Bộ trưởng Trần Hồng Hà: 'Chủ tịch UBND có nên là Đại biểu Quốc hội'?

Thời sựThứ Ba, 29/10/2019 12:41:00 +07:00

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường cho rằng các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh không nên ứng cử đại biểu Quốc hội.

Sáng 29/10, Quốc hội có phiên thảo luận tại các tổ về việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội; đề án thí điểm chính quyền đô thị tại Hà Nội.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nêu nhiều ý kiến tại phiên thảo luận về vấn đề sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội. Ông cho biết, ông muốn dành "ghế" Quốc hội cho đại biểu chuyên trách.

Nêu lý do về điều này, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, các Bộ trưởng và Chủ tịch UBND các tỉnh không nên ứng cử đại biểu Quốc hội, dành thời gian cho công việc chỉ đạo, điều hành. 

tran-hong-ha

 Bộ trưởng Trần Hồng Hà.

Ông chia sẻ: "Tôi nói rất thật, các đại biểu như chúng tôi thực tế ở cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm công tác quản lý, cơ chế chính sách pháp luật, khâu tổ chức thực hiện nhưng phân cấp cho địa phương rất lớn. Bây giờ hỏi nhiều câu Bộ trưởng không nắm được đâu, rồi bị nhân dân phê bình, nhưng thực tế thẩm quyền đó đã phân cấp cho địa phương". 

Về cơ cấu đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, vấn đề này vẫn chưa thực sự đổi mới khi nhiều Bộ trưởng, thậm chí một số Chủ tịch UBND tỉnh làm Đại biểu Quốc hội, dẫn đến thực tế gặp khó khăn trong chỉ đạo, điều hành, do các đại biểu kiêm nhiệm này phải dành thời gian cho việc thực hiện nhiệm vụ làm Đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Hồng Hà đặt câu hỏi: "Quốc hội có quyền yêu cầu Bộ trưởng giải trình, yêu cầu đến để chất vấn nhưng phải chăng Bộ trưởng, Chủ tịch UBND không nên là Đại biểu Quốc hội?".

Người đứng đầu Bộ Tài nguyên Môi trường đề nghị tăng số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, giảm số lượng đại biểu Quốc hội là người thuộc cơ quan hành pháp.

Ngoài ra, ông cũng đồng tình với quan điểm nâng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách, không chỉ 35% mà cần 50-60% để  tập trung hơn vai trò của đội ngũ Quốc hội. 

Trong thời gian tới, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội phải đóng vai trò lớn hơn trong công tác lập pháp, cụ thể là soạn thảo và trình các dự án luật, chứ không nên để đại đa số dự án luật do cơ quan lập pháp trình như hiện nay.

"Ở các nghị viện trên thế giới thì họ có quyền chất vấn Bộ trưởng bất cứ lúc nào, chất vấn cả Chủ tịch UBND các địa phương nữa. Tôi nghĩ là lần này sửa luật nếu thay đổi thì cũng là bước thay đổi hoạt động của chúng ta", ông nói.

Nhấn mạnh về việc Quốc hội họp mỗi năm 2 lần nhưng thực tiễn vận động thường xuyên, Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiến nghị các cơ quan chuyên trách của Quốc hội cần được trao vai trò, thẩm quyền để xử lý công việc.

Ông viện dẫn việc thực tế có những luật mới ban hành xong nhưng lại gặp vướng mắc, chồng chéo nên chậm đi vào cuộc sống, có khi lại cản trở hoạt động. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, những vấn đề này không nên chờ đến khi Quốc hội họp mới giải quyết mà nên giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội tháo gỡ.

Đào Bích
Bình luận
vtcnews.vn