Bộ trưởng Y tế "giải" quá tải bệnh viện, giá thuốc tăng

Thời sựThứ Hai, 22/11/2010 06:21:00 +07:00

(VTC News) - Bộ trưởng Bộ Y tế vừa trả lời trước Quốc hội: sẽ cố gắng giảm bớt tình trạng giá thuốc tăng; tạo thuận lợi về chi trả BHYT với người bị TNGT.

(VTC News) – Bộ trưởng Bộ Y tế vừa trả lời trước Quốc hội: nhân lực y tế không thiếu; sẽ cố gắng giảm bớt tình trạng giá thuốc tăng; tạo thuận lợi về chi trả BHYT với người bị tai nạn giao thông...

Chiều nay (22/11), trong phần chất vấn dành cho Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu, người đứng đầu ngành y tế đã nêu rõ các nguyên nhân dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến trên – một trong những nội dung được đa số các ĐBQH và cử tri cả nước quan tâm, bức xúc.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu
Theo Bộ trưởng Triệu, nguyên nhân tình trạng quá tải là do dân số tăng nhanh; Do đưa 30 triệu thẻ bảo hiểm y tế miễn phí nên tần suất khám chữa bệnh cũng tăng thêm tới 1,5 lần; Cùng với đó, đời sống người dân phát triển nhiều hơn nên có điều kiện quan tâm đến sức khỏe hơn; Sau 20 năm vận hành theo cơ chế thị trường thì mặt trái là cán bộ có tay nghề cao đổ về đô thị nhiều hơn nên chất lượng tuyến dưới giảm, người bệnh đổ về tuyến trên nhiều hơn; Nguyên nhân nữa là mô hình bệnh tật cũng thay đổi, trước đây chủ yếu là bệnh nhiễm trùng, nay chủ yếu là những bệnh không nhiễm trùng (tim mạch, gout...)

Giá thuốc tăng nằm trong "thị trường không hoàn hảo"

ĐB Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc) đặt câu hỏi, thời gian qua vẫn tồn tại những bức xúc trong dân về giá thuốc tăng, Bộ trưởng có nói là sẽ giải quyết nhưng không biết bao giờ sẽ làm? ĐB Nguyệt cũng đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết "trách nhiệm của Bộ trưởng về quản lý Nhà nước đối với giá thuốc".

Trả lời ĐB Nguyệt, Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, vấn đề giá thuốc được Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội tập trung nhiều công sức, kết quả là gia tăng trung bình 11 mặt hàng thiết yếu là 8,6% thì gia thuốc là 3,2%.

Tại sao có trường hợp giá thuốc tăng đột biến - theo người đừng đầu ngành y tế, qua kiểm tra cho thấy phần tăng này nằm trong 5% thị trường không hoàn hảo, thường thuộc về các loại thuốc mới phát minh - 5% này là điều nhức nhối của nhiều quốc gia chứ không riêng Việt Nam.

Bộ trưởng Triệu thừa nhận một số thuốc xách tay giá rất cao do độc quyền, do phối hợp tăng giá từ ngoài biên giới. "Chúng tôi cũng day dứt và cùng với liên Bộ quản lý giá, Thủ tướng cũng nhắc nhở việc quản lý đối với 5% thị trường không hoàn hảo này".

Về quản lý giá thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, Luật quy định Bộ Y tế chủ trì, Bộ Tài chính, Bộ Công thương phối hợp nhưng theo quy định của Luật thì cũng chỉ thiên về quản lý thị trường hoàn hảo (95%), còn thị trường không hoàn hảo (5%) thì quản lý chưa thực sự sâu. "Chúng tôi sẽ cùng Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội cố gắng giảm bớt tình trạng giá thuốc tăng như ĐB Nguyệt nêu" - Bộ trưởng Triệu "hứa".

Chi trả cho người có thẻ BHYT bị tai nạn giao thông: “Bộ Y tế sẽ tạo thuận lợi cho người dân”

Về vấn đề thanh toán viện phí cho người bị tai nạn giao thông (TNGT) có bảo hiểm y tế (BHYT), ĐB Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận) đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế công bố công khai trước Quốc hội bởi vấn đề này lâu nay vẫn nhiều bất cập, gây bức xúc cho người dân, nhất là những người không may gặp TNGT mà vẫn chịu nhiều phiền phức về viện phí từ bệnh viện.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khẳng định, theo Luật thì người bị TNGT mà không vi phạm an toàn giao thông thì được thanh toán tiền BHYT.

Theo thông tư liên tịch (số 09) của Bộ Tài chính và Bộ Y tế thì khi bị TNGT chưa phân biệt vi phạm hay không vi phạm thì vẫn được thanh toán BHYT, sau khi có xác minh của cơ quan thẩm quyền, nếu người bị tai nạn có vi phạm an toàn giao thông thì phải tự trả viện phí.

Bộ trưởng Triệu cho biết, để thuận lợi cho người bệnh, Bộ Y tế nhận phần khó khăn là cứ tiếp nhận bệnh nhân, cứ thanh toán BHYT, sau khi có kết luận thì ai vi phạm an toàn giao thông sẽ phải trả viện phí, “tất nhiên là sẽ có chế tài để thu hồi”. "Tuy nhiên, đây là thông tư liên ngành nên có ý kiến từ các Bộ khác nhau, vì vậy phải trình Thủ tướng Chính phủ, nếu Thủ tướng Chính phủ có quyết định thì Bộ Y tế sẽ thực hiện".

Nhân trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đề nghị Quốc hội quyết định khi vấn đề còn ý kiến khác nhau giữa các Bộ thì trình lên Thủ tướng, hoặc Bộ có trách nhiệm sẽ đứng ra quyết định và chịu hoàn toàn trách nhiệm về quyết định của mình.

“Quan điểm của Bộ Y tế là nhận khó khăn về quản lý Nhà nước và tạo thuận lợi cho người dân” – Bộ trưởng Triệu khẳng định.

Ở một khía cạnh khác liên quan đến quyền lợi của người bệnh cũng được các ĐBQH chất vấn “gay gắt” tại hội trường – đó là thực trạng nằm ghép giường bệnh tại các bệnh viện.

ĐB Trần Thị Kim Phương (Hà Nội) nêu rõ: “Tại kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 12, Bộ trưởng nói trong 2-3 năm sẽ chấm dứt tình trạng quá tải viện công, chấm dứt tình trạng 1 giường 2 bệnh nhân. Tuy nhiên tại kỳ này Bộ trưởng vẫn báo cáo tình trạng này không những không giảm mà còn trầm trọng hơn. Trách nhiệm của Bộ trưởng như thế nào trước Quốc hội và cử tri cả nước?”

Chất vấn này của ĐB Phương, theo Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu thì là... “câu chuyện tầm phào”! Theo đó, Bộ Y tế chưa bao giờ nói chấm dứt tình trạng ghép giường trong 2-3 năm.

Dẫn chứng, Bộ trưởng Triệu đọc nguyên văn phần gỡ băng thảo luận tại kỳ họp trước, theo đó, tình trạng ghép giường Bộ Y tế quyết tâm giảm được bao nhiêu để dân đỡ khổ bấy nhiêu, thời gian 2-3 năm còn tùy thuộc vào tùy từng bệnh viện.

Bộ trưởng Triệu nhấn lại: "Bộ Y tế rất quan tâm đến vấn đề này, sẽ chấm dứt tình trạng bệnh nhân nằm ghép giường sớm chừng nào chấm dứt chừng đó, còn chấm dứt trong 2-3 năm thì Bộ chưa từng nói”.

Làm thế nào giữ chân cán bộ y tế tay nghề cao?

ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết (Ảnh: TTXVN) 
Liên quan đến vấn đề nhân lực y tế, ĐB Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) đặt câu hỏi, ngoài nguyên nhân như Bộ trưởng Triệu đưa ra là cán bộ y tế có tay nghề cao đổ dồn về đô thị thì nguồn nhân lực y tế hiện nay vẫn rất thiếu, cùng với đó, nhiều bác sỹ, thạc sỹ... y tế trình độ cao muốn ra ngoài làm.

“Làm thế nào để giữ chân những người này” – ĐB Tuyết đặt câu hỏi?

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu khẳng định trước Quốc hội: nhân lực y tế không thiếu!

Tiếp nối ý này, Bộ trưởng Triệu cho rằng, ở Việt Nam lực lượng cán bộ y tế có chất xám cao để 55 tuổi (nữ) và 60 tuổi (nam) về hưu là rất... lãng phí! Theo Bộ trưởng, “không phải về hưu ai cũng muốn ra làm ngoài cả , nhiều người vẫn sẵn sàng tiếp tục làm việc trong bệnh viện vì không quen với quan hệ chủ - thợ ở ngoài”.

“Có những người 55-60 tuổi cho về hưu chúng tôi tiếc lắm!” – Bộ trưởng Triệu bày tỏ.

Cũng theo Bộ trưởng Triệu, cần nâng thêm độ tuổi về hưu đối với cán bộ y tế,. Cùng với đó, tập trung vào chính sách giữ chân cán bộ y tế bằng hình thức cử tuyển, nhận con em dân tộc ở vùng sâu, xa đào tạo thành bác sỹ để về địa phương công tác.

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cũng cho biết, qua làm việc với nước bạn Hàn Quốc, Thái Lan thì nước bạn cho biết, thu nhập cán bộ y tế từ tỉnh đến huyện vùng núi tại nước bạn từ 700 – 1.400 USD nhưng nếu chỉ thế thôi là “không đủ”, nước bạn vẫn phải áp dụng chính sách nghĩa vụ. Theo đó, Bộ Y tế tham mưu với Chính phủ: trách nhiệm “một đời” làm thầy thuốc đều phải công tác tại miền núi và nông thôn.

Theo Bộ trưởng Triệu, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký ban hành Quyết định về chế độ chính sách vùng miền trong đó có chính sách ưu tiên vùng miền, ngành nghề, tính chất độc hại, nguy hiểm...

Vấn đề xem xét tuổi về hưu đối với cán bộ y tế để không lãng phí chất xám ,chiều nay, Bộ trưởng Bộ lao động Thương binh & Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói thêm: “Chúng tôi sẽ nghiên cứu trong Bộ Luật lao động và sớm trình Quốc hội trong thời gian tới”.


Ngày mai (23/11), Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn với Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ GTVT.

Trong đó, nội dung chất vấn Bộ Tài chính xung quanh vấn đề quản lý sử dụng ngân sách; nợ công; việc kiểm tra, thanh tra lĩnh vực tài chính ngân sách, trách nhiệm của Bộ trong việc quản lý tài chính ngân sách trong các doanh nghiệp; quản lý giá...

Nội dung chất vấn đối với Bộ GTVT tập trung vào phân công quản lý; trách nhiệm của Bộ trưởng với Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước đặc biệt với Tập đoàn tàu thủy Việt Nam Vinashin; triển khai các công trình giao thông; ùn tắc giao thông ở các TP lớn...

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn