Bộ trưởng Công Thương: 3 tháng doanh nghiệp nhập xăng dầu giá cao, bán giá thấp

Đầu TưThứ Sáu, 06/01/2023 19:46:35 +07:00

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay, tức khoảng 3 tháng, các doanh nghiệp cứ nhập vào thì giá cao, bán ra giá thấp hơn, khiến hiệu quả kinh doanh bị tác động.

Tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 6/1 ở TP.HCM, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ, một điều quan trọng tác động tới các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xăng dầu là tỷ giá, lãi suất thay đổi. Trước, bình quân doanh nghiệp trong lĩnh vực xăng dầu vay từ các tổ chức tín dụng với lãi suất khoảng 6-7%/năm, sau đó, tăng lên 8-9%/năm, thậm chí 10%/năm.

Việc cập nhật giá cơ sở, từ chi phí định mức đến chi phí thực tế phát sinh trong kinh doanh xăng dầu cũng không được các ngành chức năng thực hiện đầy đủ. Trong bối cảnh đấy, từ tháng 1-11/2022, Bộ Công Thương đã có tới 48 văn bản gửi tới các cấp có thẩm quyền, Bộ, ngành, các cơ quan chức năng, đề xuất phối hợp chặt chẽ với Bộ chủ quản, giải quyết hợp lý các vấn đề khó khăn, vướng mắc ở thời điểm đó.

Tuy nhiên, một số ngành như Tài chính cũng có lý do riêng, bởi, theo quy định, điều chỉnh giá cơ sở thực hiện 6 tháng/lần, công thức điều chỉnh là lấy bình quân của 6 tháng trước để làm cơ sở cho 6 tháng sau, do đó, rất khó khăn khi giá nhiên liệu biến động hàng ngày, có ngày lên rất cao, rồi vài ngày lại xuống rất thấp.

"Trong khoảng 10 kỳ điều hành liên tiếp, mỗi kỳ 10 ngày, tức khoảng 3 tháng, các đơn vị cứ nhập vào thì giá cao, bán ra giá thấp hơn. Hiệu quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị tác động", ông Diên cho hay.

Bộ trưởng Công Thương: 3 tháng doanh nghiệp nhập xăng dầu giá cao, bán giá thấp - 1

Cung ứng xăng dầu đã gặp khó khăn ở một số thời điểm cuối năm 2022. (Ảnh minh họa: Tuấn Anh)

Ông Diên cũng điểm lại bối cảnh chung của thế giới khi đó, từ nguồn cung năng lượng nói chung, đặc biệt là xăng dầu bị thu hẹp bởi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) cùng với Nga đều bị giảm, tới khoảng 2 triệu thùng/ngày. Cùng với đó, Mỹ và châu Âu áp mức giá trần lên xăng dầu, khí đốt của Nga và OPEC+ nên đương nhiên sản lượng bán ra bị giảm sút nghiêm trọng, dẫn đến bối cảnh khủng hoảng thiếu ở nhiều quốc gia. Mặt khác, mùa đông đến nên nguồn cầu xăng dầu, khí đốt vào khu vực châu Âu rất lớn.

"Một quãng ngắn, chúng ta bị tác động bởi yếu tố khách quan trên. Chưa kể, chiến tranh dẫn đến việc vận chuyển nhiên liệu giữa các khu vực gặp khó khăn nhất định. Trong nước, thiên tai, bão nghiêm trọng ảnh hưởng, khiến đứt gãy nguồn cung xăng dầu nội địa", ông nói.

Bộ trưởng Diên thừa nhận, nếu không có vấn đề đáng tiếc liên quan tới xăng dầu cuối tháng 10, đầu tháng 11 ở một số địa phương thì thành quả của ngành Công Thương trong năm 2022 đã trọn vẹn hơn.

(Nguồn: Vietnamnet)
Bình luận
vtcnews.vn