Bộ trưởng GD-ĐT: 'Tên gọi học phí là do mọi người quen tai'

Giáo dụcThứ Tư, 30/05/2018 15:22:00 +07:00

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định việc gọi giá dịch vụ đào tạo thay vì học phí là theo Luật giá và cho rằng "tên gọi học phí là do mọi người quen tai".

Theo Bộ trưởng GD-ĐT, việc chuyển đổi từ cơ chế thu học phí sang giá dịch vụ đào tạo theo hướng tính đúng, tính đủ các chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo nên cân nhắc tên gọi cho thuận và phản ánh đúng bản chất. Quy định gọi là giá dịch vụ đào tạo căn cứ theo Luật giá.

"Tên gọi học phí là do mọi người quen tai. Học phí không bao gồm tất cả các chi phí tạo ra dịch vụ đào tạo. Trong thực tế, nếu dựa vào học phí thì còn thiếu rất nhiều các khoản thu hợp pháp khác để phát triển nhà trường, phục vụ đào tạo.

Từ nội hàm khác nhau giữa giá dịch vụ đào tạo và học phí nên tên gọi phải khác nhau, 2 vấn đề không phải là một." - Bộ trưởng Nhạ cho biết.

phung-xuan-nha-2 6

 Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ với báo chí bên hành lang Quốc hội.

Cũng theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, đối với các dịch vụ do Nhà nước đặt hàng và cấp kinh phí thực hiện thì Bộ GD-ĐT chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính quy định khung giá và giá cụ thể đối với các khoản thu dịch vụ đào tạo trong các cơ sở giáo dục đại học công lập; khung giá, giá tối đa và giá cụ thể dịch vụ tuyển sinh.

Đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước: cơ sở giáo dục đại học xây dựng và quyết định mức giá dịch vụ đào tạo theo quy định của pháp luật. Giá dịch vụ đào tạo phải được công bố công khai cho từng năm học, khóa học cùng với thông báo tuyển sinh.

Thẩm tra nội dung này, đa số ý kiến cơ quan thẩm tra tán thành việc tính đúng, tính đủ chi phí cần thiết cho hoạt động đào tạo theo cơ chế giá dịch vụ và cho phép cơ sở GDĐH được tự chủ quyết định mức giá dịch vụ đào tạo đối với các dịch vụ không sử dụng ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến không nhất trí việc thay thuật ngữ học phí bằng giá dịch vụ đào tạo.

Các ý kiến này đề nghị cân nhắc sử dụng khái niệm học phí như quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục.

Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng cần quy định cơ chế giám sát, công khai, minh bạch trong tài chính đại học để kiểm soát việc thu phí tương xứng với chất lượng dịch vụ đào tạo; quy định chính sách hỗ trợ người học để có thể tiếp cận với giáo dục đại học khi tăng mức học phí.

Ngọc Yến - Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn