đúng quy định của pháp luật.
Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu của bệnh tay chân miệng gia đình cần đưa đến bệnh viện để được điều trị kịp thời chứ không nên tự tiện dùng thuốc ở nhà”. 
Tình hình bệnh tay chân miệng như hiện nay ở Việt Nam cũng là chung bối cảnh với các nước trên thế giới. Việc giao lưu qua lại của người dân qua con đường xuất nhập cảnh là một yếu tố khiến dịch bệnh khó kiểm soát.
Theo Vietnamnet
Bình luận
vtcnews.vn