Bộ trưởng GTVT: Thanh tra không thể có vùng nhạy cảm

Thời sựThứ Sáu, 17/02/2012 02:05:00 +07:00

(VTC News) - “Đã thanh tra thì không có vùng nào là vùng nhạy cảm. Tôi và lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải sẵn sàng cùng chịu trách nhiệm".

(VTC News) - “Chúng ta phải xác định rằng, đã thanh tra thì không có vùng nào là vùng nhạy cảm, tôi và lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải sẵn sàng chịu trách nhiệm cùng lực lượng Thanh tra”, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng khẳng định.

>> Bộ GTVT lại 'sờ gáy' 15 dự án quan trọng

Khẳng định trên được người đứng đầu ngành Giao thông vận tải đưa ra tại Hội nghị Tổng kết công tác Thanh tra giao thông vận tải năm 2011 và triển khai nhiệm vụ năm 2012, vừa diễn ra sáng nay 17/2, tại Hà Nội.

Tập trung xử lý trách nhiệm người đứng đầu

Bộ trưởng Đinh La Thăng. 
Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng, lượng vốn đầu tư cho ngành giao thông rất lớn, không chỉ vốn từ Trung ương, mà còn vốn từ các địa phương, nên tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về tham nhũng.

Ngoài ra, ngành giao thông vận tải cũng quản lý nhiều ngành nghề có nguy cơ phát sinh tham những, như hệ thống trạm thu phí, trạm cân, đăng kiểm phương tiện, sát hạch cấp giấy phép lái xe…

“Chúng ta phải xác định, chống tham nhũng là của quần chúng, của toàn bộ đội ngũ cán bộ nhân viên ngành giao thông vận tải. Chứ không riêng của lực lượng Thanh tra, nếu chỉ giao cho một cơ quan thì không thực hiện được”, Bộ trưởng Thăng khẳng định.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng cho rằng, cần sớm xây dựng quy chế trách nhiệm, vai trò người đứng đầu. Năm qua chúng ta đã thanh tra rất nhiều, nhưng chất lượng, tiến độ công trình vẫn còn nhiều vấn đề, đi đâu dân cũng kêu. Nhưng những người đứng đầu đã có ai đứng ra chịu trách nhiệm, hoặc xử lý được người đứng đầu nào đâu.

Bộ trưởng Thăng dẫn chứng, có công trình hư hỏng, mà chủ đầu tư, ban quản lý dự án, các tư vấn, nhà thầu vẫn không sao, vẫn cứ bình chân như vại. Như thế là không được.

Để đảm bảo việc thanh tra có hiệu quả, kịp thời thời phòng chống tham nhũng, Bộ trưởng Thăng cho hay, lực lượng Thanh tra cần chủ động thanh tra, chỉ cần có dấu hiệu là phải thanh tra ngay. Chứ nhiều vụ lãnh đạo sắp bị công an bắt mới tổ chức thanh tra.

“Chúng ta nói mất lòng trước được lòng sau, đừng sợ mất lòng, chúng ta làm thế cũng là để bảo vệ cán bộ, đừng để công ty chuẩn bị phá sản rồi mới tới thanh tra. Những vụ việc, vấn đề dư luận báo chí đưa tin, xã hội phản ánh thì phải thanh tra ngay”, Bộ trưởng Thăng chỉ đạo.

Ngoài ra, theo Bộ trưởng Thăng, cần có quy chế phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng, các đơn vị liên quan với nhau, từ Bộ tới các Sở, ngành khác...  Vì hiện nay việc phối hợp thanh tra của ta còn rất chồng chéo, một đoạn đường có khi tới mấy đoàn thanh tra, nào thanh tra giao thông, thanh tra xây dựng, thanh tra môi trường… nhưng rốt cuộc kết quả vẫn không tốt.

Thanh tra Bộ Giao thông vận tải trong lần thanh tra taxi tại Hà Nội cuối năm 2011. 

Đồng thời, cần đào tạo, giáo dục đội ngũ thanh tra có chuyên môn giỏi, phẩm chất, đạo đức tốt, có trách nhiệm với công việc… Đừng để xảy ra vụ việc như vụ việc xảy ra ở Thanh tra đường bộ 1 đợt trước Tết trên Quốc lộ 70 (4 thanh tra viên bị nghi nhận hối lộ, đều thuộc Ban Thanh tra Đường bộ 1, Tổng Cục đường bộ VN - PV).
 
“Lực lượng Thanh tra đi thanh tra người khác, rồi ai sẽ là người thanh tra lại lực lượng thanh tra, chúng ta cần làm nghiêm mới có thể đi thanh tra được người khác. Đấy là yếu tố quan trọng”, Bộ trưởng Thăng nói.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng đề xuất, với các công trình xây dựng bằng nguồn vốn của Trung ương, nếu để xảy ra vấn đề, ngoài trách nhiệm của những người đứng đầu công trình, chúng ta cần xe xét thêm trách nhiệm của Giám đốc Sở Giao thông vận tải các địa phương, vì công trình đi qua địa phương đó, và địa phương đó cũng được hưởng lợi từ công trình…

5 năm xử lý 11 vụ tham nhũng

Trong năm 2011, Thanh tra Giao thông vận tải đã thực hiện nhiều cuộc thanh tra, tập trung vào các lĩnh vực như: Quản lý và đâu tư các dự án, đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, tổ chức hoạt động thu phí đường bộ, bảo vệ kết cấu đường bộ, thanh tra công tác quản lý vốn và tài sản tại doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ…

Qua công tác thanh tra đã phát hiện nhiều sai phạm, và đã kiến nghị xử lý một số ban quản lý dự án, nhà thầu tư vấn thi công có sai sót, thu hồi 3 giấy phép đào tạo lái xe, 3 giấy phép kinh doanh vận tải, đình chỉ 4 cơ sở đào tạo lái xe, 9 đơn vị kinh doanh vận tải, kiến nghị xử lý 31 đăng kiểm viên…

Về việc phát hiện và xử lý tham nhũng tại các đơn vị thuộc Bộ trong giai đoạn 2006 -2011, Thanh tra Bộ đã phát hiện 11 vụ, và đã khởi tố 44 cá nhân về tội tham nhũng. Điển hình là vụ tham nhũng xảy ra tại Ban quản lý dự án 18 (PMU 18), các cơ quan đã khởi tố hình sự 11 người, xử lý kỷ luật hành chính 12 người.

Các bị cáo trong vụ tham nhũng tại PMU 18 được đưa ra xét xử năm 2007. Ảnh Dantri.

Số vụ án đã đưa ra xét xử là 8 vụ, bị kết án tham nhũng 32 người. Số vụ tham nhũng xử lý hành chính là 9 vụ, xử lý kỷ luật về hành chính 119 người. Tài sản bị tham nhũng được phát hiện gần 4 tỷ đồng, đã thu hồi hơn 2 tỷ đồng, còn lại gần 2 tỷ không thể thu hồi.

Ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải cho biết: “Năm 2012 được Bộ xác định là “năm chất lượng công trình và là năm an toàn giao thông”. Vì vậy,  Thanh tra Giao thông sẽ tập trung vào các công trình dự án trọng điểm của ngành, thanh tra việc quản lý và sử dụng nguồn vốn của nhà nước, giám sát kiểm tra chất lượng các công trình”.

Đồng thời, theo ông Sỹ, Thanh tra giao thông sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn về xây dựng, tiến hành thanh tra việc chấp hành tiêu chuẩn kỹ thuật về công tác đảm bảo an toàn giao thông khi thiết kế, phê duyệt thi công các công trình dự án, đặc biệt là các công trình dự án kém chất lượng, có dấu hiệu mất an toàn, tai nạn và ùn tắc giao thông.

Lê Việt

Bình luận
vtcnews.vn