Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Hầu hết doanh nghiệp ngành giao thông sau cổ phần hoá đều có lãi

Thời sựThứ Hai, 28/05/2018 19:25:00 +07:00

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết hầu hết doanh nghiệp ngành giao thông sau cổ phần hoá đều có lãi.

Chiều 28/5, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nhận định chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước ở các công ty do Nhà nước nắm giữ 100% vốn là một chủ trương hết sức đúng đắn.

nguyen-van-the

 Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể.

"Trong quá trình triển khai chúng tôi thấy ngành giao thông cũng có một số thuận lợi, đó là nhiều doanh nghiệp tư nhân giai đoạn năm 2011 họ hoạt động trong lĩnh vực thiết kế và xây dựng các công trình giao thông cũng rất tốt", ông Thể nói.

Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2011 - 2016 phải cổ phần hóa 70 doanh nghiệp, trong đó có 9 công ty mẹ, tổng công ty và 61 công ty còn lại là công ty thành viên.

"Kết quả, chúng tôi thực hiện cổ phần hóa 137 doanh nghiệp, trong đó theo phê duyệt của Chính phủ là 67 đơn vị. Trong 137 doanh nghiệp có 12 đơn vị là tổng công ty, phần còn lại là các doanh nghiệp trực thuộc các tổng công ty", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể thông tin.

Đối với Bộ Giao thông vận tải khi cổ phần hóa 137 đơn vị, tất cả các công ty khi niêm yết và bán, giá bán được cao hơn giá niêm yết, do đó lợi nhuận đem lại tương đối cao.

Cụ thể khi cổ phần hóa 12 tổng công ty, giá trị ban đầu nêu ra chỉ là 2.153 tỷ đồng, thực tế cổ phần hóa được 2.785 tỷ đồng, thặng dư là 632 tỷ đồng.

"Còn 133 doanh nghiệp thuộc các tổng công ty chúng ta không cần nắm giữ chúng tôi cổ phần hóa giá trị thu về được 4.184 tỷ đồng, thặng dư tới 1.280 tỷ đồng, vì lúc đó niêm yết chỉ 2.904 tỷ đồng. Khi IPO chúng tôi tiến hành cổ phần hóa và bán ngay từ ban đầu, cổ phiếu của các công ty nhà nước chuyển qua công ty cổ phần được giá rất cao", người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải thông tin.

Video: Nhiều doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ, thất thoát, tham nhũng

Các công ty, tổng công ty nhà nước của ngành giao thông có lịch sử lâu dài, có truyền thống tham gia những công trình, dự án lớn, do đó khi cổ phần hóa doanh nghiệp mới sẽ hoạt động rất hiệu quả vì đã có thâm niên, đã có những công trình tương tự, có hồ sơ, kinh nghiệm để có thể tham gia đấu thầu.

Ngoài ra, nếu doanh nghiệp nhà nước chúng ta không được tham gia vào một số gói thầu do một số nhà đầu tư nước ngoài yêu cầu, một số gói thầu ODA không cho doanh nghiệp nhà nước tham gia.

Nếu chúng ta chuyển qua mô hình cổ phần thì những doanh nghiệp này có thể tham gia đấu thầu sòng phẳng với các doanh nghiệp tư nhân cũng như doanh nghiệp nước ngoài.

Ông Thể dẫn chứng: "Theo số liệu thống kê mà chúng tôi nắm được từ năm 2011 đến năm 2016, chúng tôi lấy 18 tổng công ty mà chúng tôi đã cổ phần, trong đó có thể có số liệu là doanh thu thì tăng không nhiều, khoảng 15% thôi, nhưng lợi nhuận sau thuế, do chúng ta quản trị tốt, tăng lên tới 194%, nghĩa là bình quân mỗi năm tăng tới 40%, còn thu nhập của người lao động tăng 32% trong vòng 4 năm".

"Những doanh nghiệp mà Bộ Giao thông cổ phần hóa trong giai đoạn này, đến thời điểm này, gần như toàn bộ hoạt động có hiệu quả, giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động và cũng đảm đương được nhiệm vụ là xây dựng những công trình giao thông trọng điểm", Bộ trưởng Thể nhận định.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn