Bộ trưởng Nông nghiệp: Cây dừa có thể trở thành 'cây tỷ phú'

Kinh tếThứ Tư, 06/11/2019 11:35:00 +07:00

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định cây dừa chịu được độ mặn, nếu tập trung phát triển tốt thì cây này có thể là "cây tỷ phú".

Sáng nay, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường là Bộ trưởng đầu tiên trả lời chất vấn tại Quốc hội. 

Các vấn đề được đại biểu quan tâm là: Tình hình, giải pháp tăng cường thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giải pháp căn cơ, đột phá để bảo đảm giá lúa, xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam; giải pháp thúc đẩy sản xuất, tạo việc làm, giải quyết vấn đề môi trường trong xây dựng nông thôn mới; giải pháp nâng cao kỹ năng, kỹ thuật đánh bắt hải sản; nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới thú y cơ sở; giải pháp khắc phục tình trạng "giải cứu nông sản", giá cả bấp bênh, được mùa mất giá, mất cả mùa mất cả giá, thậm chí mất giá kéo dài, giải pháp phát triển bền vững ngành thủy sản...

Phát triển cây dừa thành 'cây tỷ phú'

Trong phiên chất vấn, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) đề nghị bộ trưởng nêu các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho cây dừa.

bo truong cuong

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng cây dừa là cây lợi thế trong biến đổi khí hậu và diện tích trồng dừa của thế giới đang giảm, Việt Nam phải tập trung. Bộ trưởng khẳng định cây này chịu được độ mặn, nếu tập trung phát triển tốt thì cây này có thể là "cây tỷ phú" được.

Do đó, Bộ NN-PTNT tập trung các nhóm giải pháp, có cả đề tài khoa học, giao cho Trà Vinh và một doanh nghiệp nhân giống vô tính cây dừa, vùng nào trồng giống dừa lấy dầu, vùng nào trồng dừa phục vụ công nghiệp chế biến để đem lại hiệu quả. Bộ NN-PTNT sẽ cùng với Bộ Khoa học công nghệ triển khai chủ trương này.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng nêu lên nhiều sản vật khác của Việt Nam, nếu được đầu tư tốt, hoàn toàn có thể thu được thành công lớn trong xuất khẩu.

Cụ thể, "lúa gạo sẽ không chỉ là mặt hàng bán bình thường mà trở thành dược phẩm, thực phẩm chức năng", "dầu cám gạo đem lại giá trị cao hơn gạo tự nhiên". Bộ trưởng Cường dẫn thực tế, ở Quảng Trị, đã có mô hình 600 ha làm lúa gạo hữu cơ, mục đích là phát triển những gì tinh tuý nhất của hạt gạo.

Do đó, để nâng cao giá trị lúa gạo, Bộ trưởng nhấn mạnh giải pháp cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trong đó tập trung vào sản xuất các giống lúa mới tinh túy hơn.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh, năm nay là năm khó khăn nhất nhưng trên các trục sản phẩm lớn của Việt Nam đều tổ chức liên kết đáp ứng được chuỗi từ sản xuất, bảo quản, chế biến và phát triển thị trường. Việt Nam sẽ hoàn thành được mục tiêu cao nhất từ trước đến nay, nhất là 10 sản phẩm trụ cột từ 1 tỷ USD trở lên. Còn những ngành hàng nhỏ, Việt Nam phải tiếp tục hoàn thiện các chuỗi giá trị.

Bí thư, Chủ tịch ra tận sân bay đón mời doanh nghiệp

Bộ trưởng Nông nghiệp thừa nhận thực tế một trong những nguyên nhân làm cho đời sống bà con ở Tây Nguyên bấp bênh là do tổ chức sản xuất cà phê, hồ tiêu, kém hiệu quả, do vậy cần tập trung kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào, cùng với bà con liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

quoc hoi ky 8

 

Ông cho biết, trong các tỉnh Tây Nguyên, thì Gia Lai rất tích cực, đích thân đồng chí Bí thư, Chủ tịch đi thu hút, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào địa phương, thậm chí họ ra tận sân bay đón mời doanh nghiệp. Do đó chỉ trong thời gian ngắn đã xây được 1 nhà máy chế biến nông sản. Trước sự mời gọi nhiệt tình của lãnh đạo địa phương, nhà đầu tư cảm động đã quyết định xây thêm một nhà máy nữa để góp phần phát triển kinh tế của địa phương. 

Khẳng định việc này là trách nhiệm của bộ nên bộ sẽ cùng địa phương có chính sách để sớm mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là ở vùng Tây Nguyên.

Về giải pháp khắc phục tình trạng được mùa mất giá, thậm chí mất cả mùa mất cả giá, mất giá kéo dài, Bộ trưởng cho biết những năm gần đây Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Về tổng thể kinh tế nông nghiệp đang đi theo chiều hướng tích cực. Tổng diện tích đất canh tác cả nước chỉ có 10 triệu ha, Việt Nam đã tạo ra được mức sản xuất lương thực 45 triệu tấn, 5,5 triệu tấn thịt, 8 triệu tấn cá, một số loại cây công nghiệp đứng đầu thế giới về sản lượng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng bất cập lớn nhất của chúng ta là khâu chế biến và tổ chức thương mại, nếu không cải thiện được thì không thể khắc phục được tình trạng được mùa mất giá. 

Do vậy, trong thời gian tới cần tiếp tục tập trung các giải pháp để tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết; tổng rà soát lại, phát huy các ngành lợi thế của địa phương; đặc biệt việc tổ chức liên kết sản xuất phải tuân thủ theo quy luật thị trường; tập trung vào khâu chế biến, nhất là chế biến sâu và tổ chức thương mại; giảm diện tích các loại cây trồng kém hiệu quả hoặc mất cân đối dẫn đến thừa nguồn cung, chuyển sang các loại cây trồng khác đem lại hiệu quả cao hơn...

Nhạc Dương
Bình luận
vtcnews.vn