Bộ trưởng Tuấn Anh: Xử lý 'chặt chém' du khách đầu tiên

Kinh tếThứ Năm, 13/06/2013 11:35:00 +07:00

(VTC News) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị nạn "chặt chém" du khách cần được xử lý đầu tiên để phát triển du lịch.

(VTC News) - Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị nạn "chặt chém" du khách cần được xử lý đầu tiên để phát triển du lịch.

Hôm nay (13/6), tại hội trường Quốc hội, chương trình chất vấn và trả lời chất vấn bước sang ngày thứ hai. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh là người thứ hai trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội về những vấn đề trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.

Chiến dịch bàn tay sắt

Là người đầu tiên tham gia chất vấn, đại biểu Nguyễn Hoài Phương (đoàn Tây Ninh) đề cập tới vấn đề “nóng” của du lịch. Đó là đâu đó có hiện tượng chèo kéo đeo bám, chặt chém đối tượng du lịch cả nước ngoài và trong nước, chất lượng du lịch chưa đồng bộ, kém hấp dẫn, khó thu hút người sử dụng du lịch lần hai.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh
Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đề nghị cần xử lý nạn "chặt chém" du khách đầu tiên (Ảnh: Người lao động)

Đại biểu Đào Xuân Yên (đoàn Thanh Hóa) cũng lo lắng về tình trạng chèo kéo, "chặt chém" làm xấu đi hình ảnh du lịch của Việt Nam trong mắt du khách.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thừa nhận du lịch Việt Nam đâu đó có tình trạng chặt chém, ăn xin, giá cả niêm yết không công khai. Hình ảnh đó tác động vào con mắt du khách khiến người ta phiền lòng. Bộ trưởng cho biết nạn chặt chém đã xuất hiện từ lâu, sau này rộ lên. Theo Bộ trưởng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đề cập vấn đề này và nêu ra 7 giải pháp.

Bộ trưởng cũng nêu ra 3 nguyên nhân của tình trạng chặt chém. Thứ nhất, đó là do phối hợp liên ngành chưa tốt; Thứ hai, việc kiểm tra, giám sát các điểm du lịch, trong đó đặc biệt kể đến các điểm có nguy cơ mất trật tự, chặt chém du khách chưa tốt; Thứ ba là các văn bản liên quan đến xử lý vi phạm này, mức độ xử phạt còn nhẹ. Xử phạt tại các lĩnh vực văn hóa, quảng cáo cũng rất nhẹ. Bộ trưởng cho biết Bộ có báo cáo Chính phủ ban hành Nghị định tăng mức xử phạt.

Về hoạt động "chặt chém" du khách tại Thanh Hóa, Bộ trưởng cho biết Thanh Hóa có chiến dịch bàn tay sắt. Họ đã xử lý hàng loạt vụ việc, có đường dây nóng, có lực lượng bảo vệ, quản lý thị trường. Nếu có vấn đề gì, người dân và du khách sẽ điện về. Ngoài ra, người dân cũng lập Hiệp hội chống chặt chém.

Bộ trưởng cho biết trong thời gian qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với các Bộ, đội thanh niên, phụ nữ để có các chương trình hành động cụ thể. Nhưng các chương trình này mang tính trung hạn và  dài hạn nên không thể một lúc giải quyết hết mọi việc.

Để giải quyết nạn chặt chém du khách cũng như phát triển du lịch, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết Bộ rất cần sự phối hợp của các tỉnh. Bộ trưởng mong các tỉnh phối hợp để có sản phẩm tốt, tăng cường kiểm tra xử lý, trước mắt là xử lý nạn chặt chém du khách.

Bao giờ có cảnh sát du lịch?

Lo ngại tình trạng chặt chém du khách, đại biểu Nguyễn Hoài Phương (đoàn Tây Ninh) chất vấn Bộ trưởng có ý kiến thế nào với đề nghị Chính phủ sớm thành lập lực lượng cảnh sát du lịch.

Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh ghi nhận ý kiến này và cho biết hiện nay nhiều nước có cảnh sát du lịch như Campuchia, Myamar, Philiphines, Ấn Độ, Indonesia,… Trong đó, Indonesia có cảnh sát biển nhưng chỉ tập trung ở vùng trọng điểm.

Bộ trưởng cho biết đã gặp đại tướng Trần Đại Quang, Bộ trưởng Bộ Công an và đề cập tới vấn đề này. Bộ trưởng có trả lời, đây là ý tưởng cần suy nghĩ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong lúc chưa có, Việt Nam đề nghị đội cảnh sát trật tự tham gia vào việc bảo vệ an toàn cho du khách.

Theo Bộ trưởng, hiện có lực lượng thanh niên xung phong bảo vệ du khách ở 30 điểm, có điểm đen của du lịch. Ngoài ra, cần lắp đặt  camera để nắm được tình hình, mở đường dây nóng.

Tóm lại, Bộ trưởng khẳng định nạn chặt chém du khách là có nhưng tình trạng đó không phổ biến. Du lịch Việt Nam vẫn có hình ảnh tốt trong mắt du khách.

Trước khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đánh giá cao vai trò của du lịch trong phát triển kinh tế xã hội. Trước hết là thu ngoại tệ cho đất nước, góp phần tăng tưởng GDP, tạo động lực cho ngành khác phát triển.

Theo Bộ trưởng, trong những năm qua du lịch phát triển tương đối tốt. Năm 1995, du lịch chỉ đóng góp 3,21% GDP, năm 2012, du lịch đóng góp vào GDP gần 6%. Du lịch giải quyết được 1,4 triệu việc làm, chiếm 3,58% trong tổng số lao động. Du lịch  Việt Nam cũng hưởng lợi từ chính sách đầu tư có hiệu quả của Nhà nước. Đến bây giờ, đầu tư nước ngoài vào du lịch, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng khoảng 10 tỷ USD, chiếm 5% đầu tư Việt Nam.

Quan điểm phát triển du lịch theo chiến lược có 5 quan điểm cơ bản. Tuy nhiên, Bộ trường khẳng định hiện nay vẫn chưa thể hài lòng về du lịch vì du lịch có nhiều tiềm năng hơn.

Thanh Hà

Bình luận
vtcnews.vn