Bộ trưởng Lao động thừa nhận lương tối thiểu lỗi thời

Thời sựThứ Hai, 19/12/2011 08:00:00 +07:00

(VTC News) - "So với quá trình trượt giá thì đến thời điểm này, rõ ràng mức lương tối thiểu cần được xem xét", Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận.

(VTC News) - “So với quá trình trượt giá thì đến thời điểm này, rõ ràng mức lương tối thiểu cần được xem xét”, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền thừa nhận.

Xây dựng Luật Lương tối thiểu

Đánh giá trên được Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Phạm Thị Hải Chuyền đưa ra tại buổi đối thoại trực tuyến với người dân về công tác an sinh xã hội vừa diễn ra chiều nay (19/12).

  
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền. Ảnh: Chinhphu.vn 
Theo đó, Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, chính vì mức lương thối thiểu không còn phù hợp với thực tế, nên vừa rồi Quốc hội đã giao cho Chính phủ xây dựng Luật Lương tối thiểu.

“Tới đây, trong quá trình xây dựng Luật Lương tối thiểu, những nội dung cụ thể này sẽ được giải quyết”, Bộ trưởng Chuyền khẳng định.

Trả lời câu hỏi “có thông tin ước tính có 40% các doanh nghiệp vừa và nhỏ đã ngừng hoạt động, dẫn đến số lao động thất nghiệp gia tăng. Xin Bộ trưởng cho biết tình hình cụ thể thế nào?”, (độc giả Bùi Văn Đệ, Long Thành, Đồng Nai); Bộ trưởng Chuyền cho biết: Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến tháng 11/2011, có gần 610.000 doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh. Tuy nhiên, trong số đó đã có hơn 76.300 doanh nghiệp đã bị thu hồi chứng nhận đăng ký, chiếm khoảng 12,6%, chứ không phải 40%.

“Trong số các doanh nghiệp chưa phải thu hồi cũng có một số doanh nghiệp gặp khó khăn, có thể tạm dừng sản xuất, ảnh hưởng nhất định tới đời sống người lao động hoặc ảnh hưởng tới việc làm”, Bộ trưởng Chuyền thừa nhận.

Với thực tế đó, theo Bộ trưởng Chuyền, Bộ LĐ-TB&XH đặc biệt quan tâm đến vấn đề này, và đưa hàng loạt giải pháp giúp đỡ, như làm sao để những người lao động này có việc làm ở nơi khác, hỗ trợ họ nếu chưa thể tìm việc làm.

Đồng thời, Bộ đã có văn bản đề nghị địa phương ưu tiên những người thất nghiệp vay vốn từ Quỹ việc làm quốc gia; chỉ đạo các trung tâm giới thiệu việc làm cung cấp thông tin về thị trường lao động để họ có thể tìm được việc làm mới; thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp; kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ chính sách đối với người lao động.   

Ưu tiên người nghèo

Về những chính sách của Bộ LĐ-TB&XH đưa ra để giúp đỡ người lao động thu nhập thấp, các đối tượng chính sách trong xã hội chịu nhiều ảnh hưởng của lạm phát, giá cả tăng cao, khi mà Tết Nguyên đán đang đến gần (độc giả Đặng Văn Thành, TP. Hải Phòng); Bộ trưởng Chuyền cho rằng, trong tình hình chung, đối tượng thu nhập thấp bao giờ cũng gặp khó khăn hơn, đặc biệt là năm nay khó khăn đó rất lớn.

Hộ nghèo luôn là đối tượng đầu tiên chịu ảnh hưởng của lạm phát, giá cả tăng cao. Ảnh Internet.
Trước tình hình này, một số chính sách hỗ trợ đã được Chính phủ đưa ra, như hỗ trợ tiền điện 30 nghìn đồng/tháng (kể từ tháng 3/2011) đối với các hộ nghèo theo chuẩn quốc gia; hỗ trợ 250 nghìn đồng/tháng cho những người có mức lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội dưới 2,5 triệu đồng/tháng; hỗ trợ 60.000 tấn gạo cứu đói cho 811.000 hộ với 2 triệu khẩu; hỗ trợ một phần đối với các tỉnh bị bão lũ…

Cũng theo Bộ trưởng Chuyền, để tiếp tục đảm bảo an sinh xã hội trong lúc ngân sách còn khó khăn, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết tăng cường đầu tư hỗ trợ các đối tượng khó khăn, giảm nghèo.

Ngoài ra, Chính phủ cũng tiếp tục đầu tư cho các chương trình an sinh xã hội, như ưu tiên kinh phí trợ giúp người nghèo về y tế, giáo dục.

Cụ thể: Chi hơn 5.700 tỷ đồng mua thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; khoảng 3.500 tỷ đồng thực hiện chính sách miễn giảm học phí cho học sinh; khoảng 1.850 tỷ đồng hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, đã hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm; tiếp tục đầu tư 483 tỷ đồng hỗ trợ vốn thực hiện việc giảm nghèo cho các tỉnh.

“Như vậy, năm 2011 Chính phủ đã giành nguồn lực ưu tiên cho 62 huyện nghèo, tăng gấp đôi so với năm 2010”, Bộ trưởng Chuyền nói.

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn