Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chủ tịch hội đồng trường có quyền quyết cao nhất

Tin tức - Sự kiệnThứ Hai, 06/01/2020 16:52:10 +07:00
(VTC News) -

Theo Bộ trưởng GD&ĐT, chủ tịch hội đồng trường là vị trí để thông qua các quyết sách lớn chứ không phải là nơi tăng thêm quyền cho hiệu trưởng.

"Đây là cuộc cách mạng trong nhận thức, cần phải quyết tâm để thực hiện thiết chế này”, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói tại hội nghị triển khai Nghị định 99 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, sáng 6/1. 

Trả lại thực quyền cho hội đồng trường

Trên thực tế, tại một số trường, Hội đồng trường lập lên chỉ đơn thuần cho đủ theo quy định; hoặc thậm chí ở một số cơ sở giáo dục, hội đồng trường được ví là nơi các hiệu trưởng nghỉ quản lý "nghỉ chân". Đây là một trong những cách hiểu rất sai về vị trí này.

Đối với Luật số 34 (Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật Giáo dục Đại học) cũng như Nghị định hướng dẫn (Nghị định số 99/2019), vai trò của Hội đồng trường được quy định cụ thể.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chủ tịch hội đồng trường có quyền quyết cao nhất - 1

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ tại hội nghị (Ảnh: Tiền phong)

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, hồn cốt của Luật số 34 là trả lại thực quyền cho hội đồng trường. Hội đồng trường là cơ quan đại diện của cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm toàn diện cho trường.

Luật số 34 nhấn mạnh đến thiết chế, nên muốn thực quyền thì tất cả các bên liên quan phải nâng cao nhận thức. Không phải chỉ Bộ GD&ĐT thực hiện mà chính các bộ chủ quản, cơ quan chủ quản phải thay đổi nhận thức. Không can thiệp hành chính thì hội đồng trường phải thực quyền.

Bộ trưởng Nhạ cho rằng: “Các nhà trường cũng phải nhận thức khác. Chủ tịch hội đồng trường là vị trí để thông qua các quyết sách lớn chứ không phải là nơi tăng thêm quyền cho hiệu trưởng. Đây là cuộc cách mạng trong nhận thức, cần phải quyết tâm để thực hiện thiết chế này”.

Đồng thời, Nghị quyết 19 cũng quy định rõ Bí thư Đảng ủy là Chủ tịch hội đồng trường. Như vậy, có thể hiểu người có quyền cao nhất trong các trường công lập chính là Bí thư đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng trường, Bộ trưởng cho biết thêm.

"Việc lựa chọn các thành viên, cơ cấu hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường phải đủ năng lực, trách nhiệm. Luật quy định chủ tịch hội đồng trường là chuyên trách còn trước đây là kiêm nhiệm nên giờ phải có trách nhiệm cao. 

Các hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng trường có dám bước qua được hay không? Quyền lực lớn nhất là chủ tịch hội đồng trường", Bộ trưởng nhấn mạnh.

Hội đồng nào chưa đúng thì thành lập lại

Tại hội nghị, lãnh đạo nhiều đại học liên tục đặt các câu hỏi. PGS.TS Nguyễn Tiến Công, Chủ tịch hội đồng trường Đại học Sư phạm TP.HCM cho biết, trường đã thành lập hội đồng trường theo đúng Luật 34, vào ngày 6/12/2019 nhiệm kỳ 2018 -2025. 

Theo tôi hiểu, nhiệm kỳ hội đồng trường sẽ theo nhiệm kỳ hiệu trưởng có đúng không? Hội đồng trường chúng tôi thành lập theo đúng Luật 34 và trường có hiệu trưởng thì có cần làm lại nhân sự hiệu trưởng hay không?.

Với những trường hiện đã có hiệu trưởng thì có phải thực hiện quyết định hiệu trưởng này không? Theo quy định chủ tịch hội đồng trường là viên chức trong nhà trường, việc đánh giá xếp loại như thế nào?", ông Công đặt vấn đề.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Chủ tịch hội đồng trường có quyền quyết cao nhất - 2

Đại diện các trường đại học tham dự hội nghị.

Trong khi đó, PGS.TS Đỗ Ngọc Mỹ, Hiệu trưởng Đại học Quy Nhơn thắc mắc: "Hiện nay có nhiều hội đồng trường được thành lập trước ngày Nghị định 99 có hiệu lực 15.2.2020, như vậy phải thực hiện ra sao?".

Tương tự, GS.TS Nguyễn Thanh Phương, Chủ tịch hội đồng Đại học Cần Thơ mong làm rõ việc những hội đồng trường còn thời hạn nhiệm kỳ hơn 6 tháng phải điều chỉnh lại cho phù hợp với luật mới.

"Còn với hội đồng trường nhiệm kỳ còn dài nhưng không đủ điều kiện quy định phải xử lý thế nào? Như vậy có cho các trường thời điểm quá độ hay bắt buộc phải điều chỉnh ngay?", ông Phương băn khoăn.

Về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT trả lời, các quy định trong Luật 34 và Nghị định 99 hướng dẫn rất chi tiết những vấn đề liên quan tới hội đồng trường. Do vậy, các trường cần căn cứ bám sát luật và nghị định để thực hiện.

TS Phụng từng cho biết, trong Nghị định 99, hội đồng trường được quy định khá chi tiết tại 3 điều 7, 8 và 9. Điều đó chứng tỏ, nghị định tạo ra cơ chế để hội đồng trường có vai trò tiên quyết trong định hướng phát triển các trường đại học, không chỉ phụ thuộc vào hiệu trưởng như hiện nay.

TS Phụng cũng khẳng định, với những Hội đồng trường được thành lập chưa đúng theo quy định của Luật số 34 sẽ phải tổ chức thành lập mới hoàn toàn.

Minh Khôi
Bình luận
vtcnews.vn