Bộ trưởng Công thương: 'EVFTA buộc doanh nghiệp Việt liên tục phải đổi mới và sáng tạo'

Kinh tếThứ Hai, 01/07/2019 07:22:00 +07:00

Bộ trưởng Công thương cho rằng EVFTA tạo ra nền tảng quan trọng nhưng để tận dụng, doanh nghiệp phải chủ động nắm bắt thông tin, liên tục đổi mới, sáng tạo.

Chiều 30/6, Liên minh châu Âu (EU) ký Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) với Việt Nam – nước thứ hai tại khu vực Đông Nam Á, sau Singapore. Việc ký thỏa thuận mậu dịch tự do với EU được cho là bước tiến lớn của Việt Nam trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và cũng mang nhiều kỳ vọng phát triển kinh tế của Việt Nam.

Tran Tuan Anh

Bộ trưởng Cô ng thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: VGP) 

Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, EVFTA đem đến một nền tảng quan trọng, là động lực cho các doanh nghiệp trong nước liên tục đổi mới và sáng tạo, đồng thời tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho người tiêu dùng.

Tuy nhiên, bên cạnh mặt lợi về ưu đãi thuế quan cũng như môi trường đầu tư, thách thức cũng đặt ra không ít cho hàng Việt xuất khẩu vào thị trường khó tính như EU, chưa kể yếu tố cạnh tranh khi hàng EU cũng sẽ vào thị trường Việt Nam dễ dàng hơn.

“Để khai thác được tối đa lợi ích mà hiệp định này mang lại, các doanh nghiệp của chúng ta, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cần chủ động nghiên cứu thông tin để có sự chuẩn bị tích cực. Từ đó tổ chức lại, đảm bảo năng lực cạnh tranh trong bối cảnh mới”, ông Tuấn Anh nói.

Người đứng đầu Bộ Công thương cho rằng, việc chuẩn bị nên được tiến hành toàn diện từ nghiên cứu cơ hội, thách thức của thị trường EU đến các giải pháp như nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, phát huy lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu suất…

“Doanh nghiệp cần đảm bảo sản phẩm của mình đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ, về tiêu chuẩn kỹ thuật và về vệ sinh an toàn động thực vật của EU”, ông Tuấn Anh nói thêm.

Cũng theo ông Tuấn Anh, tới đây, Bộ Công thương sẽ có chương trình phối hợp với các hiệp hội, ngành hàng, các doanh nghiệp, người dân để cung cấp thông tin đầy đủ đến doanh nghiệp, người dân.

Thỏa thuận trong EVFTA được kỳ vọng sẽ xóa thuế nhập khẩu cho nhiều hàng hóa giao dịch, trong khi phần còn lại sẽ nhận ưu đãi thuế quan theo hạn ngạch theo lộ trình riêng.

Theo đó, Việt Nam sẽ giảm 65% thuế nhập khẩu đối với hàng EU ngay khi EVFTA có hiệu lực và phần còn lại sẽ được xóa trong giai đoạn 10 năm. Ngược lại, hàng Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ được giảm hơn 70% thuế quan, với thời gian để xóa thuế nhập khẩu còn lại là 7 năm.

Phía EU nhận định đây là cách tiếp cận bất đối xứng và thể hiện sự hỗ trợ đối với một thị trường đang phát triển như Việt Nam.

Được biết, Việt Nam xuất khẩu sang EU các mặt hàng như điện thoại, giày dép và hàng may mặc trong khi nhập từ các nước EU máy móc công nghệ cao, máy bay, xe và dược phẩm.

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn