Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Nhiều DN bất động sản sẽ phá sản

Kinh tếThứ Hai, 19/12/2011 07:38:00 +07:00

(VTC News) - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thời gian tới, thị trường bất động sản vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn.

(VTC News) - Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho rằng, thời gian tới, thị trường bất động sản vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, vì thế doanh nghiệp sẽ vẫn phải “gồng mình” chịu đựng, thậm chí nhiều doanh nghiệp phá sản cũng là chuyện bình thường.

Tại Hội nghị Doanh nghiệp ngành Xây dựng năm 2011 diễn ra chiều 17/12, ông Trịnh Đình Dũng đã dành gần 2 giờ đồng hồ để trả lời gần 70 câu hỏi của các cơ quan báo chí liên quan đến lĩnh vực bất động sản.

Người dân sẽ không quay lưng lại với nhà chung cư

- Thời gian gần đây, có rất nhiều chung cư phải giảm giá, thậm chí có ý kiến còn cho rằng, sẽ “vỡ trận” chung cư, ý kiến của Bộ trưởng như thế nào?

- Tôi cho rằng, giảm giá thì quá tốt. Giảm giá thì người dân sẽ có lợi, nhưng chủ đầu tư thì sẽ chịu thiệt. Vì thế, làm sao để cả hai bên cùng có lợi là vấn đề rất khó.

Nhiều ý kiến cho rằng, thị trường bất động sản phải đến năm sau mới giảm được giá nhưng thực tế là hiện nay đã giảm giá rồi. Còn sẽ giảm giá bao nhiêu và như thế nào, tôi nghĩ, còn tùy thuộc vào sự phát triển thị trường bất động sản và sự chịu đựng của từng doanh nghiệp.

- Một trong những nguyên nhân khiến thị trường chung cư giảm giá mạnh như thời gian vừa qua là do những lo ngại về vấn vấn đề an toàn tại các chung cư. Theo Bộ trưởng, liệu có xảy ra tình trạng, người dân quay lưng lại với các căn hộ chung cư?

- Hiện nay vẫn có những chung cư bán rất tốt như: các chung cư giá thấp của Vinaconex. Vì vậy, nói người dân quay lưng lại với chung cư, tôi nghĩ không đúng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: P.V 
Bộ Xây dựng hiện cũng rất quan tâm đến chất lượng nhà chung cư và không thể để tình trạng chất lượng nhà đang trong quá trình xây dựng kém. Chất lượng xây dựng cần đảm bảo quy hoạch, kế hoạch dự án, giám sát, thiết kế xây dựng, kiểm soát, nghiệm thu, khai thác sử dụng. Tất cả các quy trình vẫn tuân thủ.

- Không chỉ nhà chung cư, hiện nay tại nhiều dự án nhà thu nhập thấp ở Hà Nội như: Đặng Xá (Gia Lâm), Đại Mỗ (Từ Liêm) và Sài Đồng (Long Biên) cũng đang rất ế ẩm vì giá quá cao. Trong khi đó, giá nhà thu nhập thấp tại Đà Nẵng chỉ bằng ½ Hà Nội. Bộ trưởng nghĩ sao về vấn đề này?

- Nhà ở Đà Nẵng và một số nơi là đã có hạ tầng rồi, thậm chí xung quanh có đường hết. Nhưng ở Hà Nội thì doanh nghiệp phải làm nhiều thứ, từ giải phóng mặt bằng đến làm hạ tầng. Do vậy, chi phí ở Hà Nội sẽ cao hơn hơn so với nhiều tỉnh khác. Cái này cần có sự can thiệp của Nhà nước để có giá hợp lý.

- Vừa qua, sau khi được mở van tín dụng nhưng với phân khúc nhà ở xã hội vẫn chưa có sự chuyển biến rõ rệt, Bộ trưởng đánh giá thế nào về vấn đề này?

- Tôi cho rằng, rõ ràng việc mở van tín dụng phải đúng chỗ. Nếu mở đúng chỗ thì chắc chắn phải có hiệu quả. Nhưng tôi phải khẳng định thế này, hiện kinh tế đang khó khăn, đặc biệt là lĩnh vực kinh doanh bất động sản, việc xác định ngay hiệu quả của việc mở van tín dụng cũng cần có thời gian.

- Trong Chiến lược Phát triển nhà ở của Chính phủ đã đề ra giải pháp hỗ trợ nhà ở cho đối tượng chính sách gặp khó khăn. Vậy xin Bộ trưởng cho biết các bước thực hiện sẽ ra sao?

- Trước hết chúng ta phải hoàn thiện hệ thống pháp luật có liên quan đến nhà ở. Thứ hai là phải làm tốt công tác quy hoạch. Trước đây quy hoạch chúng ta không nói loại nhà ở gì. Nhưng lần này trong Nghị định phát triển đô thị mà Bộ sắp trình Chính phủ, sẽ đề cập đến vấn đề này. Đặc biệt quy hoạch phân khu và chi tiết phải nêu rõ khu vực nhà ở xã hội, để không thể sử dụng vào các mục đích khác.

Nếu là đất nhà ở xã hội thì đất đó phải được ưu tiên. Cụ thể, Nhà nước sẽ hỗ trợ chi trả tiền giải phóng mặt bằng hoặc miễn thu tiền sử dụng đất cho doanh nghiệp, Nhà nước cũng có thể đầu tư bằng cách mua lại nhà của các doanh nghiệp làm, bằng cách bỏ vốn đầu tư ngân sách trực tiếp hoặc hình thức BT (đổi đất lấy công trình).

Nhà nước sẽ quản lý quỹ nhà đó, bán giá rẻ cho các đối tượng ưu tiên trong chính sách hoặc cho thuê.

Trong điều hành, Bộ cũng có một phần lỗi!

- Thưa Bộ trưởng, ông đánh giá thế nào về việc thời gian vừa qua, thị trường bất động sản phát triển không lành mạnh và diễn biến phức tạp bị cho là do khả năng điều hành, định hướng kém?

- Điều này đúng là có một phần lỗi của Bộ. Thị trường bất động sản hiện nay đóng băng cũng có hai mặt của nó. Mặt tích cực là đưa giá bất động sản về đúng giá trị thật. Mặt không tích cực là làm cho nền kinh tế khó khăn thêm, dẫn đến phát sinh các vấn đề xã hội.

Những nguyên nhân tồn tại yếu kém đã được nói rất rõ trong chỉ thị ngày 6/12 của Thủ tướng về một số giải pháp quản lý thị trường BĐS. Trong đó có những nguyên nhân về thể chế, quản lý Nhà nước, từ chủ đầu tư.

Hội nghị doanh nghiệp ngành xây dựng ngày 17/12 tại Hà Nội. Ảnh: P.V 
Nhưng cũng phải khẳng định doanh nghiệp kinh doanh bất động sản xưa nay thường làm theo phong trào, giống như kiểu tất cả mọi người cùng kéo nhau ngồi trên thuyền, rồi khi gặp sóng thì tất cả cùng chồng chềnh theo. Vì vậy, doanh nghiệp cũng có trách nhiệm một phần.


- Năm 2011, nhiều doanh nghiệp xây dựng rơi vào tình trạng hết sức khó khăn . Chúng ta cần làm gì để tránh tình trạng này?

- Quy luật phát triển là có anh đi lên, nhưng cũng có anh đi xuống. Mỗi năm có hàng vạn đơn vị phá sản và xin đăng ký phá sản. Vì vậy, việc phá sản cũng là chuyện bình thường. Nhưng phá sản nhiều hay ít thì là vấn đề nghiên cứu. Trong thời gian này đúng là rất khó khăn, nếu chúng ta không có những giải pháp hữu hiệu và thực tế thì có thể sẽ có nhiều hơn doanh nghiệp phá sản. Đây là chuyện không ai mong muốn. Không chỉ Bộ Xây dựng mà Chính phủ cũng rất quan tâm.

- Vậy tới đây, Bộ Xây dựng có biện pháp gì để “cứu” thị trường không?

- Với tình hình hiện nay, Bộ cho rằng phải có biện can thiệp, nhưng thị trường bất động sản năm trong mối quan hệ với kinh tế vĩ mô. Vì vậy, cứu không có có nghĩa mang tính chất giải cứu thông thường mà vấn đề theo tôi là làm thế nào để tạo động lực cho thị trường phát triển, giải quyết lao động, đóng góp cho vấn đề an sinh.

Nhà nước không bỏ rơi một thị trường nào cả, nhưng trước mắt, các doanh nghiệp cũng phải cố gắng gồng mình vượt qua khó khăn, cần xem lại, tái cơ cấu doanh nghiệp, định hướng phân khúc của mình bán ra thế nào là phù hợp.

- Bộ trưởng đánh giá thế nào về thị trường bất động sản năm 2012?

- Mặc dù năm 2011, Chính phủ đã đưa ra những mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội song khó khăn còn chưa hết. Đặc biệt là tác động của suy thoái kinh tế, cũng như nội tại của chúng ta.

Vì vậy kinh tế năm 2012, Chính phủ cũng không đặt mục tiêu tăng trưởng cao, mà tăng cường kiềm chế lạm phát với mức tăng trưởng hợp lý. Điều này tôi cho rằng sẽ tác động ngay đến thị trường bất động sản năm 2012.

Tình hình đang rất khó khăn, vì vậy theo tôi ít nhất là 6 tháng nữa, thị trường bất động sản sẽ vẫn phải tiếp tục chịu đựng. Năm tới, điểm sáng của thị trường sẽ là phân khúc nhà ở cho người thu nhập thấp. Nhưng giá phải ở mức độ phù hợp với khả năng thanh toán của người dân.

Xin cảm ơn Bộ Trưởng!

Châu Anh(ghi)
 
Bình luận
vtcnews.vn