Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: 'Tôi lo lắng còn những vụ tương tự hiệu trưởng dâm ô'

Giáo dụcThứ Ba, 18/12/2018 18:59:00 +07:00

Ngày 18/12, tại Hội nghị Tổng kết 10 năm trường dân tộc nội trú ở Yên Bái, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đề cập sự việc hiệu trưởng trường dân tộc nội trú tại huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) để đề nghị các thầy, cô trao đổi để ngăn ngừa.

Lo lắng sẽ có vụ tương tự nếu không có giải pháp phòng ngừa

"Hành vi sai phạm chỉ là cá biệt, nhưng nếu chúng ta không nghiêm khắc để có giải pháp phòng ngừa, bảo vệ học sinh thì tôi lo lắng sẽ có những sự việc tương tự xảy ra" - ông Nhạ chia sẻ.

Theo Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đội ngũ giáo viên các trường dân tộc nội trú hết sức quan trọng, ngoài việc đánh giá theo chuẩn chung về nghề nghiệp đạo đức, lối sống, các thầy cô trường dân tộc nội trú còn có yêu cầu khác do đặc thù khi học sinh vào học trường nội trú.

Ngoài việc dạy, các thầy cô cũng có nhiệm vụ quản sinh 24/24. Vì thế hành vi ứng xử của các thầy cô hết sức quan trọng. Sự gương mẫu, chuẩn mục được đề cao ở đội ngũ giáo viên ở đây.

Ông Nhạ cho biết Bộ GD-ĐT sẽ rà soát các văn bản, trong đó sẽ lưu ý đến việc xây dựng bộ tiêu chí để thành lập mới và duy trì các trường phổ thông dân tộc nội trú theo mô hình truyền thống. 

ong-nha-vinh-ha-15451133449971892515355 7

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trò chuyện với học sinh ở trường phổ thông nội trú THCS Văn Yên (Yên Bái) - (Ảnh: Vĩnh Hà)

Trong đó sẽ có các tiêu chí về trình độ, phẩm chất của cán bộ quản lý, giáo viên. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đưa ra định hướng triển khai 3 mô hình trường có học sinh dân tộc thiểu số cùng với mô hình truyền thống.

Theo đó mô hình truyền thống chỉ duy trì ở vùng có số học sinh dân tộc thiểu số đông. Còn những vùng, miền khác, có thể xây dựng trường phổ thông dân tộc nội trú có cả học sinh phổ thông (không hưởng chế độ hỗ trợ), trường phổ thông bình thường nhưng có học sinh dân tộc thiểu số. 

Những học sinh này được "hòa nhập" với học sinh phổ thông bình thường và được bố trí ăn, ở khu lưu trú riêng. 

Cuối cùng là mô hình trường dân tộc nội trú trọng điểm (của vùng, miền) thực chất là trường chất lượng cao dành cho học sinh dân tộc thiểu số.

Nghiên cứu đề xuất điều chỉnh chính sách

Tại hội nghị, các ý kiến phát biểu né tránh nói trực diện vào nguy cơ học sinh nội trú bị lạm dụng tình dục, tình trạng thoái hóa, biến chất của cán bộ giáo dục, giáo viên nhìn từ vụ việc cá biệt ở Phú Thọ. 

Ông Phùng Xuân Nhạ yêu cầu đại diện các vụ, cục trực thuộc Bộ GD-ĐT có mặt tại hội nghị lắng nghe ý kiến từ cơ sở để nghiên cứu đề xuất điều chỉnh chính sách. Trong đó chú trọng đến điều kiện cần thiết để xây dựng môi trường giáo dục an toàn cho học sinh ở các trường dân tộc nội trú.

"Nếu các địa phương có chủ trương cam kết sinh viên sư phạm giỏi sau khi tốt nghiệp được tiếp nhận về công tác tại các địa phương thì sẽ rất thuận lợi" - ông Nhạ trao đổi với đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành tại hội nghị. 

Trường phổ thông dân tộc nội trú cần những giáo viên có năng lực, phẩm chất tốt, ngoài giảng dạy chuyên môn còn phải có kỹ năng nghiệp vụ để giúp học sinh dân tộc thiểu số hòa nhập, tự lập và phát huy được các giá trị bản thân. Điều đó không chỉ cần trách nhiệm của ngành giáo dục mà cần sự hỗ trợ của địa phương, các ngành, khác.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn