Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: ‘Số giáo sư, phó giáo sư Việt Nam so với thế giới còn khiêm tốn’

Giáo dụcThứ Bảy, 05/11/2016 13:50:00 +07:00

Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh số lượng GS, PGS của Việt Nam so với thế giới còn khiêm tốn, chất lượng đội ngũ còn phải tiếp tục phấn đấu.

Sáng 5/11, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn và bổ nhiệm các chức danh GS, PGS là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng và Nhà nước nhằm xây dựng, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ cán bộ khoa học đầu ngành, chủ chốt trong các cơ sở đào tạo, nghiên cứu theo chuẩn quốc gia, dần tiệm cận chuẩn mực của các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

bo truong phung xuan nha-1

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu sáng 5/11

Từ năm 1980 đến năm 2015, sau 24 đợt xét, trong 36 năm, tổng số lượt GS, PGS đã được công nhận ở nước ta là 11.619, trong đó có 1.680 GS và 9.939 PGS.

“Đội ngũ GS, PGS ở nước ta đã và đang đóng góp tích cực, quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đánh giá.

Năm nay, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS lần thứ 25.

“Tôi vui mừng, trong năm 2016, đã có thêm 65 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS và 638 ứng viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS”, Bộ trưởng Nhạ bày tỏ.

Đây là kết quả của những nỗ lực phấn đấu bền bỉ trong nghiên cứu khoa học và đào tạo của các tân GS, PGS.

Đây cũng là kết quả của sự hỗ trợ, động viên, thậm chí là sự hi sinh từ các gia đình (cha, mẹ, chồng, vợ, anh, em, con cái), sự hỗ trợ, tạo điều kiện, động viên từ cơ quan và đồng nghiệp của các tân GS, PGS.

Bộ trưởng Nhạ nhấn mạnh: “Số GS, PGS của nước ta so với thế giới còn khiêm tốn, chất lượng đội ngũ còn  phải tiếp tục phấn đấu”.

bo truong phung xuan nha-2

 Trao chứng nhận chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư cho các nhà khoa học, giảng viên năm 2016

Việc xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS năm 2016 đã tiếp tục góp phần quan trọng để nâng cao cả số lượng và chất lượng đội ngũ trí thức và giảng viên đại học.

Ngoài ra, việc này sẽ thúc đẩy việc công bố công trình khoa học trên các tạp chí có uy tín trên thế giới và đưa các sản phẩm khoa học công nghệ ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội.

Việc công nhận đạt được tiêu chuẩn chức danh GS, PGS là điều kiện để các cơ sở giáo dục đại học bổ nhiệm các chức danh này vào các vị trí công tác trên cơ sở chiến lược phát triển đội ngũ, cơ cấu và nhu cầu nhân lực của đơn vị.

Đạt tiêu chuẩn chức danh GS, PGS đã khó; phát huy được vai trò, năng lực, uy tín của các chức danh này tại các cơ sở giáo dục đại học, các cơ quan, đơn vị lại càng khó hơn.

“Tôi mong rằng, các tân GS, PGS năm 2016 tiếp tục phấn đấu, xứng đáng với chức danh  được công nhận và bổ nhiệm”, Bộ trưởng Nhạ nói.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang phối hợp cùng với Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước và các cơ quan có liên quan xây dựng dự thảo văn bản mới thay thế Quyết định số 174/2008/QĐ-TTg và Quyết định số 20/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh GS, PGS để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Dự thảo văn bản mới sẽ được xây dựng theo hướng tiếp cận với cách làm và chuẩn mực của các nước có nền giáo dục tiên tiến theo lộ trình thích hợp, phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn