Bộ trưởng Thăng tiết kiệm, dự án đội vốn nghìn tỷ 'khóc thét'

Thời sựThứ Bảy, 26/07/2014 07:52:00 +07:00

Bộ trưởng Đinh La Thăng vui mừng khi tiết kiệm được 20 tỷ đồng nhờ 2 phút điện thoại, tuy nhiên, nhiều dự án vẫn bị đội vốn hàng nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Đinh La Thăng vui mừng khi tiết kiệm được 20 tỷ đồng nhờ 2 phút điện thoại, tuy nhiên, nhiều dự án vẫn bị đội vốn hàng nghìn tỷ đồng.

Chỉ đạo hỏa tốc, tiết kiệm 20 tỷ

Trong chuyến thị sát các công trường cầu đường phía Nam, tại Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 (QL1) đoạn qua tỉnh Đồng Nai chiều 23/7, nghe nhà thầu thi công cầu vượt Đồng Nai báo cáo đã “cầu cứu” cơ quan đường sắt giải tỏa hạ tầng nhưng không có kết quả, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng lập tức điện thoại xử lý mặt bằng thi công, giúp dự án vượt tiến độ nhằm tiết kiệm 20 tỷ đồng.
Theo Bộ trưởng Đinh La Thăng, trong khi một số dự án giao thông bị chậm tiến độ, cũng có không ít dự án bị gián đoạn vì thiếu vốn, thì việc một dự án có cam kết hoàn thành vượt tiến độ sẽ giúp tiết kiệm được 20 tỷ đồng là tin vui và rất đáng khen ngợi.
Bộ trưởng Đinh La Thăng điện thoại chỉ đạo giải tỏa hạ tầng đường sắt phục vụ thi công cầu vượt Đồng Nai tiết kiệm 20 tỷ đồng 

Đây không phải là lần đầu Bộ trưởng Thăng nỗ lực tiết kiệm từng đồng. Vào cuối năm 2013, nhân chuyến đi kiểm tra đường ở Quảng Nam thấy đường rộng mênh mông không ai đi, Bộ trưởng Thăng đã tiết kiệm được 35.000 tỉ đồng từ việc rà soát cắt giảm đầu tư, quy mô thiết kế các dự án giao thông.
Cho rằng thiết kế dự án hiện nay là “vô cùng lãng phí”, Bộ trưởng Thăng đề nghị phải rà soát thiết kế và quy mô đầu tư, không chỉ dự án trung ương, dự án Bộ quản lý mà cả với các dự án ở địa phương.
Trước đó, nhờ điều chỉnh 4 dự án giao thông, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã từng tiết kiệm cho ngân sách nhà nước khoảng 15.300 tỷ đồng.
Cụ thể, 4 công trình được Bộ trưởng Giao thông điều chỉnh là tuyến đường cao tốc Hải Phòng, Quảng Nam – Đà Nẵng – Quảng Ngãi, cao tốc Long Thành và một cây cầu. Riêng chỉ với việc điều chỉnh từ cây cầu, Bộ giao thông đã tiết kiệm được 60 tỷ đồng.
Không dừng lại ở việc tiết kiệm trên giấy, Bộ trưởng Thăng còn cho thấy ông có thể tiết kiệm "tiền tươi thóc thật" khi ký văn bản yêu cầu các cơ quan thuộc Bộ ưu tiên dùng máy bay giá rẻ khi đi công tác vào tháng 10/2013. Bản thân ông cũng đã làm gương khi trong một chuyến công tác từ TP.HCM ra Hà Nội, Bộ trưởng đã chọn máy bay giá rẻ thay vì ngồi hạng thương gia và ông chỉ tốn 1,5 triệu đồng.
Chỉ 2 tháng sau lời kêu gọi của Bộ trưởng Thăng, ước tính Bộ GTVT đã tiết kiệm được nửa tỷ đồng nhờ việc chuyển sang sử dụng máy bay giá rẻ, đại diện Văn phòng Bộ này cho biết.
Những nỗ lực của Bộ trưởng Thăng đã được nhiều người ghi nhận, trong đó có Chủ nhiệm UBKT Quốc hội Nguyễn Văn Giàu. Ông nhận xét: "Anh Thăng rất bản lĩnh".
Công trình xây dựng đội vốn ngất ngưởng
Trong khi Bộ trưởng Đinh La Thăng có hàng loạt động thái thúc tiến độ, cắt giảm đầu tư để tiết kiệm, vẫn còn nhiều dự án giao thông bị đội vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Theo báo cáo của Kiểm toán Nhà nước về công tác kiểm tra, giám sát dự án đầu tư vừa công bố ngày 25/7, một số công trình giao thông đang có tình trạng điều chỉnh tổng mức đầu tư khá lớn. Đang chú ý, dự án tín dụng ngành giao thông để cải tạo mạng lưới đường quốc gia giai đoạn 1 đã phải điều chỉnh tăng 3 lần tổng mức đầu tư, từ 2.293 tỷ đồng lên 6.961 tỷ đồng.
Cùng tình trạng trên, dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Pác Bó-Cao Bằng và đoạn Chơn Thành-Đức Hòa cũng đã phải điều chỉnh tăng vốn hơn 302,9 tỷ đồng. Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 3 đoạn Bờ Đậu-Cửa khẩu Tà Lùng đội từ 544,69 tỷ đồng lên tới hơn 1.291 tỷ đồng.
Riêng với thành phố Hà Nội, thống kê của Kiểm toán Nhà nước cũng cho thấy, dự án đường tỉnh 420 đã phải điều chỉnh vốn hơn 69,69 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 180%.
Ngoài một số công trình giao thông vừa được ngành kiểm toán "điểm mặt", thời gian qua còn rất nhiều công trình khác cũng bị chậm tiến độ, phải điều chỉnh mức đầu tư.
Ví dụ, dự án đường Láng - Hòa Lạc (Đại lộ Thăng Long) khi được đưa vào sử dụng, số vốn đã đội lên gấp đôi so với mức đầu tư ban đầu. Cụ thể, mức đầu tư ban đầu (tháng 7/2003) của dự án là khoảng 3.700 tỉ đồng, nhưng đến khi hoàn thành (tháng 10/2010), tổng mức đầu tư đã được điều chỉnh tăng lên hơn 7.500 tỉ đồng. Nguyên nhân dẫn đến việc dự án bị đội vốn lớn được các cơ quan chức năng chỉ ra là do chậm tiến độ, giá nhân công, vật liệu tăng...
Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình có tổng chiều dài 56 km được Kiểm toán Nhà nước phát hiện đã đội vốn hơn 5.000 tỉ đồng so với ban đầu. Tổng mức đầu tư dự án ban đầu chỉ có 3.734 tỷ đồng năm 2004 đã đội lên thành 8.974 tỷ đồng năm 2010.
Một dự án khác bị đội vốn "khủng" là dự án đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông bị chậm tiến độ 2 năm so với dự kiến và đội vốn 339 triệu USD, dự án cầu Nhật Tân phát sinh thêm hơn 150 tỷ đồng cũng do chậm tiến độ.
Ý thức thực hành tiết kiệm của Bộ trưởng Thăng được dư luận đánh giá rất cao. Tuy nhiên, từ thực tế các công trình giao thông bị đội vốn ngất ngưởng như trên, có lẽ cần nhiều thời gian để tinh thần tiết kiệm được thực hiện triệt để trong ngành giao thông.
» Bộ trưởng Thăng chỉ lỗi, Cục hàng không mạnh tay phạt
» Bộ trưởng Đinh La Thăng căng mình trên ba mặt trận
» Vì sao Bộ trưởng Thăng liên tục mắng mỏ, 'dọa dẫm' cấp dưới?
» Bộ trưởng Thăng: 'Đường xấu thế này mà các anh cũng thu phí à'
Theo Đất Việt
Bình luận
vtcnews.vn