Bộ trưởng Bộ VHTT&DL đau đầu với việc bùng phát lễ hội

Thời sựThứ Sáu, 11/06/2010 09:26:00 +07:00

(VTC News) - Sự bùng nổ của các lễ hội, kèm theo những biến tướng như mê tín dị đoan, chùa giả, hòm công đức tràn lan thu về tiền tỉ… khiến ĐB quốc hội bức xúc.

(VTC News) - Năm 2010, nước ta chứng kiến sự bùng nổ của các lễ hội, kèm theo những biến tướng như mê tín dị đoan, chùa giả, hòm công đức tràn lan thu về tiền tỉ… khiến người dân và các ĐB quốc hội bức xúc về sự tốn kém và không cần thiết của không ít lễ hội.

Những vấn đề này đã được đặt ra trong buổi chất vấn Bộ trưởng Bộ VHTT&DL chiều 11/6.

Trước 15/6 sẽ tiến hành kiểm kê lễ hội cả nước

Bộ trưởng Bộ VHTT&DT Hoàng Tuấn Anh. 
ĐB Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) gay gắt lên tiếng khi thấy các địa phương tổ chức tràn lan các lễ hội, có những lễ hội được tổ chức chỉ cốt lập kỷ lục ghi nét; có những lễ hội có các hành vi phản cảm như đâm trâu, chém lợn; có những lễ hội bị biến tướng như Giỗ tổ Đền Hùng với chai rượu to, bánh chưng to nhưng kém chất lượng; có những lễ hội mới tinh như lễ hội hoa, lễ hội xuân; Lễ hội Chùa Hương thì nhiều chùa giả… ĐB Khánh sau khi liệt kê hàng loạt những biến tướng, sự phản cảm của lễ hội, đã hỏi Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh một câu hỏi mà chính ĐB này biết chắc là chưa có câu trả lời ngay, nhưng vẫn rất cần, rất muốn biết con số cụ thể: “Xin bộ trưởng cho biết tổng chi phí tổ chức lễ hội từ 2009 là bao nhiêu, chiếm bao nhiêu % số tiền chi cho các hoạt động xã hội?”

Đúng như dự đoán của ĐB, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh không thể đưa ra câu trả lời ngay: “Tổng chi phí lễ hội, chúng tôi sẽ làm việc với bộ tài chính để có con số. Còn mỗi địa phương chúng tôi cũng sẽ hỏi và sẽ trả lời đại biểu”.

Đồng tình với việc có những lễ hội gây mê tín dị đoan, cần lên án hành vi đó, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đưa ra dẫn chứng về hiện tượng chùa giả, đóng ông thánh con, phát lộc để thu tiền tại lễ hội Chùa Hương và Bộ cũng đã cử thanh tra về làm việc với địa phương xung quanh lễ hội chùa Hương.

Tuy vậy, những tập quán như đâm trâm, chém lợn ở một số địa phương, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho rằng, đó là phong tục bao đời của người dân, không dễ một sớm một chiều để thay đổi. Cái Bộ có thể làm được là dặn các phương tiện thông tin đại chúng không đưa tin, hình ảnh quá cụ thể, gây phản cảm cho người xem: “Chúng tôi làm việc với cơ quan truyền thông rồi. Nhưng không sốt ruột làm ngay được đâu. Ví dụ như đấu bò tót ở Tây Ban Nha, là hoạt động thu hút du lịch, nước này muốn dẹp có dẹp được đâu?”

Trước việc bùng phát lễ hội, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định, đến 15/6 này sẽ kiểm kê xong các loại lễ hội, phân loại, lên phương án giám sát các loại hình lễ hội và báo cáo Thủ tướng.

Bức xúc không kém ĐB Khánh, ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) chỉ rõ những điều không nên không phải ngay chính lễ hội do Bộ quản lý: Giỗ tổ Hùng Vương. “Chúng ta đặt cái gì lên bàn thờ Quốc tổ? Năm nay, đặt lên bàn thờ quốc tổ chai rượu lớn, Bộ trưởng biết không? Tại sao đưa những thứ dung tục lên? Ông cha ta đâu có đặt lên bàn thờ để thờ rượu?”

Về sự việc này, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh thừa nhận đó là sự việc đau lòng, vi phạm luật quảng cáo. Không chỉ có chai rượu to, bánh chưng to cũng là chạy theo hư danh. “Đây là việc làm ẩu, và chúng tôi đã dứt khoát dẹp ngay” – Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh khẳng định.

Hòm công đức thu tiền tỉ -  Có hay không sự chia chác giữa ban quản lý và các sư?

Bộ VTTTDL đã thu hồi việc cấp phép sai một di tích lịch sử cấp quốc gia vì việc thẩm định không sát, đình bản 2 nội dung quảng cáo không đúng nội dung cấp phép và xử lý một số diễn viên hát không đúng bài cho phép.

ĐB Nguyễn Ngọc Đào (Hà Nội) đặt nghi vấn cho việc sử dụng tiền công đức ở nhiều chùa lớn hiện nay chưa thực sự được sử dụng đúng mục đích: “Có vị sư nói thẳng với tôi: “Báo cáo ông Đào, tuần vừa rồi tôi thu được 1 tỉ đồng tiền công đức”. Bộ đã có hình thức quản lý gì về tiền này? Đây là tiền của dân, mồ hôi công sức của dân? Liệu có hay không sự móc ngoặc giữa ban quản lý di tích và nhà sư để chia chác tiền này? Có nên có quy định ở đến chùa cần bao nhiêu hòm công đức, bao nhiêu ban thờ hay không?”

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL thông tin, ông có biết có những nơi thu tiền tỉ từ tiền công đức, nhưng cũng có những nơi không nhiều, không có tình trạng này: “Đúng là hiện nay hòm công đức không được quản lý chặt chẽ. Hiện tượng này chủ yếu rơi vào các chùa ngoài bắc. Người dân vứt tiền lên tay thánh, phật. Tiền 1000 đồng, 2000 đồng và thậm chí 200 nghìn đồng cũng có. Đây là hành vi không có văn hóa. Tôi thiết tha đề nghị người đi lễ hội phải chấm dứt việc này. Ở những nơi đó không cần tiền mà cần tấm lòng chúng ta khi đến”.

Tuy vậy, Bộ trưởng cũng cho rằng, một đền chùa để nhiều hòm công đức là không nên, mất mỹ quan, phản cảm. Mỗi nơi chỉ có 2 hòm công đức mà thôi.

Cũng trong buổi chất vấn, nhiều đại biểu lo lắng về việc chậm ban hành các nghị định, nghị quyết, thông tư về quản lý văn hóa. Sau khi nên các con số văn bản đã làm trong thời gian gần 3 năm đương nhiệm của mình, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh cho biết, khâu soạn thảo nghị định sau khi có luật là chậm, gây cản trở cho việc đưa luật vào cuộc sống.

Kết thúc buổi chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng khẳng định lại sự cần thiết, ý nghĩa của lễ hội: “Chúng ta không phê phán lễ hội, mà phải quảng bá các lễ hội lành mạnh. Nhưng mặt khác những mặt trái của lễ hội, biến tướng lễ hội, lợi dụng lễ hội thì cần kiên quyết xem xét. Đúng là phải kiểm kê, rà soát các lễ hội, mặt nào cần hạn chế, mặt nào cần phê phán để có các biện pháp xử lý. Còn lễ hội vẫn là nhu cầu chính đáng của nhân dân. Vấn đề là làm quy mô như thế nào, mức độ như thế nào để tránh lãng phí về tiền bạc, thời gian…”


Hiền Minh

Bình luận
vtcnews.vn