Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Chú trọng dạy làm người

Giáo dụcChủ Nhật, 05/09/2010 07:55:00 +07:00

(VTC News)- Nhân dịp đầu năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã cuộc trao đổi với báo chí xung quanh những vấn đề của giáo dục nước nhà năm học 2010-2011.

(VTC News) – Bước vào đầu năm học mới, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận vừa có cuộc trao đổi với báo chí về những công việc trong năm học mới 2010- 2011, những tồn tại cần khắc phục của nền giáo dục Việt Nam và các dự định mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.


- Xin Bộ trưởng cho biết những nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới là gì?

Năm học này, toàn ngành tập trung chỉ đạo thực hiện tốt Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi giai đoạn 2010-2015; tổ chức giảng dạy thí điểm chương trình tiếng Anh cho học sinh lớp ba, bắt đầu triển khai thực hiện Đề án phát triển hệ thống trường THPT chuyên.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT tập trung chỉ đạo, tổ chức giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phù hợp với từng cấp học và điều kiện của từng địa phương; tiếp tục thực hiện Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

Chương trình kiên cố hóa trường lớp học, nhà công vụ giáo viên sẽ được thực hiện khẩn trương để trong thời gian nhanh nhất các thầy, cô giáo và học sinh, nhất là ở các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo có được phòng học kiên cố phục vụ dạy và học.

Bộ GD&ĐT sẽ tích cực triển khai nâng cấp các trường phổ thông dân tộc nội trú hiện có và mở thêm những trường mới ở vùng có nhu cầu nhưng còn thiếu trường, lớp; nghiên cứu đề xuất cơ chế hỗ trợ các trường phổ thông dân tộc bán trú (nội trú dân nuôi) nhằm nâng cao điều kiện học tập, ăn ở cho học sinh.

Nói khái quát lại lại trong năm học mới 2010-2011, chúng tôi sẽ tập trung vào các nhiệm vụ: Nâng cao chất lượng dạy chữ; Từng bước hướng nghiệp, phát triển dạy nghề ở nơi thuận lợi; Đặc biệt chú trọng việc dạy làm người, nâng cao kỹ năng sống, giúp học sinh có ý thức, biết tự chịu trách nhiệm, tự bảo vệ mình trước cái xấu, trước những cám dỗ và hành vi không lành mạnh.

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao đổi với báo chí xung quanh các vấn đề của GD nước nhà.
- Thưa Bộ trưởng, việc dạy kĩ năng sống cho học sinh sẽ được thực hiện như thế nào trong năm học mới?

Thật ra, đây không phải là nhiệm vụ mới, nhưng do thời gian trước chưa làm được tốt nên trở thành vấn đề bức xúc hơn, cần tập trung làm tốt từ năm học này.

Toàn ngành đã tổ chức tập huấn cho giáo viên chuyên đề giáo dục kỹ năng sống, dạy tích hợp kỹ năng sống vào các môn học văn hóa, tổ chức rèn luyện kỹ năng sống thông qua các các hoạt động ngoại khóa trong và ngoài nhà trường.

Bộ GD&ĐT cũng tìm nhiều giải pháp cùng Bộ Công an và cấp uỷ, chính quyền địa phương để có chỉ đạo, nhắc nhở các cơ quan, tổ chức trong và ngoài nhà trường và vận động nhân dân cùng quan tâm, hành động cụ thể để bảo vệ các cháu và hướng dẫn các cháu làm đúng, tránh cái xấu.

- Thưa Bộ trưởng, năm học vừa qua, vấn đề bạo lực học đường đã khiến dư luận hết sức quan tâm. Trong năm học mới 2010-2011, xin Bộ trưởng cho biết những biện pháp hạn chế hiện tượng tiêu cực này ?

Bên cạnh các chương trình được triển khai đồng bộ trong các nhà trường trên phạm vi toàn quốc, chúng tôi vừa ký kết với Bộ Văn hóa thể thao du lịch, trung ương Đoàn, trung ương Hội Khuyến học, trung ương Hội Phụ nữ chương trình hoạt động phối hợp hành động giúp cho trẻ đến trường học an toàn.

Bộ cũng đã đề nghị ngành công an phối hợp chặt chẽ để phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc liên quan đến tệ nạn xã hội và bạo lực, nhất là những vụ việc xảy ra bên ngoài nhà trường. Chúng tôi cũng sẽ chú trọng việc tuyền truyền để toàn xã hội, các bậc phụ huynh, người thân trong gia đình cùng hỗ trợ, quản lý con em, giúp đỡ các em tránh xa các tệ nạn xã hội, không bị lôi kéo vào các hoạt động mang tính bạo lực.

Vấn đề dạy kĩ năng sống cho học sinh được đặc biệt chú trọng trong năm học 2010-2011. ( Ảnh: Phạm Thịnh) 

- Vấn đề lạm thu ở nhiều trường học đã gây bức xúc trong xã hội nhưng chưa có biện pháp nào để giải quyết triệt để. Bộ trưởng sẽ có biện pháp nào để chấn chỉnh tình trạng này?

Việc chống lạm thu trong nhà trường cũng như việc đấu tranh chống tiêu cực không thể đạt kết quả nếu hành động đơn phương. Cần sự nhận thức và hành động thống nhất của mọi chủ thể, trong đó có hành động của Bộ GD&ĐT, của cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị xã hội ở các địa phương, của thầy cô gíáo, của phụ huynh và công luận…

Trong quá trình nỗ lực của Bộ GD&ĐT về chống lạm thu, đề nghị các phụ huynh cùng chung tay thống nhất mục tiêu, hành động đúng để tiêu cực không tồn tại.

- Liệu trong năm học này, vấn đề cải thiện đời sống giáo viên sẽ có những đổi mới tích cực thưa Bộ trưởng?

Vấn đề lương nằm trong bối cảnh chung của chính sách lương của nhà nước, không chỉ ngành giáo dục. Tất cả những đặc thù riêng của các thầy cô, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, hay các cô giáo bậc mầm non thì chúng tôi có trao đổi thảo luận với cơ quan chức năng, đang trong quá trình nghiên cứu.

Riêng về phụ cấp giáo viên thì đã bàn và sẽ áp dụng sớm trong thời gian tới.

Toàn cảnh ngày khai giảng tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam.

- Vấn đề thay đổi căn bản về phương pháp giảng dạy liệu đã được thực hiện trong năm học này như thế nào thưa Bộ trưởng?

Tôi rất muốn là năm học này sẽ có thay đổi về cơ bản phương pháp sư phạm trong nhà trường.

Chúng tôi cũng khuyến khích bản thân mỗi giáo viên nỗ lực tìm tòi đổi mới trong phương pháp giảng dạy của mình. Như thầy giáo Tuấn Anh ở TP. HCM với những giờ học môn Giáo dục công dân của mình là một ví dụ điển hình về những tìm tòi, đổi mới trong giảng dạy.

- Ngành giáo dục Việt Nam hiện nay đang ngổn ngang nhiều vấn đề chưa có câu trả lời. Bộ trưởng có lo mình sẽ gặp khó khăn khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo không?

Tôi vốn là cán bộ giảng dạy và quản lý một trường đại học. Nhưng ngay với mảng công việc này tôi cũng không dám cho rằng mọi điều về giáo dục đại học mình đã biết hết. Vẫn cần phải thường xuyên nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm. Giáo dục phổ thông có xa hơn một chút, nhưng tôi có 2 sự thuận lợi.

Thứ nhất, trong 6 năm công tác với nhiệm vụ Thứ trưởng, tôi tham gia các hoạt động của 3 Ban chỉ đạo là Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Và, tôi đi công tác ở địa phương khá đều đặn. Vì thế tôi hiểu được những vấn đề khó khăn nhất của giáo dục phổ thông cả nước.

Bên cạnh đó, tôi cũng là cha của hai cháu. Cháu lớn đang học đại học, cháu nhỏ mới học THCS. Trước đây, tôi vẫn thường đi họp phụ huynh. Gần đây, tôi không làm được việc yêu thích này nữa vì ít có thời gian rỗi. Vì thế với mọi vấn đề của giáo dục phổ thông, tôi bàn bạc trao đổi với đồng nghiệp và suy xét giải quyết không chỉ trên cương vị nhà giáo, người quản lý mà còn xuất phát từ những suy nghĩ, lo lắng trên cương vị của một phụ huynh, một người cha.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Phạm Thịnh(ghi)

Bình luận
vtcnews.vn