Bộ trưởng quyết liệt, doanh nghiệp và hành khách được nhờ

Kinh tếThứ Hai, 21/07/2014 11:41:00 +07:00

Nhờ sự quyết liệt của Bộ trưởng Thăng, bộ mặt nhà ga Tân Sơn Nhất và Nội Bài đã được cải thiện, góp phần tăng tỷ lệ đúng giờ của các hãng hàng không.

Chỉ sau 3 ngày tổ công tác chống chậm huỷ chuyến “ra quân”, bộ mặt nhà ga Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã thông thoáng hơn, hạn chế nhiều ùn tắc, góp phần tăng tỷ lệ đúng giờ của các hãng hàng không. Nhưng còn những cảng hàng không nhỏ lẻ thì sao?

Chuyện khó tin nhưng có thật


Sáng 17/7 tại sân bay Cát Bi, hành khách đi chuyến bay VJ 8851 Hải Phòng - TPHCM 9h25 yên tâm khi thấy máy bay Vietjet Air đáp xuống đúng giờ. Hai xe thang được đưa ra gắn vào hai cửa máy bay.

Nhưng máy bay của Vietnam Airlines đáp xuống sau khoảng 5 phút. Thế là phải rút bớt một chiếc xe thang từ cửa sau của Vietjet Air đưa qua cho máy bay Vietnam Airlines. Mỗi chiếc máy bay chỉ có một xe thang nên khách lên xuống rất chậm. Cả hai máy bay quay đầu sẽ chậm hơn ít nhất 10 phút.


Hành khách làm thủ tục máy bay
Hành khách làm thủ tục máy bay 

Và tại buổi làm việc ở Thành ủy thành phố Hải Phòng ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nói với Cục phó Cục Hàng không Đinh Việt Thắng: “Tuần sau, sân bay Cát Bi không có xe thang thì các ông phải lên máy bay cõng từng hành khách xuống”.

Với câu nói quyết liệt này, chắc chắn tuần sau sẽ không còn tình trạng thiếu xe thang làm ảnh hưởng đến yêu cầu đúng giờ của các chuyến bay. Trên thực tế, mỗi chuyến vì trục trặc nhỏ chậm mất chục phút thì dồn lại sẽ chậm vài chục phút hoặc một tiếng cho những chuyến bay cuối ngày.

Tháo gỡ 3 điểm nghẽn

Nhà ga chật chội, hoạt động quá công suất ảnh hưởng tới việc lưu thoát hành khách đi và đến. Dịch vụ sân bay như “máy chém”. Hành khách đi máy bay chưa nắm được các quy định về an ninh, an toàn hàng không, thiếu kỹ năng cần có cũng ảnh hưởng tới tỷ lệ đúng giờ của các hãng hàng không. 3 vấn đề lớn đã được tổ công tác giám sát chậm huỷ chuyến của Cục Hàng không ghi nhận sau 3 ngày “ra quân”.

Tổ công tác nhận định: trong 3 điểm nghẽn trên, có những điểm không dễ giải quyết ngay như năng lực thông quan của các Cảng Hàng không đang khai thác hết công suất, thiếu thiết bị phục vụ như xe thang, xe buýt, thiếu nhân lực…nhưng có những việc có thể làm được ngay. Đó là tình trạng sắp xếp bất hợp lý các băng chuyền soi chiếu an ninh, các ki ốt, các quầy thủ tục, tình trạng xe đẩy hành lý khắp nơi làm cản trở việc lưu thoát hành khách.

"4 xin", "4 luôn" của Bộ trưởng Bộ GTGT:"4 xin" gồm xin chào, xin cảm ơn, xin lỗi, xin phép và "4 luôn" là luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn thấu hiểu, luôn giúp đỡ. 
Đơn cử tại sân bay Nội Bài có đến 10 loại xe đẩy hành lý khác nhau, chiếm nhiều diện tích, ở sân bay Tân Sơn Nhất vị trí băng chuyền soi chiếu an ninh không phù hợp, nhiều cửa hàng, ki ốt, quầy thủ tục lấn chiếm lối đi. Tại cả hai sân bay lớn, khu vực làm thủ tục cho khách VIP vắng vẻ trong khi các quầy thủ tục vé hạng thường lại đông nghịt.


Trước những động thái quyết liệt từ cơ quan chức năng, từ ngày 16 - 17/7, các dịch vụ tại ga quốc nội sân bay Tân Sơn Nhất đã đồng loạt giảm mạnh. Trước đó, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài đã áp giá trần cho một số mặt hàng dịch vụ thông thường. Theo chỉ đạo của Cục Hàng không, tới đây ở các sân bay sẽ có trụ nước miễn phí dành cho hành khách sau khi qua cửa an ninh.

Sức mạnh của trách nhiệm

Tuy nhiên, ông Võ Huy Cường - Phó Cục trưởng Cục Hàng không cho biết sau 3 ngày giám sát, tổ công tác đã xác định được nhiều nguyên nhân nhưng chưa chưa tìm ra nhóm nguyên nhân chính gây chậm, huỷ chuyến bay. “Việc cung cấp thông tin còn hạn chế, nguyên nhân đưa ra còn chậm và thiếu chính xác.

Trong 4 hãng hàng không, chỉ có Vietjet cung cấp thông tin rất tốt, nêu rõ nguyên nhân chậm, huỷ chuyến”, ông Cường chia sẻ và lưu ý thêm chính hành khách cũng đang góp phần làm chậm chuyến bay và ứng xử thiếu chuyên nghiệp của nhân viên các bộ phận trên sân bay, bao gồm cả nhân viên của hãng hàng không cũng góp phần gây bức xúc với hành khách khi chậm, huỷ chuyến.


Được biết, trước thông tin này, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã ra chỉ thị nâng cao chất lượng dịch vụ vận chuyển, đảm bảo an ninh, an toàn hàng không, giảm tình trạng chậm, huỷ chuyến bay.

Bộ trưởng yêu cầu: Cục Hàng không Việt Nam, các Cảng vụ hàng không, các Vụ tham mưu, Thanh tra Bộ phải nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm trong việc để xảy ra sự cố nghiêm trọng về an toàn hàng không, nhiều vụ việc về an ninh hàng không, tình trạng chậm, hủy chuyến bay trong thời gian qua; chủ động cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, khắc phục những yếu kém, bất cập trong điều hành, sản xuất, kinh doanh bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của hành khách và doanh nghiệp.

Tại chỉ thị này, Bộ trưởng yêu cầu toàn ngành Hàng không tiếp tục triển khai mạnh mẽ cuộc vận động “4 xin”, “4 luôn”, đưa tinh thần này trở thành ý thức thường xuyên hàng ngày của tất cả cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động, bắt đầu từ đội ngũ cán bộ quản lý, người đứng đầu.

Hành khách hồ hởi, các hãng hàng không cũng vui mừng không kém khi thấy chỉ cần dọn dẹp sân bay một chút, tỷ lệ đúng giờ đã tăng lên, bức xúc của hành khách giảm đi. Và như vậy, sự quyết liệt của "người đứng đầu" đã trở thành phát pháo hiệu "cất cánh" cho những chuyển bay an toàn và đúng giờ.
 Cục Hàng không rút ngắn thời gian giám sát đặc biệt đối với VietJet

Đoàn chuyên môn, kỹ thuật của Cục hàng không đã công bố kết quả kiểm tra giám sát hoạt động của VietJet. Việc giám sát đặc biệt dự kiến sẽ kết thúc sớm 2 tuần vì đạt được kết quả tích cực. VietJet tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn an ninh và đảm bảo được nguồn nhân lực hiện tại cũng như dự phòng cho quá trình phát triển của hãng.

Đoàn kiểm tra đã thực hiện 4 nội dung giám sát chính và chỉ ra 1 số tồn tại về phối hợp vận hành. Đoàn đã cùng với VietJet khắc phục ngay hết 90% các vấn đề. Một số tồn tại hãng có kế hoạch hoàn thành xong trước 30/7/2014. Cụ thể các nội dung giám sát như sau :

Thứ 1 là giám sát toàn bộ công tác tổ chức, hệ thống tài liệu của VietJet bao gồm việc rà soát các hợp đồng cung cấp dịch vụ, tài liệu hướng dẫn, bảo dưỡng, đạo tạo và quy trình phối hợp giữa các phòng ban trong công ty và đơn vị bên ngoài.

Thứ 2 là giám sát thực địa trên hơn 145 chuyến bay của hãng, các công tác an ninh, an toàn, kỹ thuật tàu bay. Thứ 3 là giám sát trên các chuyến bay có giám sát viên đi cùng, giám sát tại buồng lái, khoang hành khách và đảm bảo tiêu chuẩn an toàn bay, chất lượng dịch vụ trên tàu bay, phục vụ hành khách. Thứ 4 là giám sát công tác kiểm sát điều hành bay tại Văn phòng chính của VietJet.


Kết quả, VietJet đã đảm bảo thực hiện quy trình an toàn, an ninh hàng không tốt. Các tài liệu hướng dẫn đã theo tiêu chuẩn và đã được bổ sung thêm so với thực tiễn khai thác. Các vấn đề về tổ chức khai thác, chỉ định an toàn chất lượng đúng theo quy định của Cục hàng không.

Chất lượng dịch vụ hàng không đảm bảo cho hành khách. Về nguồn nhân lực của VietJet đáp ứng tốt nhu cầu cho việc khai thác 15 tàu bay và công tác đào tạo, dự phòng tốt.

Cụ thể, phi công hơn 130 người, 240 tiếp viên. Bình quân 4,8 tổ bay/ máy bay. Đội ngũ kỹ thuật hơn 48 nhân viên được cấp chứng chỉ đầy đủ và có sự hỗ trợ của các tập đoàn hàng không quốc tế như Airbus hãng sản xuất động cơ CFM, Lufthansa Technic, Singapor Enggeneeging..


Các Hợp đồng dịch vụ mặt đất, bảo dưỡng kỹ thuật, cung cấp xăng dầu…. cũng được Cục rà soát và đánh giá đảm bảo yêu cầu khai thác.

Về phần giám sát tình trạng chậm hủy chuyến, Đoàn đã thực hiện giám sát trực tiếp hơn 53 chuyến bay của hãng trong công tác quay đầu tàu bay.

Cụ thể,  công tác kỹ thuật tàu bay, bảo dưỡng đảm bảo và thao tác tổ bay đạt 30 phút. Công tác sắp xếp hành khách ra tàu bay có chuyến lên đến 39 phút. Nguyên nhân  chủ yếu là do dịch vụ mặt đất, sự phối hợp của Hãng với các Cảng hàng không và công ty dịch vụ mặt đất trong công tác vận chuyển khách.


Căn cứ kết quả kiểm tra tích cực, Đoàn kiểm tra sẽ báo cáo kết quả cho Cục hàng không và Bộ giao thông đề xuất xem xét rút ngắn thời gian giám sát và chuyển sang giám sát định kỳ tại Cảng vụ như thường lệ đối với các hãng Hàng không.  

Theo DDDN
Bình luận
vtcnews.vn