Bộ trưởng Công an Tô Lâm trả lời chất vấn phòng chống tội phạm

Thời sựThứ Hai, 13/08/2018 13:56:00 +07:00

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời chất vấn về công tác phòng chống tội phạm tại phiên họp lần thứ 26 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào chiều 13/8.

Tiếp tục cập nhật....

16h30: Đại biểu Quốc hội chất vấn về đường dây làm giả bệnh án tâm thần

-Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội Bắc Kạn): Những năm gần đây xuất hiện nhiều vụ án giết người, gây thương tích do người tâm thần, sử dụng ma túy đây ra. Từ việc Công an Hà Nội phát hiện đường dây làm giả bệnh án tâm thần, nhiều người cho rằng bệnh án tâm thần được làm giả trong nhiều năm. Nhiều người nhờ có bệnh án này đã trốn tránh được trách nhiệm. Bộ trưởng đánh giá như thế nào về việc này và có giải pháp gì để giải quyết triệt để? Tôi đặc biệt gửi câu hỏi này đến Bộ trưởng Y tế để làm rõ trách nhiệm của ngành khi có cán bộ làm giả bệnh án?

Bộ trưởng Tô Lâm: Đối tượng tâm thần giết người, giết nhiều người dã man vừa qua vẫn xảy ra. Biện pháp của chúng tôi là tăng cường phối hợp để quản lý đối tượng tâm thần đưa vào các trung tâm điều trị chữa bệnh, không để gây các vụ án man rợ.

Về việc làm giả hồ sơ của đối tượng tâm thần để trốn tránh trách nhiệm, chúng tôi đã thấy có hiện tượng này. Vì vừa qua có những vụ án trinh sát phối hợp với cơ quan y tế để làm rõ. Khi sinh sống thì bình thường nhưng khi truy tố xét xử thì lai giả hồ sơ là người tâm thần, nhất là tâm thần phân liệt rất khó đánh giá để trốn tránh pháp luật. Các vụ án liên quan vấn đề này đã được khởi tố và có đối tượng cụ thể.

Trong số nhân viên y tế vì lý do này, lý do khác làm việc này thì phải xử lý trước pháp luật. Còn đối tượng tìm cách gian lận, chắc chắn pháp luật sẽ xử lý, không chấp nhận hồ sơ giả đó nữa. Bộ Công an sẽ phối hợp ngành y tế, các bệnh viện, trung tâm giám định tâm thần để làm tốt công tác quản lý, không để bị lợi dụng.

16h20: Bộ Công an có mở rộng phạm vi điều tra ra các địa phương khác?

- Tranh luận với Bộ trưởng Tô Lâm về việc điều tra tiêu cực thi cử THPT, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội), nói cử tri rất quân tâm đến kết luận điều tra và thời gian điều tra vụ việc. Ngoài 4 tỉnh Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn và Hòa Bình, Bộ Công an có mở rộng phạm vi điều tra ra các địa phương khác và các năm trước hay không? Cử tri cũng rất băn khoăn khi việc tuyển sinh vẫn phải theo kết quả đã công bố. Tất cả đang chờ kết quả của Bộ Công an. Việc tuyển sinh này ảnh hưởng đến chỗ học của các thí sinh nếu không có gian lận có thể đã đỗ. Cử tri mong muốn biết thời hạn giải quyết vì kết quả ảnh hưởng rất nhiều thí sinh có phổ điểm chấp chới.

Bộ trưởng Tô Lâm: Lực lượng điều tra rất muốn tập trung kết thúc nhanh nhưng phải đảm bảo vạch trần được tội phạm, nêu được hành vi vi phạm và chỉ ra đối tượng vi phạm. Thời gian ban đầu có thể điều tra trong 4 tháng nhưng chưa xong thì phải gia hạn chứ không thể áp lực việc đi học để có thời gian sớm nhất. Về thời gian, hiện nay chưa thể nói được việc đó. Hiện nay chúng tôi mới khởi tố, bắt giữ một số đối tượng. Nếu phạm vi điều tra liên những người khác, mở rộng những vấn đề khác nữa thì vẫn phải tiếp tục điều tra.

Với những người ở 3 địa phương đó nếu qua khai thác đấu tranh, nắm tình hình phát hiện đối tượng khác vi phạm thì vẫn tiếp tục xử lý. Không phải chỉ ở 3 địa phương này, nếu dấu hiệu phát hiện ở những địa phương khác có tình trạng như vậy thì chúng tôi vẫn tiếp tục xử lý, chứ không có giới hạn nào cả. Còn kết quả thi những năm trước sẽ tiếp tục cùng Bộ GD&ĐT kiểm tra đánh giá kết quả. Nếu phát hiện dấu hiệu tội phạm thì phải điều tra theo quy định. Tóm lại là không có gì giới hạn trong điều tra, xử lý hành vi trong lĩnh vực này.

16h10: Tội phạm trốn bằng đường tiểu ngạch

Bộ trưởng Công an Tô Lâm: Với lực lượng công an xác định quan trọng là ngăn ngừa tội phạm, không để xảy ra tội phạm. Nhưng ở địa phương mới giải quyết được vụ án xảy ra rồi, còn ngăn ngừa chưa đủ lực lượng và biện pháp thực hiện. Do đó sẽ tăng cường lực lượng xuống công an xã.

Hiện theo quy định của luật thì với xã ở vùng trọng điểm phức tạp an ninh trật tự thì bố trí lực lượng công an chính quy, còn lại chưa bố trí. Nhưng trên thực tế lực lượng công an xã vừa qua do nhiều yếu tố xin nghỉ việc rất nhiều, do lương thấp, áp lực công việc, rồi sự tấn công đe doạ của đối tượng mà chưa có chính sách tốt với lực lượng bán chuyên trách. 

Chủ trương là thống nhất đánh giá lại từng tỉnh, sau đó cùng Thường vụ từng tỉnh thì bố trí ngay lực lượng chính quy xuống ngay xã, để không trống địa bàn để đảm bảo yêu cầu giữ an ninh tại cơ sở.

Về tội phạm trốn ra nước ngoài, phần lớn trốn theo đường bất hợp pháp, qua tiểu ngạch không chịu sự quản lý của cơ quan xuất nhập cảnh. Chúng tôi đề xuất và được chấp thuận là đối tượng có dấu hiệu liên quan vụ án thì thuộc đối tượng không được xuất cảnh. Rồi với đảng viên có dấu hiệu thì phối hợp áp dụng chưa cho xuất cảnh, từ đó ngăn chặn. Còn số đã trốn ra nước ngoài thì qua hợp tác, ký Hiệp định sẽ đưa đối tượng về nước.

16h: Đường dây đánh bạc cả nghìn tỷ đồng: Cán bộ bị sự cám dỗ của đồng tiền

- Đại biểu Quách Thế Tản (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình): Thời gian qua tội phạm công nghệ cao diễn biến ngày càng phức tạp. Đặc biệt hành vi liên quan đến một số cán bộ cấp cao của ngành công an gây bất bình trong xã hội, làm giảm uy tín ngành công an. Cụ thể là đường dây đánh bạc xuyên quốc gia lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp phòng ngừa trong thời gian tới?

Bộ trưởng Tô Lâm: Việc đấu tranh với đường dây cờ bạc trên mạng, Bộ Công an đã tập trung đấu tranh trong thời gian dài. Sau đó, Công an Phú Thọ cũng phát hiện một mảng trong vụ án này nên Bộ Công an quyết định giao cho Công an Phú Thọ tập trung điều tra phá án ở giai đoạn cuối cùng, sau khi lực lượng nghiệp vụ của bộ đã làm rõ đường dây.

Vụ án này có liên quan đến nội bộ. Đây cũng là bài học xương máu của chúng tôi. Nguyên nhân là do những cán bộ không chịu rèn luyện, bị sự cám dỗ của đồng tiền, lợi dụng phương tiện kỹ thuật. Cũng có thể biết trong lực lượng công an có ít lực lượng phát hiện được việc này nên lợi dụng để bảo kê, liên quan đến tội phạm nhưng mà đã phát hiện từ trước, được xử lý nghiêm minh.

Rõ ràng với các vi phạm khác trong lực lượng công an, chúng tôi đã có biện pháp để chấn chỉnh, không để tội phạm này tiếp tục xảy ra. Sau vụ án đó, Bộ Công an tiếp tục phá một số vụ án mà tội phạm mạng không có sự liên quan lực lượng công an có số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Trong mùa World Cup 2018, 35 địa phương có tình trạng cờ bạc nhưng lực lượng công an không liên quan, cũng đã chấn chỉnh được một bước những vi phạm.

15h40: Nhiều đối tượng được thuê mướn gây rối

- Đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai): Vừa qua thế lực thù địch lợi dụng một số sự kiện như sự cố môi trường Formosa, dự án luật về đặc khu để kích động, lôi kéo biểu tình, bạo loạn chiếm trụ sở cơ quan công quyền, gây thiệt hại lớn về tài sản và làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh. Nhân dân rất bất bình và lên án hành vi trên. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân, giải pháp ngăn chặn, trừng trị để không để xảy ra vụ việc tương tự?

Bộ trưởng Công an Tô Lâm: Liên quan vụ việc vừa qua thì phát hiện nhiều đối tượng hình sự được thuê mướn tham gia gây rối, với số tiền từ 200.000- 400.000 đồng/người. Đối tượng có hành vi liều lĩnh, khủng bố, phá hoại. Điều đó tạo hình ảnh không tốt và gây bức xúc trong nhân dân. 

Cấp có thẩm quyền cũng đã có chỉ đạo và thực hiện giải pháp tổng thể. Lực lượng công an tiếp tục nắm tình hình, đấu tranh làm thất bại âm mưu của thế lực thù địch; triển khai hiệu quả các phương án bảo đảm an ninh, an toàn; tăng cường thông tin tuyên truyền để người dân hiểu đúng, không để bị kích động. Cùng với đó là tấn công truy quét đối tượng hình sự ngay ở địa bàn để các đối tượng không thể lợi dụng tham gia gây rối.

15h20: Đưa con nghiện vào cơ sở cai nghiện còn khó khăn

- Đại biểu đoàn Quảng Nam: Tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ gây thiệt hại rất lớn; tỷ lệ thu hồi tài sản có chuyển biến tích cực nhưng chưa cao. Nguyên nhân nào dẫn đến thu hồi tài sản khó khăn như vậy, đạt không quá 50%? Giải pháp nào giải quyết triệt để?

Bộ trưởng  Công an Tô Lâm: Đấu tranh chống tham nhũng thời gian qua có sự chuyển biến rất tích cực, nhưng chủ yếu ở Trung ương, còn ở địa phương có bắt đầu chuyển biến, chỉ còn có 5 tỉnh không có án tham nhũng. Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo, tăng cường hoạt động điều tra ở các cấp để giải quyết tốn vấn đề này.

Về thu hồi tài sản có tiến bộ, có vụ án thu được gần 50%. Tuy nhiên còn nhiều khó khăn như vụ án xảy ra lâu, đối tượng tinh vi, có sự chuyển hoá về tài sản... Chúng tôi sẽ tiếp tục tháo gỡ để nâng cao hiệu quả đấu tranh.

- Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An): Thực tế hiện nay lập hồ sơ đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc còn khó khăn, vướng mắc. Bộ trưởng cho biết giải pháp khắc phục tình trạng trên?

Thời gian qua khám phá nhiều chuyên án ma tuý với số lượng lớn, đối tượng lĩnh án tử hình ngày càng nhiều nhưng chưa được thi hành án?

Bộ trưởng Công an Tô Lâm: Quy định hiện tương đối đầy đủ nhưng vận dụng thực tế còn khó khăn về thủ tục, khó thực hiện trên thực tế. Vừa qua, Bộ ban hành thông tư 05 hướng dẫn lập thủ tục hồ sơ đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện tập trung. Sẽ đề xuất dự thảo Luật Phòng chống ma tuý sửa đổi thời gian tới để tháo gỡ khó khăn về thủ tục, phù hợp thực tiễn.

Về án tử hình trong vụ án ma tuý, hiện số lượng tồn đọng còn khá lớn, gây khó khăn cho công tác giam giữ. Thường đây là đối tượng cầm đầu, liên quan một số vụ cần tiếp tục điều tra, hay đối tượng tiếp tục khai báo tố giác nên cần thời gian. 

Cùng với đó còn một số bất cập trong quy định nên Bộ đang phân công nghiên cứu sửa đổi dự thảo Luật thi hành án hình sự để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hiện nay.

14h45: Gian lận thi THPT Quốc gia 2018

- Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội): Kỳ thi THPT xảy ra gian lận nghiêm trọng. Theo ông đây là loại tội phạm gì, có mơi không, năm trước có không, Bộ có bất ngờ không và làm gì để đảm bảo không xảy ra trong kỳ thi tới?

Bộ trưởng  Công an Tô Lâm: Chúng tôi phối hợp công an địa phương khởi tố 3 vụ án với tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ. Đối tượng là người tham gia chấm thi, quản lý bài thi và có vi phạm nên đây là hoạt động lợi dụng chức vụ quyền hạn. 

Đây là thủ đoạn mới đã được phát hiện, kỳ thi trước cũng có gian lận và Bộ công an cùng Bộ GD-ĐT đưa phương án để tránh bị lợi dụng. 

Với chúng tôi, hoạt tội phạm này không phải mới nhưng gian lận thì nhiều thủ đoạn. Có thể năm trước có tình trạng gian lận trong thi cử. Điển hình khi khảo sát các cháu đỗ đại học điểm cao nhưng khi vào học với yêu cầu cao thì nhiều cháu không theo học được. 

Cần quy trình quản lý các khâu, để tránh sơ hở bị lợi dụng. Còn bộ có kiểm tra, giám sát tổ chức tội phạm liên quan, kể cả sử dụng biện pháp kỹ thuật.

son la 3

 Sơn La là một trong các địa phương để xảy ra gian lận thi cử năm 2018.

14h40: Bộ trưởng Tô Lâm trả lời vụ án Vũ "nhôm"

- Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Ủy viên Thường trực UB về các vấn đề xã hội): Cử tri bức xúc trước nhiều một số vụ việc phạm tội có tổ chức liên quan đến một số sỹ quan công an thời gian qua. Vụ Vũ "nhôm" là vụ điển hình thể hiện sự lợi dụng chức vụ để phạm tội, trục lợi. Sau vụ việc này, Bộ có rà soát và còn kiểu Vũ "nhôm" hay không, giải pháp nào để tránh tình trạng kiểu Vũ "nhôm" thời gian tới?

Bộ trưởng Công an Tô Lâm: Vụ Vũ "nhôm" liên quan 5 vụ án đã khởi tố điều tra, đưa ra xét xử vụ thứ nhất liên quan cố ý làm lộ bí mật Nhà nước; xử lý tướng lĩnh công an, xử lý nguyên lãnh đạo Bộ Công an có vi phạm.

Đây là bài học lớn về quản lý cán bộ, nghiệp vụ, bị lợi dụng hình thành tổ chức bình phong. Chúng tôi đã rà soát và chắc chắn sẽ không còn tình trạng lợi dụng để có hoạt động tội phạm như vậy, cương quyết không để xảy ra vụ việc tương tự Vũ "nhôm" nên đã rà soát chấn chỉnh.

vu-nhom-2

 Vũ "nhôm".

14h30: Cướp giật xảy ra nhiều ở các thành phố lớn

- Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Tư pháp):Tình trạng tội phạm cướp, cướp giật, trộm cắp diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Có vụ đối tượng hành động dã man như vụ các hiệp sỹ bị sát hại. Xin hỏi Bộ trưởng, mô hình hiệp sỹ có nên khuyến khích và nhân rộng hay không? Quan điểm chính thức của Bộ Công an về vấn đề này?

Bộ trưởng  Công an Tô Lâm: Cướp và cướp giật xảy ra nhiều hơn ở thành phố lớn và điều này có tính quy luật. 5 thành phố lớn trực thuộc Trung ương chiếm 25%, riêng HN và TP.HCM chiếm khoảng 20% vụ hình sự.

Qua theo dõi, TP.HCM phạm pháp hàng năm đứng đầu toàn quốc. Qua thống kê, 6 tháng qua, số vụ phạm pháp ở TP.HCM xảy ra 2.005 vụ, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2017.

Bộ Công an đã chỉ đạo lực lượng công an triển khai nhiều biện pháp đấu tranh, nhất là ở TPHCM, lực lượng đủ và biện pháp để đấu tranh. Tỷ lệ khám phá ở TP.HCM được nâng cao, làm cho công tác phòng chống tội phạm này đạt một số kết quả tốt.

to-lam-2

 Bộ trưởng Tô Lâm trả lời chất vấn trước Thường vụ Quốc hội.

14h25: Không phải có kiến của lãnh đạo mới xử lý tội phạm xâm hại trẻ em

- Đại biểu Bùi Huyền Mai (Hà Nội): Đề nghị Bộ trưởng cho biết đánh giá về mức độ tình trạng nghiêm trọng của xâm hại, nhất là xâm hại tình dục trẻ em hiện nay như thế nào? Có vụ có ý kiến của lãnh đạo cấp cao và báo chí thì việc xử lý mới rốt ráo và hiệu quả?

Bộ trưởng Công an Tô Lâm: Năm 2017, phát hiện 1.592 vụ, giảm 3%. 6 tháng đầu năm nay phát hiện hơn 700 vụ, xâm hại tình dục chiếm hơn 80% số vụ việc. Nạn nhân chủ yếu là cháu gái, chiếm 80%. 

Nguyên nhân chung do tuyên truyền đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao, phối hợp chăm sóc các em chưa chặt chẽ, thiếu kỹ năng. Bên cạnh đó việc tiếp nhận và xử lý tố giác tội phạm về xâm hại trẻ em còn hạn chế.

Việc tố cáo trình báo về xâm hại trẻ em còn chậm nên việc củng cố chứng cứ gặp khó khăn ảnh hưởng đến điều tra xử lý. Nạn nhân và người thân thường giấu kín, không tố giác, có trường hợp nạn nhân và gia đình thiếu hợp tác với cơ quan điều tra, không có nhân chứng, nạn nhân còn nhỏ nên việc khai báo chưa chính xác, không thống nhất...

Không phải khi có lãnh đạo ý kiến mới được xử lý, mà tất cả các vụ đều được xem xét xử lý. Nhưng do có sự khó khăn cả về khách quan và chủ quan liên quan tình tiết vụ án nên có sự kéo dài một số vụ án.

14h10: Cơ bản thu hồi biển xe 80A, 80B cấp cho doanh nghiệp

Ngay đầu giờ chiều đã có 32 đại biểu đăng ký chất vấn Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Các đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy, Bùi Hiền Mai, Bùi Xuân Thống (Đồng Nai),... chất vấn Bộ trưởng Tô Lâm.

- Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý  (Uỷ viên thường trực UB Về vấn đề xã hội): Dư luận bức xúc vì Bộ cấp hơn 500 biển số xe biển 80. Vì sao có việc này, việc thu hồi hết chưa, xử lý trách nhiệm ai chưa?

Bộ trưởng Công an Tô Lâm: Bộ có thông tư quy định đăng ký quản lý phương tiện giao thông phân cấp quản lý biển số xe các phương tiện giao thông. Vừa qua chủ động phát hiện một số biển số xe cấp sai quy định. Qua kiểm tra khoảng 500 biển số thì thấy rằng đa số thực hiện theo đúng quy định theo thông tư, đúng thẩm quyền.

Nhưng đối chiếu thực tế cũng là sự vận dụng nên Bộ đã thu hồi gần như toàn bộ số biển số xe, còn khoảng 20 biển chưa thu hồi được vì đơn vị giải tán hay xe đó hết thời hạn lưu hành, tiếp tục truy tìm để thu hồi. Chúng tôi có tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc này. Hiện nay việc đăng ký sử dụng biển số đi vào nề nếp theo đúng quy định.

- Giải pháp ngăn chặn, xử lý tội phạm xâm hại trẻ em?

Bộ trưởng cho biết, tình trạng tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến rất phức tạp, 80% nạn nhân là các cháu gái, đối tượng phạm tội đa số là người quen, thân... nguyên nhân chung là do công tác tuyên truyền hiệu quả chưa cao, nhiều gia đình thiếu quan tâm, công tác giáo dục giới tính, kỹ năng phòng chống xâm hại của trẻ còn hạn chế. Việc tố cáo, tiếp nhận tin báo xâm hại trẻ em chưa kịp thời, gặp nhiều khó khăn...

14h: Bộ trưởng Tô Lâm báo cáo trước Thường vụ Quốc hội

Thời gian qua, bên cạnh thuận lợi, thời cơ, thì công tác đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội cũng đứng trước thách thức rất lớn. Các thế lực thù địch đẩy mạnh chống phá với phương thức thủ đoạn mới, tình hình khiếu kiện đất đai, biểu tình gây rối phức tạp, tội phạm có tổ chức, giết người, sử dụng công nghệ cao có chiều hướng gia tăng....

Lực lượng đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia, gương mẫu đi đầu trong sắp xếp bộ máy, quyết liệt triển khai thực hiện nghị quyết về đảm bảo an ninh trật tự đạt kết quả toàn diện trên các mặt công tác.

Mặc dù vừa qua xảy ra vụ việc phức tạp nhưng nhìn chung an ninh chính trị được giữ vững, hầu hết trọng án đều được điều tra làm rõ, triệt phá nhiều băng nhóm hình sự nguy hiểm...  Tỷ lệ thu hồi tài sản tăng cao, đấu tranh với tội phạm ma tuý đạt kết quả nổi bật, đánh trúng, đúng nhiều đường dây như vụ ở Lóng Luông, Vân Hồ, Sơn La.

bo-truong-to-lam

 Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm sẽ trả lời chất vấn tại phiên họp 26 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, sáng 13/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

Thời gian chất vấn và trả lời chất vấn trong một ngày và vẫn áp dụng hình thức đổi mới từ kỳ chất vấn tại phiên họp lần thứ 22. Theo đó, đại biểu Quốc hội nêu chất vấn ngắn gọn, rõ ý, không quá 1 phút mỗi lần. Sau đó người được chất vấn sẽ trả lời ngay câu hỏi của đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ nhất: Việc thực hiện các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số rất ít người trong việc tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (giáo dục-đào tạo, y tế…), hạ tầng xã hội, hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến.

Tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan: Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư; Tài chính; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giao thông vận tải; Giáo dục và Đào tạo; Lao động – Thương binh và Xã hội; Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Chiều 13/8, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phần chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ hai: Công tác bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là ở các thành phố lớn, khu công nghiệp. Công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người; tội phạm kinh tế; tội phạm về chức vụ; tội phạm sử dụng công nghệ cao; tội phạm ma túy. Công tác quản lý, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Trách nhiệm trả lời chính là Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm.

Tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan có Phó thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thanh tra Chính phủ, Tổng Kiểm toán nhà nước, Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trong trường hợp đại biểu Quốc hội chưa thỏa mãn với câu trả lời thì có thể sử dụng bảng để đăng ký tranh luận như tại phiên chất vấn ở Quốc hội, thời gian hỏi và trả lời khi tranh luận ngắn hơn quy định nêu trên.

Minh Đức
Bình luận
vtcnews.vn