Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chỉ điểm yếu của giáo dục Việt Nam

Giáo dụcThứ Sáu, 23/12/2016 07:45:00 +07:00

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã chia sẻ với báo chí những trăn trở về ngành Giáo dục trong năm 2016 và những dự định trong năm 2017.

bo-truong-phung-xuan-nha

 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

- Ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực trong năm qua nhưng dường như xã hội vẫn kỳ vọng nhiều hơn nữa vào ngành vì thế mà chưa phải đã hết những băn khoăn từ dư luận. Bộ trưởng nhìn nhận những hạn chế, khó khăn của ngành trong năm qua là gì, thưa ông?

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ngành Giáo dục cũng thẳng thắn nhìn nhận những việc còn hạn chế, chưa làm được.

Trong xây dựng và thực hiện chính sách về giáo dục và đào tạo cần đề cao tính thực tiễn và hiệu quả thực sự trong quá trình triển khai. Mặc dù trước khi xây dựng chính sách đều có nghiên cứu, khảo sát nhưng thực tế cho thấy đâu đó vẫn còn những điểm chưa phù hợp, khó triển khai trong thực tiễn.

Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục còn bất cập, cơ cấu chưa hợp lý, trình độ không đồng đều. Vẫn còn một bộ phận cán bộ quản lý, giáo viên chưa theo kịp yêu cầu đổi mới. Công tác dự báo, lập kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục chưa thật hiệu quả, chưa sát với nhu cầu sử dụng.

Nguồn lực đầu tư còn hạn chế so với yêu cầu phát triển của ngành. Cơ sở vật chất trường, lớp học còn thiếu thốn. Ở một số địa phương nguồn kinh phí đầu tư cho cơ sở vật chất trường, lớp còn hạn hẹp, đầu tư còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Công tác xã hội hóa trong đầu tư cho giáo dục chưa đạt hiệu quả như mong muốn.

 
Chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Chất lượng giáo dục, nhất là chất lượng giáo dục đại học chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Việc tăng quy mô giáo dục đại học không tương xứng với các điều kiện bảo đảm chất lượng, trong khi công tác dự báo nhu cầu thị trường lao động chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới chất lượng đào tạo chưa tốt.

Chương trình đào tạo chậm được đổi mới, còn nặng về lý thuyết, thiếu tính thực tiễn, thiếu sự gắn kết giữa nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp.

Đến nay mặc dù ngành Giáo dục đã thực hiện phân cấp tối đa cho các địa phương song sự chủ động vào cuộc của các cấp chính quyền ở một số địa phương vẫn chưa được thể hiện rõ nét. Một số nơi chưa sát sao phát hiện và chủ động có các giải pháp khắc phục trước các vấn đề giáo dục và đào tạo của địa phương.

Video: Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn về kỳ thi THPT quốc gia 2017

- Nhìn vào những khó khăn, hạn chế như Bộ trưởng đã nêu có thể thấy năm 2017 sẽ là năm ngành Giáo dục có rất nhiều việc phải làm phải không, thưa Bộ trưởng?

Tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ chủ yếu và 5 giải pháp cơ bản được đặt ra cho năm học 2016 - 2017 và những năm tiếp theo, bước sang năm 2017, ngành Giáo dục sẽ tăng cường kỷ cương, nền nếp và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trong các cơ sở giáo dục, đào tạo.

Đối với bậc học mầm non tiếp tục chú trọng đổi mới hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ theo quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm. Ở bậc học phổ thông chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, ý thức, trách nhiệm của công dân đối với xã hội, cộng đồng... Riêng với giáo dục đại học sẽ đẩy mạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Trong công tác xây dựng thể chế, ngành Giáo dục sẽ chú trọng hơn tới tính thực tiễn của từng chính sách. Việc phân cấp cho địa phương, cơ sở cũng sẽ được thực hiện triệt để hơn nữa để các vụ, cục, đơn vị chức năng của Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ tập trung cho nhiệm vụ quản lý nhà nước, xây dựng văn bản, chính sách của ngành.

Năm 2017, ngành Giáo dục sẽ tập trung rà soát, đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn, tiêu chuẩn ban hành, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn. Hiện nay, ngành cũng đang triển khai tái cơ cấu các trường sư phạm theo hướng giảm bớt số lượng để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới.

Ngành cũng sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả Đề án kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên giai đoạn 2014 - 2015, lộ trình 2020. Đồng thời mở rộng thu hút các nguồn đầu tư ngoài ngân sách nhà nước như các nguồn ODA, các chương trình, dự án hợp tác với nước ngoài, các nguồn xã hội hóa... để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy và học tập.

Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, năm 2017 sẽ là năm đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng giáo dục đại học, công khai, minh bạch các điều kiện đảm bảo chất lượng và kết quả kiểm định, xếp hạng. Từ đó quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học phù hợp với nhu cầu nhân lực của đất nước.

Để triển khai được những nhiệm vụ nói trên, toàn ngành Giáo dục sẽ phải nỗ lực, đồng lòng hơn nữa. Niềm tin của xã hội chính là động lực quan trọng để ngành có thể hoàn thành được những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

sinh-vien-dai-hoc

Chất lượng giáo dục đại học đang là điểm yếu của Việt Nam (Ảnh minh hoạ)

- Bộ trưởng đã nói đến niềm tin của xã hội dành cho giáo dục. Vậy, tiếp tục tạo dựng niềm tin có phải là thông điệp của ngành Giáo dục trong năm 2017?

Giáo dục là một ngành đặc thù với sự tác động rộng lớn. Một người đi học là biết bao người dõi theo, vì thế sự kỳ vọng dành cho ngành là hết sức lớn lao. Kỳ vọng luôn là động lực nhưng cũng là áp lực đối với toàn ngành.

9 nhóm nhiệm vụ và 5 giải pháp cụ thể được đặt ra cho thấy ngành Giáo dục đã xác định rõ từng mũi nhọn để tạo ra sự đột phá. Mỗi mũi nhọn được tính toán trong lộ trình và bước đi phù hợp.

Giáo dục là lâu dài nên không thể nóng vội, các vấn đề đặt ra cho giáo dục cũng không thể giải quyết ngay trong ngày một ngày hai, có những vấn đề sẽ không bao giờ kết thúc, bởi hoàn thành ở mức độ này sẽ đặt ra đòi hỏi ở mức độ cao hơn. Vì thế, ngành Giáo dục cần sự đồng hành kiên trì và niềm tin vững vàng của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các bậc phụ huynh và của toàn xã hội.

Năm 2017 sẽ tiếp tục là một năm lắng nghe, đổi mới và hành động của toàn ngành Giáo dục.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn