Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Không thể phủ nhận những tác động tiêu cực từ thủy điện

Đầu TưThứ Tư, 04/11/2020 16:48:00 +07:00
(VTC News) -

Bộ trưởng Công Thương cho biết dù không cấp phép dự án thủy điện chiếm đất rừng tự nhiên từ 2016 đến nay nhưng tác động của thủy điện tới đất rừng, dòng chảy là có.

Giải trình về vấn đề phát triển thủy điện gắn với bảo vệ môi trường tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội chiều nay 4/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng có những tác động tiêu cực từ thuỷ điện đến môi trường và đời sống người dân nhưng ông cũng muốn giải trình cụ thể vấn đề này.

Bắt đầu phần giải trình, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh bão lũ đã tác động đến đời sống kinh tế xã hội của đất nước và của nhân dân, gây ra nhiều thiệt hại về người và của.

Chúng tôi xin bày tỏ sự chia sẻ với nhân dân, chiến sĩ quân đội tại các địa phương về thiệt hại do bão, lũ, thiên tai trong thời gian vừa qua”, ông Trần Tuấn Anh nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Không thể phủ nhận những tác động tiêu cực từ thủy điện - 1

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Liên quan đến thủy điện, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, hiện cả nước có 429 đập thủy điện và các công trình thủy điện, trữ 56 tỉ m3 nước, công suất 20.000MW và là nguồn năng lượng quan trọng. 

Do đó, việc khai thác thủy điện có mặt tích cực hay hạn chế, tùy thuộc vào quản lý, chính sách. 

Việc quản lý và khai thác được nguồn năng lượng tái tạo này như thế nào để đảm bảo giảm thiểu tác động đến môi trường và phát huy tối đa hiệu quả của nó là một nhiệm vụ rất quan trọng của đất nước. Thủy điện có cả những mặt tích cực và có cả những mặt hạn chế tùy thuộc vào sự quản lý và các chính sách để xử lý các vấn đề liên quan”, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Ông Trần Tuấn Anh tiếp tục khẳng định thủy điện rất quan trọng cho đất nước: đóng góp nguồn điện, phát triển kinh tế xã hội, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, có vai trò tích nước để cắt giảm và điều tiết lũ. Ngoài ra là giúp phát triển các khu vực kinh tế xã hội của địa phương. 

Ngoài chức năng phát điện thì các hồ chứa nước của các đập thủy điện  còn có tác dụng để đóng góp vào tích nước, cắt giảm và điều tiết lũ cũng như phục vụ cho nhu cầu phát triển khác của các địa phương”, Bộ trưởng Công Thương nói.

Tuy vậy, người đứng đầu Bộ Công Thương cũng thừa nhận những tác động tiêu cực của thuỷ điện đến môi trường.

"Tuy nhiên, chúng ta không phủ nhận tác động tiêu cực của thủy điện đến vấn đề môi trường như đất, nước, khí hậu cũng như đời sống dân sinh. Như chúng tôi đã báo cáo, đây là vấn đề tổng thể, tùy thuộc vào cách thức của con người trong cách khai thác nguồn lực thiên nhiên, tài nguyên thiên nhiên. Đó là những tác động đến dòng chảy, địa chất, đất trong khu vực, đến các nguồn lợi thủy sản", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Theo ông Trần Tuấn Anh, thực thi nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ và Ban Bí Thư, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ, ngành tuyệt đối không bổ sung bất kỳ một dự án thủy điện nào “cho dù là nhỏ hay lớn nếu có sử dụng đến các diện tích đất rừng tự nhiên”.

Trên thực tế từ năm 2016 đến nay trong số các dự án bổ sung hoàn toàn không có một dự án thủy điện nào sử dụng đất rừng tự nhiên và diện tích chiếm dụng đất trên các dự án được bổ sung quy hoạch. Công tác tổ chức triển khai trên thực tế đã giảm”, Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết.

Đề cập đến ý kiến của các ĐBQH về thủy điện trong thời gian gần đây, ông Trần Tuấn Anh cho biết, ngành cũng đã có những đánh giá về tác động của các dự án này đối với môi trường.

Chúng tôi thống nhất rất nhiều ý kiến của các đại biểu đã nêu, nhưng trong bối cảnh hiện nay, các cơ sở pháp lý của chúng ta tương đối đầy đủ song vẫn không tránh khỏi chuyện một số địa phương thực thi còn bất cập”, ông Tuấn Anh khẳng định.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh viện dẫn tại thủy điện Hố Hô, năm 2016, đã xảy ra việc xả lũ vượt quá mức và gây ra sạt lở. Sự việc sau đó đã được các cơ quan chức năng xử lý kiên quyết bằng việc thu hồi giấy phép hoạt động, sau đó yêu cầu khắc phục rồi mới tiếp tục cho phép tham gia thị trường điện.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, trong thời gian tới đây, Bộ sẽ làm việc với các địa phương, các bộ, ngành để nghiên cứu cụ thể, đánh giá về những mặt còn hạn chế và những mặt tích cực.

Từ đó, Bộ sẽ có chính sách với Chính phủ để tiếp tục siết chặt quản lý trong phát triển, làm sao để hạn chế tối thiểu những tác động tiêu cực nếu có, đồng thời tiếp tục khai thác tốt nguồn tài nguyên của đất nước.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn