Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Hà Nam nên thành điểm không có sim rác

Kinh tếThứ Bảy, 24/01/2015 07:19:00 +07:00

Tại buổi làm việc với Sở thông tin truyền thông Hà Nội sáng 23/1, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo Sở cần kiểm tra chặt chẽ các đại lý bán sim rác.

(VTC News) - Tại buổi làm việc với Sở thông tin truyền thông Hà Nội sáng 23/1, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son đã chỉ đạo Sở cần kiểm tra chặt chẽ các đại lý để Hà Nam thành điểm không có sim rác.

Theo báo cáo của bà Đỗ Thị Nguyệt Tú, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nam, toàn tỉnh đã có 730.000 thuê bao điện thoại (mật độ 91,82 thuê bao/100 dân); 563 vị trí xây dựng trạm thu phát sóng (885 trạm 2G và 377 trạm 3G); 272 đại lý Internet, điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; 41.000 thuê bao ADSL (5,16 thuê bao/100 dân); 98 Điểm bưu điện văn hóa xã do Bưu điện tỉnh quản lý. Doanh thu năm 2014 của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trên địa bàn Hà Nam đạt 935 tỷ đồng (tăng 16,9% so với năm 2013). Tuy nhiên, lợi nhuận của các doanh nghiệp viễn thông tại Hà Nam vẫn đang bị âm (đã giảm âm koảng 16 tỷ đồng so với năm 2013).

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Hà Nam nên thành điểm không có sim rác
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Hà Nam nên thành điểm không có sim rác 
Năm 2014, Sở đã tham mưu ban hành hơn 20 văn bản pháp luật tạo hành lang pháp lý quản lý ngành TT&TT. Đặc biệt, đã xây dựng được một số quy hoạch quan trọng như Quy hoạch phát triển báo in tỉnh Hà Nam; Quy hoạch Bưu chính Viễn thông; Quy hoạch ứng dụng và phát triển CNTT…


Hạ tầng kỹ thuật CNTT-TT trong các cơ quan Nhà nước tại Hà Nam hiện đã cơ bản đảm bảo nhu cầu triển khai ứng dụng CNTT. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành đã được triển khai cho 100% cơ quan cấp huyện trở lên.

Dự kiến, trong năm 2015, Sở sẽ tăng cường hoạt động quản lý Nhà nước về bưu chính, viễn thông, đôn đốc thực hiện quy hoạch truyền dẫn phát sóng phát thanh, truyền hình và đề án số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất; Hỗ trợ, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong ngành phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, phục vụ tốt nhu cầu của nhân dân; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trên địa bàn tỉnh, tiếp tục phấn đấu thực hiện Chính phủ điện tử.

Để tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của Sở TT&TT Hà Nam trong thời gian tới, Giám đốc Đỗ Thị Nguyệt Tú đề nghị Bộ TT&TT chỉ đạo Cục Viễn thông và Cục Tin học hóa tăng cường phối hợp với địa phương trong việc tổ chức tập huấn, tuyên truyền, giống như Cục Tần số đang triển khai hiệu quả; Mặt khác, Bộ TT&TT quan tâm tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu về báo chí, CNTT, thông tin đối ngoại cho cán bộ của Sở.

Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhận xét: “Vừa qua, Sở TT&TT Hà Nam đã triển khai khá tốt hoạt động thanh tra, kiểm tra trên địa bàn tỉnh. Sắp tới cần tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông để hiện tốt Thông tư 04 và Thông tư 14 để quản lý SIM rác, Nghị định 77 và Nghị định 90 về quản lý thư rác, Nghị định 72 và các thông tư hướng dẫn quản lý thông tin trên Internet, đảm bảo an toàn an ninh thông tin. Đồng thời triển khai đầy đủ việc kê khai danh tính khi đăng ký thuê bao trả trước. Đặc biệt, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các đại lý, điểm bán… để Hà Nam trở thành điểm không bán SIM rác”.

Cũng trong buổi sáng 23/1, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng đã có buổi làm viêc cùng Bí thư tỉnh ủy Hà Nam Mai Tiến Dũng về các nội dung trong chương trình bàn giao trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin I thuộc VNPT về tỉnh Hà Nam quản lý trong thời gian tới.

Báo cáo tại buổi làm việc, ông Trần Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc VNPT cho biết, trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin I hiện có 1 phòng chức năng và 4 khoa giảng dạy với 70 cán bộ, giảng viên. Doanh thu năm 2013 đạt hơn 4 tỷ đồng. Trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin I là một trong những đơn vị triển khai đào tạo nhân lực chuyên sâu cho Tập đoàn.

Trước mắt, trong thời gian chưa chuyển giao hẳn trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin I về địa phương, Tập đoàn sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ để trường duy trì hoạt động đào tạo. Đặc biệt là vẫn bảo đảm các hợp đồng cung cấp dịch vụ đào tạo với trường. Các hợp đồng bồi dưỡng ngắn hạn mà VNPT ký kết với trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin I đang là nguồn thu chủ yếu của trường này.

Mỗi năm tập đoàn tạo điều kiện cho trường đào tạo 65 lớp, mỗi lớp 25 - 30 người. Năm 2014 đã thực hiện được 67 lớp. Ông Trần Mạnh Hùng cũng khẳng định, Tập đoàn sẽ thực hiện các thủ tục hỗ trợ cho 15 nhân sự thuộc diện dôi dư hoặc muốn về hưu trước tuổi của trường Trung học Bưu chính Viễn thông và Công nghệ thông tin I trong bối cảnh điều chuyển trường từ VNPT về địa phương quản lý.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, ông Mai Tiến Dũng cũng cam kết với Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son, khi VNPT bàn giao trường Trung học Bưu chính Viễn thông và CNTT I về Tỉnh, Tỉnh ủy Hà Nam sẽ tiếp tục phát triển thương hiệu đào tạo của trường, tiếp tục duy trì các ngành nghề đào tạo chuyên sâu của trường, đồng thời bổ sung thêm một số ngành nghề khác, góp phần đào tạo bồi dưỡng nhân lực CNTT chất lượng cao cho địa phương.

Chiều ngày 23/1, tại Khu du lịch sinh thái Tràng An, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cũng đã tham dự Lễ phát hành đặc biệt bộ tem bưu chính “Quần thể danh thắng Tràng An - Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới”.

Đây cũng là dịp đón Bằng của UNESCO ghi danh Quần thể danh thắng Tràng An là Di sản văn hoá và thiên nhiên thế giới. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son đã tới dự và phát biểu tại lễ phát hành.  

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn