Bộ trưởng Tư pháp: Ngày Pháp luật Việt Nam có sức lan tỏa thực sự

Thời sựThứ Sáu, 09/11/2018 10:56:00 +07:00

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đánh giá việc triển khai Ngày pháp luật thực sự đã có tác động đến các bộ, ngành, địa phương và nhân dân.

Tháng 6/2012, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua Luật Phổ biến giáo dục pháp luật (hiệu lực từ ngày 1/1/2013), trong đó có quy định, ngày 9/11 hàng năm là ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Trả lời VTC News bên hành lang Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã làm rõ hơn ý nghĩa, kết quả đạt được sau 5 năm triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam.

bo truong tu phap

 Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

- Những kết quả đạt được sau 5 năm triển khai Ngày Pháp luật Việt Nam, thưa Bộ trưởng?

Ngày Pháp luật Việt Nam đã được quy định tại Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật 2012, có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Trong đó, nội dung nêu rõ: Ngày 9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội.

 
Điều tôi đánh giá kết quả đạt được nhất chính là sức lan tỏa từ Ngày Pháp luật.

Bộ trưởng Lê Thành Long

Đây là một quy định rất quan trọng trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật được các là Bộ, ngành, địa phương và chủ thể liên quan thực hiện rất tốt.

Điều tôi đánh giá kết quả đạt được nhất chính là sức lan tỏa từ Ngày Pháp luật.

Cùng với đó, mỗi năm, Bộ Tư pháp có hướng dẫn chung cho các Bộ, ngành, địa phương. Trên cơ sở “sườn” chung, phải tính tới đặc thù của các địa phương để tổ chức hoạt động cho sát với thực tiễn ở địa phương.

Chẳng hạn, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, TP Hà Nội, TP.HCM dựa trên hướng dẫn chung của Bộ Tư pháp đểu tổ chức các chủ đề  thực hiện nội dung cụ thể, sát với tình hình bộ, ngành, địa phương.

- Như Bộ trưởng vừa chia sẻ, sức lan tỏa của ngày Pháp luật Việt Nam rất lớn, nhưng thực tế cho thấy việc thực thi pháp luật trong chính bộ, ngành, đặc biệt trong cơ quan tư pháp chưa nghiêm. Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?

Phổ biến, giáo dục pháp luật là một khâu rất quan trọng nhưng không phải nói lên tất cả các hiệu quả của thi hành pháp luật. Việc này còn phụ thuộc vào những yếu tố khác nữa.

Việc phổ biến, giáo dục pháp luật, ít nhất giới thiệu các thông tin về pháp luật cho các bộ, ngành, những chủ thể đứng ra tổ chức thi hành pháp luật và những đối tượng thi hành pháp luật trực tiếp chỉ là một trong số các khâu. Còn các yếu tố khác như tính chủ động, nguồn lực thực hiện đối với từng quy định pháp luật cụ thể; ý thức pháp luật của người trực tiếp thi hành pháp luật.

Tôi cho rằng lượng hóa vấn đề này thì rất khó, tuy nhiên đánh giá chung thì có sự chuyển biến rất rõ nét, đặc biệt khi chúng ta tổ chức ngày Pháp luật Việt Nam.

- Cũng có ý kiến cho rằng việc tổ chức ngày Pháp luật Việt Nam còn mang tính hình thức?

Đây chỉ là một ý kiến. Tôi thì không đánh giá như vậy. Tôi cho rằng việc triển khai ngày Pháp luật Việt Nam thực sự đã có tác động đến các bộ, ngành, địa phương và nhân dân.

Việc lượng hóa thì rất khó, đặc biệt tổ chức ngày Pháp luật là “muôn hình vạn trạng”, nhưng ít ra đã thông tin cho bộ, ngành, địa phương, nhân dân biết có một “Ngày Pháp luật”; quan điểm của Nhà nước về tổ chức thi hành pháp luật, tầm quan trọng và sức lan tỏa của việc tổ chức Hiến pháp. Đây là bước tiến rất quan trọng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật.

- Chủ đề Ngày Pháp luật năm 2018 là “Nâng cao hiệu quả công tác xây dựng, thực thi, bảo vệ pháp luật, ý thức tuân thủ pháp luật, góp phần xây dựng nhà nước liêm chính, hành động, kỷ cương, sáng tạo, hiệu quả; xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Theo Bộ trưởng, cần làm gì để triển khai chủ đề này hiệu quả?

Tôi cho rằng cần 3 yếu tố cơ bản:

Thứ nhất, pháp luật phải khả thi, có nghĩa là những quy định của pháp luật về nội dung phải khả thi, không có vướng mắc, chồng chéo giữa các luật hay các quy định pháp luật với nhau.

Thứ hai, sự chủ động và vào cuộc của những người tổ chức thi hành pháp luật. Ở đây, tôi muốn nói đến những người cán bộ công chức, những người trực tiếp cầm cân, nảy mực và có trách nhiệm tổ chức thi hành pháp luật ở các bộ, ngành, địa phương .

Thứ ba là ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Thời gian qua đã có những chuyển biến tích cực. Tuy nhiên trong thời gian tới còn khá nhiều việc phải làm, bám vào 3 yếu tố tôi đã đề cập ở trên.

- Tại phiên chất vấn Quốc hội, Bộ trưởng khẳng định trách nhiệm của người đứng đầu là rất quan trọng? Bộ trưởng chia sẻ thêm về vấn đề này?

Trước hết, thể chế là vấn đề quan trọng, điều chỉnh các lĩnh vực bộ, ngành quản lý cũng bắt đầu từ thể chế; xử lý những vấn đề phát sinh cũng do thể chế và làm sao bảo đảm kết quả phát triển bền vững của bộ, ngành cũng phải thông qua công cụ thể chế.

Chính vì vậy, ý thức để tập trung xây dựng thể chế của những người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương là rất quan trọng. Điều này thể hiện quan điểm thống nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.

- Liên hệ thông qua công tác kiểm tra văn bản năm 2017, hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật được phát hiện sai luật, con số này nói lên điều gì, thưa Bộ trưởng?

Điều này cho thấy do đầu tư nguồn lực trong công tác này chưa tới.

- Nhân ngày Pháp luật Việt Nam, Bộ trưởng có gửi gắm điều gì?

Tôi rất muốn các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là các chủ thể được quy định có trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật ý thức rất sâu sắc, phổ biến tầm quan trọng của Ngày Pháp luật và chỉ đạo tổ chức thực hiện ngày càng tốt hơn.

>>> Đọc thêm: Bộ trưởng Tư pháp: ‘Thầy cô cần phải được hưởng mức lương cao nhất’

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn