Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: DN nội sẽ được tăng sức mạnh

Kinh tếThứ Hai, 05/05/2014 07:10:00 +07:00

(VTC News) – Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh nói: VN sẽ có những chính sách đủ mạnh để thúc đẩy khai thác tất cả các lợi thế về DN trong nước.

(VTC News) – Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh nói: VN sẽ có những chính sách đủ mạnh để thúc đẩy khai thác tất cả các lợi thế về DN trong nước.

Theo ý kiến của Bộ trưởng Vinh trả lời trong chuyên mục Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 4/5:“Nếu như chúng ta không quan tâm đúng mức và đầy đủ đến khối doanh nghiệp trong nước thì dù có thu hút đầu tư nước ngoài tốt bao nhiêu thì kinh tế Việt Nam vẫn không phát triển được, và bị lệ thuộc”.

Tăng sức mạnh cho doanh nghiệp nội

Một trong những vấn đề được nhiều doanh nhân đặt ra cho Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là: "Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã dành rất nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp nước ngoài, từ thủ tục hành chính, thuế cho đến đất đai…trong khi doanh nghiệp trong nước thì luôn phải đối mặt với hàng núi thủ tục hành chính và ưu đãi rất không rõ ràng.

Bộ trưởng Vinh
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tưBùi Quang Vinh 
Vậy trong thời gian tới, liệu có sự chuyển biến nào không về chính sách và chủ trương phát triển khu vực doanh nghiệp trong nước đặc biệt là khu vực doanh nghiệp tư nhân?”

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, thực chất doanh nghiệp trong nước được hưởng rất nhiều ưu đãi thông qua các luật lệ và được tạo điều kiện, còn doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng có những khó khăn rào cản khi họ đầu tư vào, cho nên cũng không thể nói là doanh nghiệp nước ngoài được ưu đãi đầu tư rất nhiều mà doanh nghiệp trong nước thì không, hai bên đều có những cái thuận lợi và khó khăn riêng.

Nói một cách công bằng, thời gian vừa qua chúng ta trọng tâm và chú ý nhiều đến mảng doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài, vì họ có những vai trò riêng trong lúc chúng ta đang thiếu hụt nguồn lực về vốn, về kinh nghiệm rồi về khoa học công nghệ,… thì việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam không những mang cho chúng ta một nguồn lực mới mà bao nhiêu kết cấu hạ tầng lớn hiện đại, những nhà máy công nghệ lớn ở Việt Nam đều do đầu tư trực tiếp nước ngoài. Cùng với đó, giá trị xuất khẩu rất lớn, chiếm tỷ trọng rất lớn.

“Tuy vậy, chúng ta phải thấy một điều rằng là nếu như chúng ta không quan tâm đúng mức và đầy đủ đến khối doanh nghiệp trong nước thì dù có thu hút đầu tư nước ngoài tốt bao nhiêu thì kinh tế Việt Nam vẫn không phát triển được, và bị lệ thuộc”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.

Cho nên điều quan trọng nhất khi hội nhập là các doanh nghiệp trong nước phải mạnh lên, thứ hai là những doanh nghiệp trong nước là những doanh nghiệp mà tạo ra công ăn việc làm nhiều hơn, số lượng đông đảo hơn và họ phải là những người xây dựng được những thương hiệu của Việt Nam.

Vậy nên ở đây, một trong những động lực để đất nước phát triển trong thời gian tới chính là phải quan tâm đến khối doanh nghiệp trong nước.


Khối doanh nghiệp trong nước gồm có 2 mảng, mảng thứ nhất là những doanh nghiệp về nhà nước thì chúng ta đang tập trung để tái cấu trúc theo hướng thu hẹp lại các lĩnh vực hoạt động và đồng thời cổ phần hóa mạnh mẽ, nhưng điều cốt lõi cuối cùng của doanh nghiệp nhà nước đó chính là phải nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước.

Vấn đề thứ hai theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh là chúng ta phải quan tâm nhiều hơn, đầy đủ hơn đến khối doanh nghiệp dân doanh hay còn gọi là doanh nghiệp tư nhân, bởi đây là một lực lượng lớn nhất, đông đảo nhất, và tôi có thể nói rằng là quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam, nhưng vừa qua chúng ta cũng chưa quan tâm đầy đủ.

“Cho nên, trong soạn thảo về định hướng phát triển kinh tế trong thời gian tới, chúng tôi đưa ra một trong những mục tiêu là phải tập trung mọi nguồn lực, có những chính sách đủ mạnh để thúc đẩy khai thác tất cả các lợi thế về doanh nghiệp tư nhân trong nước, và có thể nói rằng doanh nghiệp tư nhân sẽ là động lực quan trọng bậc nhất đóng góp vào tăng trưởng của chúng ta”, Bộ trưởng cho hay.

Và song song với việc để phát triển doanh nghiệp tư nhân, tới đây Chính phủ cũng sẽ trình Quốc hội để sửa 2 luật có liên quan rất nhiều đến lĩnh vực này đó là: Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư.

Hai luật này được sửa đổi theo hướng là tháo bỏ toàn bộ những rào cản hiện nay đang cản trở sự tham gia vào thị trường cũng như thành lập và phát triển doanh nghiệp của khối dân doanh theo hướng là tất cả những ngành nghề nào mà luật pháp không cấm thì người dân và doanh nghiệp đều có thể tham gia.

Và gần đây nhất, trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013, chúng ta lại một lần nữa khẳng định quan điểm này, tuy vậy lần này phải biến quan điểm đấy trở thành hiện thực thì trong luật doanh nghiệp và luật đầu tư sẽ có những chế định rất rõ ràng, thống kê chi tiết: Một là sẽ cởi bỏ, nghĩa là doanh nghiệp có quyền đăng ký, trong giấy phép của họ không cần phải đăng ký lĩnh vực đầu tư mà họ chỉ được biết rằng là không được kinh doanh những lĩnh vực kinh doanh có điều kiện sau đây, còn lại là họ được quyền kinh doanh.

Thứ hai là trong luật đầu tư sẽ gỡ bỏ toàn bộ, không cần cấp phép cho đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng như các lĩnh vực đầu tư để cho mọi thành phần có thể tự do kinh doanh theo mục đích đăng ký.

Và ở đây, rất nhiều những giấy cấp phép sẽ được xóa bỏ, lần này chúng tôi sẽ trình ra Quốc hội, thống kê lại từng loại giấy phép một, những điều kiện đang gây cản trở, và đề nghị Quốc hội sẽ có thông tin trong luật để có thể sửa đổi những vấn đề này, tạo ra những điều kiện rất thông thoáng, rất thuận lợi cho người dân cũng như cho doanh nghiệp muốn đăng ký thành lập doanh nghiệp cũng như kinh doanh.

Và đảm bảo rằng các thành phần kinh tế đều được tiếp cận với nguồn lực khác nhau, bình đẳng nhau làm cho đất nước ta có động lực phát triển trong thời gian tới.

Hoàn thiện môi trường kinh doanh

Về môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh thẳng thắn thừa nhận: “Môi trường đầu tư kinh doanh còn chưa thật sự hoàn thiện”.

Lý giải điều này, Bộ trưởng Vinh cho rằng, vì Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, cho nên hệ thống luật pháp cũng từng bước đang được hoàn thiện dần, nó khác với các nước đã phát triển nhiều năm.

Nhưng Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của mình một cách rất tích cực và được các nhà đầu tư nước ngoài ghi nhận. Điều này được chứng minh bằng số lượng vốn cũng như số lượng dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam ngày càng tăng và tăng rất mạnh.

Tuy nhiên, trong môi trường đầu tư kinh doanh, vấn đề mua bán sát nhập là một lĩnh vực mới. Cho nên ở trong Việt Nam, các khuôn khổ pháp lý hiện đã có rải rác ở các văn bản pháp luật khác nhau nhưng chưa có một văn bản hoàn chỉnh riêng về lĩnh vực này.

Thời gian tới, trong sửa đổi Luật đầu tư, dự kiến chúng ta cũng sẽ đưa một mục chuyên về vấn đề mua bán sát nhập doanh nghiệp, bởi vì nó cũng là vấn đề rất nóng hổi trong thời gian tới, nhất là khi chúng ta đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam.

Vấn đề thứ hai là vấn đề đối tác công tư PPP. Đây cũng là một hình thức mới đối với Việt Nam. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang được Chính phủ giao là cơ quan chủ trì soạn thảo, chúng tôi đã tham khảo rất nhiều ý kiến của các tổ chức quốc tế, các quốc gia, thậm chí cả các tập đoàn lớn của quốc tế có kinh nghiệm.

Trong năm nay, chắc chắn Nghị định về đối tác công tư sẽ được ban hành và nó được các nhà tài trợ quốc tế hiện nay đánh giá là phù hợp với thông lệ quốc tế, hấp dẫn được các nhà đầu tư nước ngoài và có tính khả thi ở Việt Nam, cho nên tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ hoàn thiện trong năm 2014 này những vấn đề mấu chốt của hai vấn đề về mua bán sát nhập cũng như vấn đề về đối tác công tư sẽ có những cải thiện về môi trường đầu tư kinh doanh.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn